“Nồi cháo tình thương” - Ấm lòng bệnh nhi nghèo

Thứ Ba, 18/12/2012, 10:20
Nồi cháo thịt nạc, rau ngót sóng sánh thật ngon mắt. Người “mua”, không phải trả tiền. Từ ánh mắt, đến lời nói của người “bán” đều nhẹ nhàng, ân cần. Ngày nắng, ngày mưa bão hay đông giá, tại vị trí duy nhất (sảnh của căng tin Bệnh viện Nhi TW), “Nồi cháo tình thương” đều xuất hiện để phát đủ 200 suất đến 200 bệnh nhi nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Nhi TW.

Cháo nóng buổi sáng ngày đông giá

6h sáng, tôi hối hả đến Bệnh viện Nhi TW. Tại căng tin bệnh viện, tôi thấy 2 cặp thanh niên nam nữ. Nữ múc cháo cho vào đồ đựng, nam dùng khăn giấy lau sạch những vết cháo rớt, đậy nắp... Họ vừa chăm chú làm việc, vừa nhẹ nhàng trò chuyện với những người đến lấy cháo. Nhìn thái độ của họ, tôi nhận thấy sự ân cần, gần gũi. Khoảng cách giữa người cho cháo và người nhận cháo như bị xóa nhòa.

Khi cô Vũ Thị Lăng, thường trú tại Hà Nội rời khỏi chỗ tặng cháo, tôi liền chạy theo. Tôi hỏi chuyện thì biết, cô có cháu nội là Nguyễn Công Minh, gần 9 tháng tuổi bị bệnh viêm phổi, viêm phế quản nặng. Cháu vừa chuyển từ Bệnh viện Xanh Pôn về và hiện đang điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu. Bệnh tình của cháu rất nặng. Dù sống ở Hà Nội nhưng hoàn cảnh gia đình cháu Minh rất khó khăn. Bố là công nhân, mẹ không có việc làm. Ông bà nội già yếu, thu nhập chỉ trông vào lương hưu. Cháu Minh nằm viện hơn 1 tháng, lại luôn trong tình trạng nguy kịch nên các bác sỹ sử dụng thiết bị, công nghệ cao để điều trị cho cháu. Nhìn ca cháo nóng hổi đang cầm trên tay, cô Lăng bảo rằng, việc làm này rất có ý nghĩa. “Nó không chỉ có giá trị vật chất mà còn thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng”, cô Lăng nói.

Cũng trong buổi sáng 15/12, tôi gặp bố con anh Hà Văn Còn bên nồi cháo nóng hổi. Cậu bé Hà Mạnh Ngọc, 5 tuổi líu ríu dưới chân bố. Ngọc bị sốt, viêm màng não tủy. Do đó, chân tay cháu run rẩy, mặc mũi trông hơi ngờ nghệch. Anh Còn cho biết, anh đến từ tỉnh Hòa Bình, làm nghề thợ xây, vợ làm ruộng. Con bị ốm, anh bỏ việc đưa con ra Bệnh viện Nhi TW điều trị, vợ ở nhà trông đứa con nhỏ. Số tiền mang theo quá ít ỏi nên dù chưa được phát phiếu nhận cháo, anh vẫn bạo dạn mang cặp lồng xuống xin. “Tôi bảo là mình chưa có phiếu nhưng các cô chú ấy vẫn nhiệt tình cho cháo”, anh Còn nói. Khi tôi hỏi, sao anh không xin nhiều một chút thì người đàn ông có vẻ bề ngoài lam lũ này cho biết, “còn để cho các cháu khác nữa...”. Nghèo nhưng không tham, cách nghĩ và cách làm của anh Còn thật đáng trân trọng.

Hoạt động phát cháo từ thiện do Đoàn Thanh niên Vietinbank thực hiện tại Bệnh viện Nhi TW.

Chỉ trong 1 giờ đồng hồ (từ 6-7h) nhưng tôi đã nhìn, đã thấy và trò chuyện với hàng chục người đến nhận cháo. Ai cũng cảm động khi cầm trên tay bát cháo nóng. Rất nhiều người nhà bệnh nhân cho biết, họ là “khách quen” của hàng cháo đặc biệt này. Thì ra, từ 3 năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, cứ 6h “hàng cháo” này bán hàng. Trong vòng khoảng 1h, 200 suất cháo sẽ được phát đến tay người bệnh. Có những hôm thời tiết xấu, các cô cậu thanh niên sẽ mang cháo đến từng phòng bệnh để phát. Hôm nay, 7h10 phút, 200 suất cháo đã được các đoàn viên Vietinbank Chi nhánh Hoàn Kiếm phát hết.

“Nơi nào cần, thanh niên có...”

Thạc sỹ Đỗ Anh Hùng, Bí thư Đoàn Bệnh viện Nhi TW cho chúng tôi biết, “Nồi cháo tình thương” khởi động từ năm 2007. Ban đầu là sự phối hợp giữa Đoàn Thanh niên bệnh viện và Báo Sức khỏe & Đời sống, mỗi tháng 5 buổi, cả năm phát 200 suất cháo miễn phí. Đối tượng hưởng lợi là bệnh nhi. Sau 3 năm duy trì, từ năm 2010 đến nay, Vietinbank tài trợ 100% chương trình này. Và việc phát cháo được duy trì 365/365 ngày trong năm với 200 suất mỗi ngày. Tính đến nay, Vietinbank đã tài trợ cho chương trình “Nồi cháo yêu thương” hơn 1 tỷ đồng.

Nói về ý nghĩa của chương trình, Thạc sỹ Đỗ Anh Hùng cho biết, đây là phong trào do Đoàn Thanh niên khởi xướng. Các đơn vị tham gia đều giao cho Đoàn Thanh niên thực hiện. Thông qua đây, hoạt động đoàn cũng được đẩy mạnh. Các đoàn viên được đóng góp sức trẻ của mình vào hoạt động thiện nguyện. Để chương trình ngày một tốt hơn, ngoài việc có hệ thống giám sát như: phát bao nhiêu phiếu; kiểm tra chất lượng nồi cháo; lấy ý kiến phản hồi của người nhận cháo... để có những đánh giá kịp thời.

“Đây là việc nhỏ nhưng cần tham gia của nhiều người và có sự giám sát của nhiều người. Thế nên, chúng tôi luôn có ý thức để “Nồi cháo yêu thương” đúng như tên gọi. Trong năm tới, chúng tôi sẽ có những chương trình hành động cụ thể để hoạt động thiện nguyện của các đoàn viên có hiệu quả cao hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn”, anh Hùng cho biết.

Một chương trình từ thiện do Đoàn Thanh niên thực hiện được duy trì 7 năm nay tại bệnh viện chuyên khoa nhi có ý nghĩa xã hội lớn lao. Nó có tác dụng giáo dục người trẻ tuổi trách nhiệm với xã hội. Nó giúp người bệnh nghèo ấm lòng. Hy vọng rằng, cùng với “Nồi cháo tình thương”, sẽ có nhiều hoạt động thiện nguyện khác giúp đỡ người bệnh nghèo, đặc biệt là bệnh nhân nhi

Cao Hồng
.
.
.