Người thầy khuyết tật và 60 bộ huy chương

Thứ Bảy, 14/05/2011, 11:00
30 năm sau kể từ ngày sống cuộc đời bại liệt, Trần Văn Diệu (32 tuổi, ngụ thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã trở thành "kho vàng" của thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Anh còn là người thầy, người cha khi nhận nuôi dạy gần 10 trẻ em mồ côi, khuyết tật.

Người thầy khuyết tật của những đứa trẻ bất hạnh

Sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em, bố là thợ đá ở đảo Cồn Cỏ, mẹ lặn lội buôn bán tận chợ Đông Hà nên cuộc sống của gia đình Diệu luôn thiếu thốn đủ bề. Lên hai tuổi thì đôi chân của Diệu bị bại liệt, không đi lại được sau một trận ốm "thập tử nhất sinh". Quyết không bỏ học, Diệu cần cù đến lớp khi được chị gái, bạn bè cõng đến trường từng ngày. Lên lớp 9, gia cảnh quá khó khăn nên Diệu đã phải nghỉ học từ đó.

"Biết mình tàn tật không thể làm được chi, nhưng mình nghĩ mình còn có đôi tay… Bố mẹ ngày càng già, mình không thể ăn bám mãi được, thế là mình xin bố mẹ tiền để vào thị trấn Ái Tử học nghề chạm khắc gỗ", Diệu cho biết lý do khiến anh trở thành ông chủ sau này.

Sau 3 năm xa nhà học nghề, tay nghề Diệu đã "cứng" hơn nhiều. Ban ngày anh đi làm thuê cho một xưởng mỹ nghệ gần nhà, tối về lại tranh thủ gia công một số mặt hàng mà người quen nhờ làm. Thấy hàng anh làm đẹp, đặc biệt là hàng gia công gỗ mỹ nghệ, chạm khắc như bàn ghế, bình hoa, tượng gỗ… nên nhiều người trong thôn đã tìm đến anh để đặt hàng.

"Có được một số tiền kha khá, mình đã nghĩ đến việc mở xưởng sản xuất nhưng nói thật lúc ấy mình cũng đắn đo lắm. Đắn đo bởi số tiền ít ỏi, đắn đo bởi bị người ta dị nghị khi nhiều người cứ nói mình "què" mà "điên". Suy nghĩ mãi mình mới đi đến quyết định mở cơ sở sản xuất này đấy", Diệu chỉ tay về gian nhà phía trong, nơi có mấy đứa trẻ khuyết tật, mồ côi đang miệt mài làm việc bên tiếng rì rầm của máy móc các loại.

Thu nhập của Diệu từ xưởng gỗ không đáng bao nhiêu bởi mục đích của anh khi mở ra cơ sở này là có nơi để thu nhận, nuôi và dạy nghề cho những người có số phận không may. "Gặp những em có cùng hoàn cảnh như mình, mình thương lắm. Rồi mình kêu mấy em về đây học nghề. Hiện mình đang dạy nghề miễn phí, bao tiền ăn ở đi lại cho 7 em mồ côi, khuyết tật trên địa bàn của tỉnh", Diệu cho biết thêm. Và suốt hơn 7 năm đào tạo nghề cho các em khuyết tật, mồ côi, anh đã cho "ra lò" 23 thợ lành nghề.

Em Lê Văn Bùi được anh Diệu tận tình chỉ bảo cách chạm mộc.

Em Lê Văn Bùi bị khuyết tật ở chân, 19 tuổi (quê ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã theo anh Diệu học nghề hơn 2 năm nay. Em Bùi chia sẻ: "Lúc đầu mới vào em cũng sợ lắm nhưng được anh Diệu quan tâm, chỉ dạy nghề từng li từng tí nên em rất vui. Em đã rất may mắn khi được anh Diệu nuôi dạy, cho ăn học miễn phí tại đây".

"Mỗi tháng ngoài việc chi trả từ 1,5 đến gần 3 triệu đồng/người thì tui còn lo cho mấy em những lúc ốm đau, chi phí đi lại và ăn ở. Mong sao mấy em xem đây như là ngôi nhà thân yêu của mình thì tui mừng lắm rồi", Diệu trải lòng.

Tiếng tăm cơ sở mộc mỹ nghệ của Diệu ngày một vang xa hơn, thu nhập ổn định hơn khi anh còn có một xưởng sửa chữa ôtô nằm gần đường QL1A. Nhưng số tiền ấy còn lại không đáng là bao khi Diệu đã "đài thọ" tất cả mọi thứ cho những người học nghề có cùng cảnh ngộ như anh. Niềm vui của Diệu là được nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật tự lo được cho bản thân mình khi bước ra từ "mái nhà" yêu thương của anh.

Kình ngư trên đường "đua xanh"

Không chỉ đơn giản là một người thầy của những trẻ em khuyết tật, Diệu còn là "kho vàng" của Hội thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị.

Năm 2003, thật tình cờ khi có một đoàn vào tham quan cơ sở mộc mỹ nghệ của Diệu, trong đoàn có ông Đào Bang (Giám đốc Trung tâm Thể thao huyện Gio Linh - PV) hỏi: "Mi cái chi cũng biết rứa có biết chơi thể thao không", Diệu trả lời: "Mấy môn khác thì không nhưng chắc bơi thì tui chơi được". Và cơ duyên anh trở thành VĐV bơi lội xuất sắc của thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị cũng từ đó.

"Lúc nhỏ còn đi chăn trâu, tụi bạn cứ nghịch bồng mình thả xuống mương nước rồi chạy đến cuối con mương để vớt mình lên, lúc đó mình chỉ vùng vẫy để cho khỏi bị chết đuối thôi. Nhiều lần như thế nên mình thấy việc di chuyển ở dưới nước khỏe hơn trên cạn rất nhiều… và mình biết bơi từ đó", Diệu chia sẻ.

Ngay lần đầu tiên tham dự giải đấu thể thao khuyết tật của tỉnh, Diệu đã dành được 3 HCV cự ly 50m, 100m và 200m. Năm 2003 Diệu còn xuất sắc dành thêm 2 HCV, 1 HCB sau khi anh được gọi vào đội thể thao khuyết tật tỉnh Quảng Trị thi đấu cho giải tiền Paragames. Kình ngư Trần Văn Diệu còn đem vinh quang về cho Tổ quốc khi xuất sắc dành được 1 HCB, 2 HCĐ tại giải thể thao người khuyết tật Đông Nam Á - Paragames 2. Biệt hiệu "vua khuyết tật trên đường đua xanh" cũng do mọi người đặt cho Diệu khi anh đã "sưu tập" đủ 60 bộ huy chương các loại qua mỗi kì thi hằng năm.

"Tuy mình tàn tật, mình không được may mắn như người khác nhưng mình luôn nỗ lực trong tất cả mọi việc từ nuôi dạy, truyền nghề cho các em khuyết tật đến việc tập luyện thi đấu để hi vọng giành được những giải cao trên các đường bơi", Diệu thật thà tâm sự.

Giờ đây tôi biết chắc rằng không ai còn nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngờ như ngày nào nữa bởi những cống hiến thầm lặng của anh cho thể thao tỉnh nhà và cho cả những mảnh đời bất hạnh… như anh

Anh Khoa
.
.
.