Nữ Anh hùng với tấm lòng thiện nguyện
Trong buổi họp mặt của những người lính từng tham gia cách mạng ở chiến trường Quảng Đà, vào một ngày giữa tháng 12-2015, tôi may mắn được gặp nữ Anh hùng Trần Thị Chính. Năm nay đã 70 tuổi, nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Nhớ về tuổi thơ và một thời cầm súng tham gia cách mạng, bà trải lòng: “Thuở tôi tròn 5 tuổi, cha hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Lên 10 tuổi thì mẹ mất vì những trận đòn tra tấn dã man của giặc, bỏ lại 7 chị em tôi côi cút giữa đời.
Nữ Anh hùng Trần Thị Chính và đồng đội. |
Theo con đường cách mạng của cha mẹ, 11 tuổi tôi đã xung phong làm công tác giao liên ở địa phương, với mong muốn cống hiến sức mình vì độc lập nước nhà”. Bên những đồng đội năm xưa, bà Chính kể tiếp câu chuyện từ ngày chập chững bước chân vào hàng ngũ cách mạng, đảm trách thông tin liên lạc, dẫn đường cán bộ xuống cơ sở, bà đã không ít lần đối mặt với cái chết, song lần nào cũng giữ được bình tĩnh đưa đường giúp bộ đội thoát khỏi vòng vây kẻ địch…
Và, cái ngày đầu tháng 11-1963, trở thành cột mốc thời gian không bao giờ có thể xóa nhòa trong tâm trí người con gái dũng cảm lấy thân mình chắn trước 22 xe tăng giặc để giải cứu 8 đồng đội trọng thương, thoát chết trong gang tấc.
“Lúc đó hàng trăm tên giặc nhất quyết san bằng đám mía nơi 8 đồng chí đang bị thương ẩn nấp. Không còn cách nào khác, tôi bèn nằm giãy giụa, khóc than rằng đám mía này là miếng cơm nuôi 7 chị em tôi, xin họ đừng chà nát. Khoảng chục tên giặc lao tới giật tóc, đạp tới tấp vào mặt, nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng mà gào thét. Trước sự việc, bọn giặc lái xe tăng chuyển sang đi ngả khác và tôi đã nhanh chóng đưa 8 đồng chí thương binh về chiến khu an toàn”.
Khi hòa bình lập lại, một trong 8 thương binh được bà Chính giải cứu năm ấy là ông Bàn Huy Tâm, đã lặn lội từ Tuyên Quang vô Quảng Nam để tìm gặp ân nhân ngày trước chưa nhìn tỏ mặt nhau. Trong cuộc hội ngộ, họ ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào. Những dòng lệ cảm động của người mang ơn kèm theo giọt nước mắt hạnh phúc của người con gái một thời quên thân vì đồng đội cứ thế chan hòa, đong đầy nghĩa tình người lính…
Trong chiến đấu, bà Chính không may bị thương nặng. Mắt phải và tay phải cùng chân trái của bà bây giờ chỉ là… “tầm gửi” trên cơ thể khiếm khuyết. Nhưng, bà nhẹ nhàng bảo: “Nếu phải hy sinh cả mạng sống vì hòa bình của đất nước thì tôi cũng chấp nhận. Một chân đã mất, tay bại liệt và con mắt mù lòa này của tôi chỉ là một phần máu thịt được hòa quyện vào máu xương của hàng nghìn đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống để cho đất nước đứng lên”.
Đáng trân trọng, trong suốt mấy chục năm qua, bà Chính đã chọn cho mình một cuộc sống hết sức bình dị. Trong nhà bà, thứ quý giá nhất có lẽ là cái tivi đời cũ được đồng đội tặng từ sau ngày đất nước hòa bình. Và, cũng chính nhờ chiếc tivi này là sợi dây kết nối tấm lòng hảo tâm của bà đến với những mảnh đời bất hạnh. Bà đã không quản ngại gian khổ, nắng mưa, cố quên đi những cơn đau nhức từ những vết thương khi trời trở lạnh, để mà trèo non, lội suối tìm đến các địa chỉ cần giúp đỡ.
Và, những chuyến đi tiền trạm do bà khởi xướng luôn nhận được sự ủng hộ của đồng đội và các nhà hảo tâm gần xa. Chăn gối, quần áo, sách vở, gạo, mắm… là những vật phẩm mà bà và đồng đội, cùng các nhà hảo tâm mang đến trao tận tay cho người nghèo trên khắp mọi miền đất nước. Bà không còn là người xa lạ với bao bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện tại tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng.
“Mỗi tuần, tôi và anh em trong Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng tổ chức nấu 500 suất cháo, cơm rồi mang đến các bệnh viện nhằm san sẻ một phần khó khăn với người nghèo đau ốm. Còn trao quà cho các địa phương vùng sâu, vùng xa thì tổ chức định kì hằng tháng, nguồn kinh phí do mình tự đi vận động ở nhiều đơn vị, cá nhân trong cộng đồng xã hội”, bà chia sẻ bằng một nụ cười nhân hậu.