Những đứa trẻ bị bỏ rơi cần lòng nhân ái

Thứ Ba, 23/01/2007, 14:05
Ở đây cũng chẳng có đồ chơi để các bé làm niềm vui. Bà mẹ lớn tuổi nhất của chúng là mẹ Dương Hồng Thanh tâm sự, ở nhà 1 mẹ 1 con còn vất vả, huống chi ở đây có tới 7 con 1 mẹ. Mỗi đứa được mẹ bế 15 phút trong ngày cũng là quý giá lắm.

21h30' ngày 15/1, các bà mẹ trong Trung tâm Bảo trợ tỉnh Yên Bái đang dỗ dành bọn trẻ đi ngủ. Bé Đỗ Thị Ngọc Mai 14 tuổi mồ côi cha mẹ đang cặm cụi học bài. Đột nhiên em nghe có tiếng trẻ khóc phía cổng.

Linh tính mách bảo, Mai chạy ra và bàng hoàng nhìn thấy dưới gốc cây gần cổng trung tâm có hai đứa bé non nớt đang gào khóc thảm thiết. Chạy vội vào gọi Huệ, 2 em ôm hai đứa bé đang run lên vì lạnh đưa vào căn phòng có cả chục đứa nhỏ như chúng.

Tiếng khóc trong đêm

Hai bé trai yếu ớt, một đứa quấn trong chiếc áo da, một đứa nằm trong chiếc váy bà chửa. Đứa lớn nặng 4,3kg, đứa nhỏ chỉ có 3,3kg. Mặt bé nào cũng tái mét, sợ hãi nên khi được bế trong vòng tay ấm áp của các mẹ, các dì, chúng nằm im ngoan ngoãn. Chỉ còn ánh mắt, ánh mắt các bà mẹ không bao giờ quên được khi đón nhận chúng, đó là ánh mắt của sự cô độc mà người sinh ra chúng đã lạnh lùng để lại.

Các dì Mai, Huệ cũng là những đứa trẻ mồ côi được đưa vào trung tâm từ lúc 3, 4 tuổi nên thấu hiểu thế nào là sự mất mát tình cảm của người thân. Mỗi dì nhận một đứa cháu cho riêng mình như muốn bù đắp lại thứ tình cảm thiêng liêng mà những đứa trẻ đã bị đánh cắp.

18 đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi của Trung tâm này đều bị bỏ rơi trong những hoàn cảnh như thế. Mỗi đứa trẻ được đặt một cái tên ở nơi người ta đã tìm thấy. Cái tên của thằng bé Nguyễn Đình Cầu xuất phát từ chiếc cầu Văn Phú ở huyện Trấn Yên. Nó bị bỏ lại cầu khi mới được 1 ngày tuổi. Chiếc tã bọc nó vẫn còn dính máu người mẹ.

Vào một đêm khuya, người dân ở huyện Yên Bình bất ngờ thấy tiếng khóc oe oe cứ lịm dần trước cổng Trường học Thịnh Hưng. Cũng ngay trong đêm, nhận được điện báo, các cán bộ Trung tâm Bảo trợ lên đường đón cháu.

Tuy bị bỏ rơi nhưng dù sao thì nó cũng còn may mắn lắm. Vì nếu chậm chễ, sức nửa tháng tuổi của Ngọc Hưng liệu có chống chọi được cái rét đêm khuya của vùng sơn cước? Người ta tìm thấy các bé từ tiếng khóc ngặt nghẽo, từ những nơi công cộng mà bất cứ gió, mưa, cái lạnh, hay bất cứ con thú nào cũng có thể xâm hại đến tính mạng của các bé.

Tình mẫu tử bị dứt bỏ, nhưng dẫu sao, các bé vẫn có quyền được cộng đồng đón nhận. Tình thương và lòng tốt chẳng bao giờ thừa, nhưng sẽ không bao giờ thiếu khi ai đó cần đến.

Lòng nhân ái sẽ giúp các em khôn lớn

Chúng tôi đến Trung tâm ngay sáng hôm sau khi các mẹ tí hon Mai, Huệ nhặt được 2 cậu bé trong đêm 15/1. Giám đốc Trung tâm Triệu Quốc Quỳnh cũng vừa mới đặt tên cho chúng là Phạm Mạnh Hùng và Phạm Mạnh Dũng với mong muốn khích lệ các em mạnh mẽ chống chọi với cuộc sống đầy gian khó.

Hơn chục tiếng "gia nhập" trung tâm, hai bé khóc nhiều, lười ăn. Chẳng hiểu bà mẹ của chúng giờ đang ở đâu, có nghe thấy tiếng khóc tìm mẹ như xé lòng người giữa buổi chiều rét mướt này không?

Tôi bế một cậu bé, ôm nó vào lòng. Chỉ cần có thế, nó ngớt tiếng khóc, mắt mở to nhìn, mồm ngớp ngớp, đầu dụi dụi tìm bầu sữa mẹ. Cái cơ thể non nớt của nó cảm nhận rất rõ hơi ấm tình người.

