Quà Tết cho người giàu, quà Tết vì người nghèo

Chủ Nhật, 26/01/2014, 10:10
Theo lẽ thường, Tết đến ai không muốn nhận lời chúc phúc, cho, tặng và nhận quà. Nhưng quà Tết bây giờ nhiều chuyện quá. Để Tết tiết kiệm, quà không là “bình phong” cho lãng phí, trục lợi, tham nhũng của công theo đúng tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với ông Lâm Tấn Lợi - chủ doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi (nay là Công ty Duy Lợi) với chủ đề: Quà Tết cho người giàu, quà Tết vì người nghèo.

Phóng viên (PV): Thưa ông Lâm Tấn Lợi, mặc dù chưa và có lẽ chẳng bao giờ ông nói ra, thậm chí không nghĩ tới điều này nhưng người nghèo cả nước, nhất là những người có hoàn cảnh éo le luôn biết ơn “tấm lòng vàng” của ông và gia đình giúp họ vượt qua cơn bĩ cực. Cho thì như vậy nhưng nếu đặt trong tâm thế của người nhận quà ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Lâm Tấn Lợi: Trong xã hội hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, tùy theo khả năng của họ. Cá nhân tôi cho rằng, quan tâm tới người khác là một nhu cầu, mong muốn được người khác quan tâm cũng là nhu cầu tự nhiên của con người. Suy từ đây ra, thì việc cho, tặng và nhận quà, nhận sự giúp đỡ vốn là tập quán tốt đẹp, nếu không có động cơ nào khác ngoài sự chân thành. Xã hội bao giờ cũng có những người tốt, họ muốn chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng thông qua việc làm cụ thể, qua các hoạt động xã hội từ thiện. Hoạt động quyên góp, cứu trợ của Báo CAND đối với đồng bào bị nạn do bão lũ, giúp đỡ các gia đình chính sách, những người không may gặp hoàn cảnh éo le là ví dụ; chương trình “Tết vì người nghèo” của Báo CAND nhiều năm qua thêm một minh chứng nữa, rất thiết thực, có sức lan tỏa rộng, được các nhà hảo tâm, bạn đọc cả nước quan tâm, hưởng ứng. Cách làm này rất cần được nhân rộng.

Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty Duy Lợi thường xuyên có những hoạt động cứu giúp người nghèo trong cả nước.

PV: Chương trình “Tết vì người nghèo” thì rõ rồi, đó là một trong các hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn giúp hàng ngàn hộ gia đình nghèo vùng sâu vùng xa có điều kiện vui Xuân đón Tết. Còn “Tết vì người giàu” mà dư luận đang bàn tới có liên quan đến cho, tặng và nhận quà dịp Tết. Ông có thể bày tỏ góc nhìn của mình?

Ông Lâm Tấn Lợi: Hoạt động xã hội từ thiện chỉ duy nhất xuất phát từ động cơ thiện nguyện, bằng tấm lòng của nhà hảo tâm. Họ thực hiện tâm nguyện đó để nhận lại nụ cười của em bé hở hàm ếch, em bé bị dị tật tim bẩm sinh sau khi phẫu thuật; nhận lại ánh mắt hy vọng của cụ già nghèo khó không nơi nương tựa; nhận lại niềm vui của hàng trăm đứa trẻ mồ côi có mái ấm nương thân, có điều kiện cắp sách đến trường... Thực tế không chỉ người giàu mới làm từ thiện, mà rất nhiều người nghèo cũng giúp đỡ người khác, theo khả năng của họ. Còn quà tặng dịp Tết vốn là tập quán tốt đẹp, xuất phát từ tấm lòng của con người với nhau. Nếu người tặng thành tâm và người nhận thành tâm, không có động cơ vụ lợi thì chẳng có gì đáng nói.

PV: Cái đáng nói là không phải ai, cơ quan, đơn vị nào cũng có điều kiện để cho, tặng quà dịp Tết (chẳng hạn phần đông giáo viên, công chức thu nhập thấp hoặc công nhân các khu công nghiệp...) nên họ rất băn khoăn khi thấy đồng nghiệp hoặc đơn vị bạn đến chúc Tết tặng quà cấp trên, còn mình thì không?

Ông Lâm Tấn Lợi: Ngạn ngữ có câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, tùy hoàn cảnh mà có cách ứng xử cho phù hợp. Khó khăn nhiều người gặp phải hiện nay là hiện tượng xử lý các mối quan hệ theo tâm lý đám đông: Thấy người ta tặng thì mình tặng, nhưng không suy xét mình ở địa vị khác, hoàn cảnh khác người để ứng xử cho chỉnh. Qua thông tin truyền thông, Chính phủ đã nhận thấy vấn đề này, nên đã chỉ thị nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được dùng tiền, phương tiện, tài sản công vào hoạt động lễ, Tết trái quy định. Như tỉnh Phú Yên đã quyết định không dùng ngân sách vào bắn pháo hoa, thay vào đó mua hơn 300 tấn gạo, 8.000 suất quà Tết cho gia đình chính sách, người nghèo ăn Tết. Tốt nhất, tùy vào mối quan hệ, khả năng hiện có để ứng xử phù hợp trong mối quan hệ cho, tặng và nhận quà một cách thật thành tâm, mới đạt được ý nghĩa đích thực của việc tặng quà.

