Nghị lực sống của đôi vợ chồng khuyết tật

Thứ Sáu, 12/08/2011, 19:11
Qua một hồi tiếp xúc nói chuyện, chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc thay khi vợ chồng anh Lâm, chị Sáng vẫn tràn ngập niềm tin cuộc sống. Điều đáng nói hơn, cả anh và chị đều bị khuyết đi một phần cơ thể bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bằng chính nghị lực, hai con người, hai hoàn cảnh đã vượt lên những khó khăn để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc...

Trong căn nhà nhỏ giờ đây, vẫn còn đó sự thiếu thốn về vật chất nhưng không bao giờ vắng bóng nụ cười và những tình cảm ấm áp của các thành viên trong gia đình giành cho nhau.

Nhớ lại thời thanh niên, 23 năm sống là 23 năm duy nhất trong cuộc đời này anh Lâm được nhìn thấy ánh sáng. Sinh năm 1958 trong thời kỳ đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, như bao nhiêu thanh niên khác 16 tuổi anh Lâm đã là chiến sĩ du kích nơi phòng tuyến ác liệt của xã Hải Thọ-Hải Lăng-Quảng Trị.

Trong niềm vui đất nước độc lập đến năm 1980 anh quyết định chuyển lên sinh sống tại mảnh đất Hải Thái-Gio Linh-Quảng Trị nơi là điểm chính của chiến trường Cồn Tiên-Dốc Miếu lịch sử. Trong một lần cùng vài người bạn đi phát đồi thì anh và họ gặp vật lạ nằm ở dưới đất mà không biết đó là quả mìn hạng nặng còn sót lại. Sau một hồi khỏ kíp thì quả mìn bất ngờ phát nổ dẫn đến 2 người bạn của anh bị tử vong còn riêng anh đã bị mù 2 mắt.

Như lời anh kể, cuộc sống hai mẹ con chỉ tạm bợ vì anh là lao động chính trong nhà. Nhưng rồi cuộc đời anh như được tái sinh khi anh gặp chị Nguyễn Thị Sáng, người con gái kém anh 7 tuổi sau này chính là người bạn đời của mình. Trên chặng đường đi tìm hạnh phúc, anh cảm thấy rất may mắn khi được một người vợ đảm đang tảo tần như chị, dù bản thân của chị từng bị mìn nổ làm cụt một cánh tay. Yêu nhau, họ đi đến quyết định sống chung.

Đến đầu năm 1987 họ cưới nhau và đứa con gái đầu lòng ra đời một năm sau đó. Do phải bắt đầu xây dựng từ nghị lực đôi bàn tay của hai vợ chồng, cả gia đình phải sống dựa vào 2 sào ruộng mà chính quyền xã cấp cho. Đó là khoảng thời gia khó khăn và cực kì nghèo khổ, bữa được, bữa không dù tiết kiệm đến mấy vẫn không đủ ăn.

Thấy hoàn cảnh đôi vợ chồng khuyết tật khó khăn nên người thân hai bên nội ngoại đã góp tiền mua con bò cái giúp anh chị có vốn liếng làm ăn. Kết quả từ con bò ban đầu sau một thời gian vợ chồng anh chị đã có trong tay một bầy 8 con. Sau khi bán bò anh chị quyết định xây lại ngôi nhà mới trên nền ngôi nhà tranh dột nát cũ.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Lâm, Sáng.

Do đôi mắt bị mù nên việc đi làm ruộng nương đối với anh là không thể. Mọi việc trong gia đình cho đến ngoài đồng kèm theo là đàn bò đều do một tay chị quán xuyến. Thương vợ nhưng chẳng biết làm sao, nhiều đêm anh trằn trọc với suy nghĩ cố gắng tìm một công việc để thích hợp với đôi mắt bị mù của mình.

Từ ngày được Hội người mù tỉnh cho đi học chữ Brai vào khoảng thời gian đầu năm 1996, là lúc anh cũng tranh thủ học luôn nghề làm tăm do các thành viên trong hội chỉ dạy. Bao tăm anh làm ra được Hội người mù huyện Gio Linh tạo điều kiện đem đi bỏ ở các trường học từ cấp I cho đến cấp III. Những đồng tiền anh kiếm đã phụ giúp gia đình nhỏ của mình rất lớn khi trong nhà giờ đây có thêm 2 đứa con nữa.

Song song với nghề làm tăm thì chị Sáng cùng các con còn có thêm nghề mót mủ hộ công nhân trên các lô cao su, một phần vừa thêm tiền để trang trải cuộc sống, phần còn lại là số tiền tích góp cho các con đi học.

Thấu hiểu và biết được hoàn cảnh gia đình mình nên các con của anh chị ai nấy đều học hành chăm chỉ không có ai bỏ học giữa chừng. Đặc biệt trong đó có em Phan Thị Nghĩa năm nay lên lớp 9 không chỉ là niềm tự hào của cả gia đình mà còn của thầy cô, bạn bè khi luôn là học sinh xuất sắc nhất của Trường THCS Hải Thái.

Hằng ngày Nghĩa vẫn đi học đều đặn một buổi, buổi còn lại Nghĩa theo mẹ và các chị lên lô cao su mót mủ kiếm tiền phụ giúp gia đình. Dù không được học thêm hay được sự chăm sóc như bố mẹ của bạn bè cùng trang lứa nhưng Nghĩa và các chị em mình vẫn luôn tự hào và cố gắng chỉ dạy cho nhau trong học tập. Thành tích học tập của cô bé là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn lao đối với cả gia đình anh chị.

Hiện nay dù làm đủ nghề nhưng kinh tế gia đình anh chị còn nhiều khó khăn. Khi mà tuổi tác của anh ngày càng lớn, các con vẫn trong độ tuổi đi học thì nỗ lực của cả gia đình phải quyết tâm gấp nhiều lần hơn nữa. Theo ông Nguyễn Khắc Hòa, Trưởng thôn 1B, xã Hải Thái: "Tấm gương của gia đình anh Lâm chị Sáng rất đáng để nhiều hộ gia đình trong thôn noi theo. Chính quyền thôn cũng như chính quyền xã đã có nhiều quan tâm giúp đỡ và qua đây kính mong các cơ quan ban, ngành chức năng có thêm sự quan tâm cho gia đình đặc biệt nói trên"

Văn Nhân
.
.
.