Những đứa trẻ ở cô nhi viện xứ đạo

Thứ Hai, 20/12/2010, 16:30
Hơn một trăm năm nay, Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu (thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, Nam Định) vẫn ngày ngày thu nhận, nuôi dưỡng những trẻ em khuyết tật, bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Từ ngôi nhà này, nụ cười hồn nhiên đã bung nở trên khuôn mặt các em nhỏ. Nhưng cũng ở đây, những người này còn chịu trách nhiệm nuôi dưỡng cả những em không bao giờ biết đứng lên, chẳng bao giờ biết mỉm cười.

Vì con người

Cô nhi viện Bùi Chu thuộc phần đất của nhà thờ Bùi Chu, được thành lập vào năm 1852, do Đức cha Diaz Sanjurjo - người Tây Ban Nha, khi mới bắt đầu sứ vụ rao giảng tin mừng nước Chúa. Ông lấy tên Nhà Dục Anh, cũng là Nhà Thiên thần, nhận nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật từ 12 tuổi trở xuống, không phân biệt lương giáo. Các đấng bậc về sau này không ngừng mở mang Cô nhi viện, phát triển đến ngày hôm nay.

Hiện nay, Cô nhi viện đang chu cấp sinh hoạt hằng ngày cho khoảng 120 người. 80 em từ một vài tháng tuổi trở lên trong đó có một nửa các em là bệnh bại liệt, thần kinh, bệnh đao, và các dạng khuyết tật khác. Phần còn lại các em được đi học văn hóa và học nghề. 10 người già đã phục vụ ở đây nhiều năm hoặc lớn lên từ Cô nhi viện và 30 chị em thiện nguyện phục vụ, đảm trách các công việc như cấy lúa, trồng hoa, nấu ăn, nuôi gia súc, chăm lo cuộc sống, nuôi dạy các em.

Nụ cười cho trẻ em ở cô nhi viện.

Hiện nay, nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà hảo tâm và đội ngũ những anh, chị em thiện nguyện phục vụ, nên điều kiện đã ngày càng được củng cố. Cô nhi viện vẫn thực hiện mục đích đón nhận, nuôi dưỡng, giáo dục các em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật từ 12 tuổi trở xuống, không phân biệt lương giáo. Trẻ em ốm yếu, Cô nhi viện chăm sóc, nuôi dưỡng đến hơi thở cuối cùng. Những em có khả năng học được, những người cha, người mẹ thứ hai đã tạo điều kiện để các em học văn hóa và nghề nghiệp, nhằm giúp các em tự lập và hòa nhập với cộng đồng. Lớn  lên, các em có thể lập gia đình đi ở riêng, hoặc tiếp tục ở lại Cô nhi viện phục vụ noi gương Đức thánh Tổ phụ.

Từ năm 1995, Ban lãnh đạo đã tiến hành nâng cấp, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, để có đủ tiện nghi nuôi dưỡng các em, tuần tự theo thời gian là: Đào ao, xây nhà bếp, xây nhà nguyện, nâng cấp nhà khách, xây nhà Thánh An, xây khu chăn nuôi…

Những người mẹ nuôi dưỡng nụ cười

Tôi gặp rất nhiều người mẹ của trẻ em ở Cô nhi viện và chứng kiến sự nhiệt tâm của họ. Đặc biệt, tôi được nói chuyện với chị Trần Thị Cúc, khi trên tay chị là bé Hồng Ngọc tí hon, thi thoảng em nói được một câu như tiếng chim. Đã mười tuổi nhưng em chỉ nặng 9 kg và hầu như suốt ngày phải bế ẵm. Em sinh ra được mấy ngày, bé tí tẹo bằng nắm cơm đã bị cha mẹ nhờ người đưa vào Cô nhi viện, giờ cũng chẳng ai biết cha mẹ em ở đâu.

Nhờ sự chăm sóc của các mẹ, em đã sống, lớn lên và thi thoảng có biết làm trò vui cho mọi người. Đặc biệt hơn, em rất thích được mẹ Cúc bế. Chị Cúc đã vào Cô nhi viện, nuôi nấng các em từ khi còn bé, thực sự là một người mẹ nhiệt tình, chịu thương, chịu khó và đặc biệt là rất yêu trẻ. Giờ chị đã hơn 50 tuổi, vẫn là một người mẹ hiền, giàu lòng nhân ái.

Chị Cúc ngậm ngùi nói: "Nhiều em đã lớn lên và trưởng thành, chúng tôi tự hào vì đã giúp đỡ được chúng. Tôi làm ở đây lâu năm, thấy những đứa trẻ lớn lên, khỏe mạnh và vui tươi là mừng lắm. Nhưng đã có những em vì bệnh hiểm nghèo, đã không sống nổi. Lúc ấy, tôi thấy từng khúc ruột mình đứt ra".

Chị Ngô Thị Hoa là người trực tiếp nuôi dạy, chăm lo đời sống cho các em, với nụ cười hiền từ, nhân hậu, chị nói:

"Chị em chúng tôi coi các em như những con đẻ của mình. Nhìn chúng xót thương lắm, nhiều lúc tôi đã chảy nước mắt. Nhưng biết làm thế nào được, chỉ còn cách là chăm lo cho các cháu thật tốt". Khi được hỏi về sự khó khăn ở Cô nhi viện, chị Hoa bảo: "Chúng tôi là những người cộng tác, còn kinh phí thì cha Oanh lo. Một phần cũng là do bàn tay lao động của những người như chúng tôi ở đây, nên cuộc sống cũng được cải thiện". Chị hướng về phía những em bị bệnh thần kinh, đang ngồi ghế, ngơ ngác: "Chúng hầu như vô tri, bảo làm gì làm nấy, thậm chí nếu không nắm được lúc nào chúng đi vệ sinh thì chúng có thể đùn ra quần. Nên mình phải hướng dẫn cho chúng theo một thời gian nhất định để chủ động".

Bên kia, một vài em đang í ới gọi nhau ra chụp ảnh, làm cho không khí ở Cô nhi viện nhộn nhịp hẳn lên.

Rời Cô nhi viện Bùi Chu, tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh của các em nhỏ, những em nằm liệt và chỉ có hai bàn tay hơi ngọ nguậy, những em bệnh thần kinh ngồi bất động, và cả tiếng cười hồn nhiên trong trẻo của những em lành lặn trong ngôi nhà tình thương. Thầm cầu chúc cho các em sống khỏe, khỏi bệnh tật, luôn có những nụ cười hồn nhiên, tươi mới. Chợt thấy lòng những người mẹ nuôi ở đây, bao la rộng lượng vô cùng

Diên Khánh
.
.
.