Đặt bé xuống giường, cảm giác chới với, hẫng hụt trở lại khiến nó òa lên khóc. Các bà mẹ ở đây thương chúng lắm, những biết làm sao được, chẳng thể bế mãi một đứa bởi còn bao việc khác, từ quấy bột, pha sữa, cho ăn, thay tã, giặt giũ…

Cả núi công việc ấy phục vụ hiện chỉ là hai bà mẹ, một bà mẹ vừa mới tròn 20 tuổi. 18 đứa trẻ có 6 bà mẹ chăm sóc, chia làm hai ca. Nhưng hơn tuần nay, mỗi ca chỉ có 2 mẹ chăm sóc vì hai mẹ khác phải theo 2 con vào viện do viêm phổi nặng.

Chúng tôi đến Trung tâm đúng khi có đợt rét tăng cường. Thời tiết thay đổi, bọn trẻ hầu hết đều mắc bệnh đường hô hấp, đứa nọ lây sang đứa kia. Thằng bé Cầu bị hen suyễn từ bé, rít lên những tiếng thở khó nhọc từ lồng ngực. Có đứa ho khù khụ, môi đỏ chót, tôi đặt tay lên trán thấy nóng giẫy.

Các bà mẹ bảo nó đang bị sốt do viêm đường hô hấp. Căn bệnh đặc trưng cần phải giữ ấm nhưng 2 bà mẹ luôn tay vẫn không thay tã kịp cho chúng. Bị ướt, chúng lại càng khóc tệ. Mồm khóc, mắt cứ to tròn nhìn người lớn. Vừa mới đây thôi, hai đứa trẻ không chịu được sự nghiệt ngã của số phận đã rời bỏ Trung tâm về thế giới bên kia.

Thanh Phúc và Sinh Lưu đều bị não úng thủy, tim bẩm sinh. Thanh Phúc được tìm thấy trên một khoang tàu Lào Cai trở về Yên Bái. Còn Sinh Lưu sau khi cùng mẹ ở Trung tâm 3 ngày rồi mẹ bỏ đi mất, để lại đứa con.

Khi mất, chúng không có mẹ đẻ bên cạnh nhưng được các bà mẹ ở Trung tâm, các anh chị lớn có cùng hoàn cảnh dồn cả tình thương đưa tiễn để các em được ấm áp trở về với đất mẹ. Hiện khu nhà trẻ của Trung tâm có 6 cháu trên dưới 1 tháng tuổi. Đứa lớn nhất hiện chỉ mới biết đứng bám vào cũi.

Chiếc cũi lớn chiếm 1/3 căn phòng treo đầy võng. Những chiếc võng nhỏ xíu được sáng tạo từ chiếc khăn bông to. Mùa đông có thể ấm áp nhưng mùa hè sẽ rất nóng và bí. Nhưng Trung tâm chẳng còn cách nào khác. Bởi số tiền mua sữa cho các bé cũng đã gần hết tiền tài trợ của Nhà nước theo quy định.

Ở đây cũng chẳng có đồ chơi để các bé làm niềm vui. Bà mẹ lớn tuổi nhất của chúng là mẹ Dương Hồng Thanh tâm sự, ở nhà 1 mẹ 1 con còn vất vả, huống chi ở đây có tới 7 con 1 mẹ. Mỗi đứa được mẹ bế 15 phút trong ngày cũng là quý giá lắm. Trên tay bà mẹ này có tới 4 đứa con.

Tuy không được như trong vòng tay của người sinh ra chúng, nhưng chỉ cần dính cái gáy, cái chân vào người mẹ thứ hai thì chúng cũng thấy ấm áp lắm rồi... Hàng ngày, ngoài giờ học, các anh chị khác cũng xuống đây chăm sóc các em đỡ mẹ. Những cái tên Mít, Dĩn, Mốc, Gỗ… mà bọn trẻ lớn đặt cho các em cũng thể hiện tình thương yêu, sẻ chia của những trái tim cùng cảnh ngộ.

Để có thể chăm sóc các con chu đáo thì các bà mẹ ở đây cũng phải có một tình thương đặc biệt, sự kiên nhẫn đến phi thường. Ấy vậy mà, các mẹ ở đây hầu hết đều chỉ là những nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Tôi cảm phục sự tậm tâm và tình thương mà các mẹ dành cho những sinh linh bé nhỏ.

Chia tay Trung tâm, cậu bé mà tôi chưa kịp nhớ tên cứ hướng ra phía cửa, nơi có ánh sáng và cả bầu trời rộng lớn, nơi hứa hẹn sự khám phá với cả quãng đường thật dài mà cậu sẽ phải trải qua. Chỉ có những tấm lòng nhân ái và tình người rộng mở mới giúp cậu vượt lên số phận.

Chúng tôi cứ ao ước, giá như mỗi người góp một chút sức thật nhỏ thôi thì cũng sẽ làm nên điều kỳ diệu. Dịp Tết này, những người làm Báo CAND - Chuyên đề ANTG cũng sẽ đến tiếp thêm ngọn lửa ấm áp cho những đứa trẻ thiệt thòi

Việt Hà - Cao Hồng
.
.
.