PV: Nhưng thực tế những năm gần đây, việc tặng quà Tết của không ít người lại mang ý nghĩa khác làm mất đi vẻ đẹp đích thực của ngày Tết cũng như tình cảm cấp trên - cấp dưới, thầy - trò,... thậm chí họ dùng phương tiện, tiền công để đạt mục đích tư. Theo ông, làm gì để hạn chế tình trạng này?

Ông Lâm Tấn Lợi: Cách ứng xử trong cơ quan, tổ chức cũng có những điểm tương đồng giống như một gia đình. Nếu trong gia đình, trong cơ quan, đơn vị có người đứng đầu gương mẫu, mực thước trong cư xử các mối quan hệ, kể cả việc công lẫn mối quan hệ cá nhân, thì cấp dưới, con em họ sẽ theo nếp đó duy trì. Điều dư luận quan tâm nhất chính là hiện tượng một số người không dùng tiền, tài sản cá nhân để tặng quà, thay vào đó là dùng tiền, phương tiện, tài sản công để biếu hoặc đi Tết nhằm làm đẹp mối quan hệ cá nhân. Cái này thì dư luận phê phán là đúng. Theo tôi nghĩ, nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào đó thường ngày xử lý rành mạch các công việc (nhất là các lĩnh vực còn mang tính xin - cho như đầu tư dự án, giải quyết chính sách, cấp ngân sách,...) đúng quy định, lại có lý có tình, thì việc còn lại dù có tặng hay nhận quà Tết cũng nhẹ nhàng, vì không có gì ràng buộc cả. Còn trong quá trình làm việc, nếu người nắm giữ quyền năng mà thiếu khách quan, giải quyết không thỏa đáng các công việc và lợi ích theo pháp luật quy định thì đã gián tiếp tác động tới tình trạng “lo lót”, biếu xén nhằm đạt mục đích không minh bạch. Người dân mong muốn xóa cơ chế “xin - cho” là vì thế.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND cùng ông Lâm Tấn Lợi và phu nhân trao quà trong chương trình “Tết vì người nghèo 2014”.

PV: Có ý kiến nêu hiện tượng tặng quà Tết “quá đậm” vượt qua giới hạn của tình cảm chính là sự rơi rớt của cơ chế “xin - cho” nên khó tránh, còn ông thì nghĩ sao?

Ông Lâm Tấn Lợi: Bình thường cho, tặng quà Tết, nhất là trong các mối quan hệ bố mẹ - con cái, anh - em, thầy - trò, cấp dưới - cấp trên, đồng nghiệp với nhau chỉ mang sắc thái tình cảm, không nặng về vật chất. Nếu món quà đó quá đắt tiền thì dễ dàng khiến người ta nghĩ tới động cơ của việc tặng quà. Riêng Công ty Duy Lợi, tôi khẳng định là đơn vị nằm trong số ít doanh nghiệp, thậm chí duy nhất không phải “biếu” ai để ký hợp đồng. Quà mà “quá đậm” thì cả người tặng và người được tặng đều có thể nhận biết và họ không thiếu gì cách có thể “hóa giải” tình huống khó xử đó để giữ trọn mối quan hệ mà vẫn không ảnh hưởng tới việc công. Quan trọng vẫn là sự thành tâm của cả người tặng và người nhận quà.

Tuy nhiên, trong bình diện của cả xã hội thì không đơn giải phụ thuộc vào cách ứng xử của từng cá nhân, mà phải có quy định cụ thể, phải được luật hóa. Tôi được biết, sau khi báo chí lên tiếng thì đã có quy định cụ thể chế độ sử dụng xe công. Đã có quy định rồi, ai vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc nghiêm cấm tặng quà, sử dụng tài sản công vào việc thăm hỏi, tặng quà dịp Tết cũng vậy, phải quy định rất cụ thể mới dễ hiểu, dễ thực hiện, mới có cơ sở để xử lý vi phạm. Tôi không đồng tình với quan điểm, cho tặng quà là vấn đề tế nhị (với cả người tặng và người nhận quà) nên không tiện nói ra, không xử lý vi phạm, để bao biện cho những việc làm thiếu ngay thẳng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông cùng gia đình sang năm mới 2014, sức khỏe dồi dào, làm ăn thịnh đạt và tiếp tục đồng hành cùng Báo CAND đến với người nghèo!

Không kể gần 6 tỷ đồng đến với đồng bào nghèo trên hành trình làm việc thiện năm 2013, chương trình “Tết vì người nghèo Xuân Giáp Ngọ 2014” của Báo CAND đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị và cá nhân bằng hàng ngàn phần quà gửi tới các hộ đồng bào nghèo suốt từ biên giới phía Bắc: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái... đến các tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị...; từ vành đai Tây nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk đến các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Thống kê chưa đầy đủ, đã có gần 2 tỷ đồng quà Tết và mỗi suất quà chỉ 500.000 đồng nhưng trĩu nặng tình nhân ái đối với đồng bào nghèo. Với họ, đó là những phần quà Tết thật ý nghĩa như ông cha ta thường nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.