Hoàn cảnh bi đát, tột cùng bất hạnh của người đàn ông mất chân, tay vì điện giật

Thứ Hai, 26/06/2017, 15:40
Nằm trong phòng bệnh, nhìn ra cửa sổ đầy nắng, người đàn ông ấy không thấy tâm trạng khá lên chút nào. Anh bi quan đến độ chỉ muốn nghĩ đến cái chết. Những ngày nằm điều trị tại Viện bỏng Quốc gia tại Hà Nội, các bệnh nhân cùng phòng, thậm chí là khác phòng đã chia sẻ, động viên anh rất nhiều để anh có thể vượt qua cú sốc lớn trong đời.


Giữa trưa, phòng bệnh ở Khoa bỏng người lớn, giữa tiếng mê sảng của một bệnh nhân bị bỏng nặng, anh Nguyễn Văn Đắc, 40 tuổi, không thể ngủ được. Vết thương ở chỗ mỏm cụt hai chân và cánh tay vẫn rỉ nước, nhức buốt. Rên lên vài tiếng rồi nước mắt lại chảy vòng quanh.

Người đàn ông có dáng vẻ vạm vỡ, khỏe mạnh, giờ trông thật yếu ớt khi một phần cơ thể phải cắt bỏ đi. Cách đây 2 tháng, anh còn là  trụ cột của gia đình có 2 con ở xóm 3, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Con trai lớn của anh Đắc 7 tuổi, con gái 2,5 tuổi. Hai vợ chồng anh chỉ làm công nhân thời vụ nên cuộc sống khá khó khăn.

Hoàn cảnh của anh Đắc hết sức thương tâm

Ngờ đâu, tai họa bất ngờ ập đến. Ngày 17-4, trong buổi đi làm công trình thuê cho một gia đình ở xã bên, anh Đắc vô tình vác thanh sắt chạm vào đường dây điện. Điện giật khiến anh bị ngã, bỏng nặng.

Điều trị tại Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng thời gian ngắn, anh Đắc được đưa lên Hà Nội chữa trị do vết thương nặng. Anh cũng không ngờ, cú giật điện đó đã để lại hậu quả quá lớn. Hai chân và một tay cứ bị hoại tử dần.

Anh Nguyễn Văn Đắc mất cả 2 chân và 1 tay do điện giật.

Không thể cứu được, ngày 26-5 các bác sỹ buộc phải cắt bỏ hai đoạn chân và một đoạn tay của anh Đắc. Phải cắt bỏ một phần cơ thể, ngoài nỗi đau thể xác, anh Đắc còn vật vã với những ý nghĩ trong đầu về sự mặc cảm tàn phế.

Người đàn ông vạm vỡ 85 kg trước đây trở nên mềm yếu hơn bao giờ hết. 2 tháng ròng rã, vợ anh tận tình chăm sóc chồng, nhiều đêm mất ngủ. Thế nhưng, khi vợ vừa quay về Hải Phòng, anh bi quan đến độ đòi tìm đến cái chết.

Anh bảo: “Tôi là người Thái Bình, đến Hải Phòng học Trường Cao đẳng Nghề Duyên hải. Thời gian ở Hải Phòng, tôi quen cô ấy rồi lấy nhau, ở nhờ nhà của bố mẹ vợ. Bố mẹ tôi thì nghèo khổ, làm kinh tế mãi tận Đắk Lắc. Tôi thì chẳng có gì, biết sống thế nào bây giờ?”.

Câu hỏi bỏ lửng của anh Đắc khiến người chị gái là Nguyễn Thị Nhiễu không cầm được nước mắt. Chị vừa bắt xe từ Đắk Lắk ra chăm em. Chị Nhiễu rỉ tai tôi: “Bố em đang mắc trọng bệnh, yếu lắm rồi nên không ra thăm con được”.

Nhìn dáng vẻ khắc khổ của chị Nhiễu chăm sóc người em, ai cũng ngậm ngùi. Số tiền chữa bệnh đã lên tới vài chục triệu đồng, anh Đắc chưa biết sẽ lấy đâu ra chi phí điều trị tiếp theo. Nhiều bệnh nhân cùng bệnh viện cảm thương hoàn cảnh của anh đã động viên, chia sẻ và hỗ trợ anh.

Anh Đắc đang cần sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng

Chứng kiến cảnh những bệnh nhân băng bó đầy mình vẫn động viên anh Đắc, ai cũng thấy cảm động. Cho đến bây giờ, anh Đắc vẫn hoang mang khi hình dung ra tương lai đầy khó khăn trước mắt. Nỗi nhớ hai con, sự tủi thân, mặc cảm đã khiến người đàn ông ấy suy sụp.

Sau thời gian dài nằm viện, ngày 23-6 hai chị em anh Đắc đã đưa nhau về quê ở thôn Đại Đồng, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Nhà cửa chẳng có, anh Đắc chỉ có người thân nhất là ông chú ruột. Anh phải ở nhờ nhà chú. Còn chị Nhiễu cũng phải quay về Đắk Lắk để cô em út từ Đắk Lắk trở ra chăm anh.

Thời điểm này, mọi sinh hoạt và cả chi phí chữa bệnh của anh Đắc trông chờ cả vào chị em gái và người chú ở quê. Có lẽ phải mất một thời gian dài anh Đắc mới quen với sự mất mát quá lớn của mình. Anh đang rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng để vượt qua nỗi đau này. Báo CAND mong bạn đọc có tấm lòng vàng cùng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với anh Đắc.

Mọi giúp đỡ anh Nguyễn Văn Đắc xin gửi về Quỹ Xã hội từ thiện, Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, điện thoại: 04.39420595; tài khoản 0021000019774, Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội; hoặc liên hệ trực tiếp với anh Đắc, điện thoại: 01667667379.
Việt Hà
.
.
.