Sư thầy với tấm lòng nhân hậu

Thứ Ba, 11/03/2014, 11:22
Từ lâu người ta vẫn biết đến sư thầy Thích Đàm Lương trụ trì chùa Dâu, thôn Nội Hoàng, Yên Dũng (Bắc Giang) là một người giàu lòng nhân ái. Sư thầy hiện đang là mẹ nuôi của 4 trẻ bị bỏ rơi, 1 trẻ khuyết tật và đỡ đầu cho rất nhiều trẻ em, người già cô đơn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Yên Dũng. Sư thầy còn là một người phát tâm làm từ thiện với nồi cháo nghĩa tình ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang.

Chúng tôi đến chùa Dâu vào một ngày mưa phùn, gió bấc, trời lạnh tê tái, ngôi chùa cổ nằm ẩn mình bên dãy núi Nham Biền của xã Nội Hoàng, đúng lúc sư thầy Thích Đàm Lương đang cho bé Đặng Hồng Lệ uống sữa. Bé Lệ được hơn 1 tuổi, nhưng do bị não nên em trông như đưa trẻ được 3 tháng tuổi. Nói về em Lệ, thầy Lương cho biết, em mới sinh bị bỏ rơi ở ga tàu, thầy đã nhận em về nuôi ở chùa, chăm sóc bé đến tháng thứ 3 thì thấy con không lẫy, không có những biểu hiện như những đứa trẻ khác, thầy đã đưa bé đi khám ở bệnh viện thì phát hiện bé bị não và khiếm thị. Chăm đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc bé bị liệt, não thì khó khăn tăng gấp bội. Trải lòng về việc nhận trẻ về nuôi trong thời gian qua, thầy Lương cho biết, hành trình làm việc thiện của thầy gặp rất nhiều gian nan, em Lệ là trường hợp thứ 5 bị bỏ rơi sư Lương nhận về nuôi ở chùa.

Sư thầy Thích Đàm Lương bên các “con” của mình.

Ngược dòng thời gian, sư Lương nhớ lại: “Ngày ấy vào đêm rằm tháng Giêng 2008, bé Thiện bị bỏ rơi ở cổng chùa Dâu, tiếng khóc xé lòng của bé, thật xót xa biết bao, tội nghiệp cho sinh linh bé nhỏ, tôi đã trở thành người mẹ bất đắc dĩ”. Nhìn sang đứa trẻ ngày ấy giờ đã là cô bé 6 tuổi Đặng Ước Thiện, sư Lương nói: “Tôi chưa một lần làm mẹ, nhận đứa bé vào chùa nuôi, chịu bao điều tiếng, thị phi. Có người thẳng thừng đòi đuổi tôi ra khỏi chùa để tránh ô uế cửa Phật”. Một “nỗi oan Thị Kính” hiển hiện ngay dưới mái chùa Dâu. Khi chính quyền xã cho người vào chùa tìm hiểu ngọn nguồn của sự việc, mọi người mới biết là nhà sư đã bị oan.

Chỉ tay sang bé Đặng Hoài Linh được gần 3 tuổi, sư Lương nói: Năm 2011, bé gái đáng thương này đã bị vứt bỏ tại cổng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Cô bé này bị cha mẹ ruột vứt bỏ một lần, rồi bị cha mẹ nuôi vứt bỏ lần hai vì nghi nhiễm HIV. Chăm bé từ ngày còn đỏ hỏn, ôm con đi khắp các bệnh viện để làm xét nghiệm cho bé Linh, nhận kết quả âm tính trên tay, với sư Lương đó là món quà vô giá. Nhìn cô bé nô đùa cùng các chị em trong gia đình nhỏ của chùa Dâu, tiếng gọi mẹ ơi của các con, càng thêm ấm lòng. Mỗi lần sư Lương cho bé Lệ ăn, là 3 chị em Ước Thiện, Hoài Linh, Hoài Lan lại xúm vào gọi mẹ và nựng em. Các em ở chùa từ lúc lọt lòng và đều mang họ Đặng, họ của nhà sư trước khi xuất gia. Với các em, sư Lương là mẹ vừa là cha, yêu thương đùm bọc các em lớn từng ngày. Đến nay, các em đều được thầy cho đi học mẫu giáo ở trong thôn. Ngoài 4 bé gái bị bỏ rơi, chùa Dâu còn nuôi 1 trẻ bị khuyết tật, 2 cụ già cô đơn không nơi nương tựa.

Bên cạnh việc chăm sóc, dạy bảo bọn trẻ, từ năm 2009, đều đặn tuần 1 lần vào thứ 3, sư thầy nấu cháo phục vụ 100 suất cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Sản - Nhi; 2 lần trong 1 tháng phát cơm hộp miễn phí 300 suất cơm ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang. Bản thân không có tiền, chùa Dâu lại là ngôi chùa nhỏ nên kinh phí rất khó khăn, sư thầy cùng các tiểu ở chùa đã nhận thầu gần một mẫu ruộng để làm thêm, kiếm gạo lo duy trì nồi cháo. Nhà sư và các tiểu cũng cuốc, cũng cấy cày, tát nước như những người nông dân thực sự.

Dẫu biết rằng chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, nhưng việc làm thiện nguyện của sư Lương và chùa Dâu vẫn tiếp tục đồng hành với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, cuộc sống của các em nhỏ tại chùa đã thực sự đổi thay khi có bàn tay của thầy chăm sóc. Hy vọng rằng, cuộc sống bên trong cánh cửa chùa sẽ giúp các em sống khỏe mạnh, lớn lên có ích cho đời

Lưu Hiệp
.
.
.