Nghị lực của người mẹ nuôi 2 con nhiễm chất độc da cam
Men theo con đường nhỏ ngập ngụa bùn đất, chúng tôi tìm về nhà của vợ chồng bà Sen vào một ngày cuối tháng 10/2013. Ngồi trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp do bức tường bờ lô nhiều năm chưa được tô trét, bà Sen nhẹ nhàng dùng chiếc khăn ướt để vệ sinh cơ thể người con trai tên Cường bị chất độc da cam làm bại liệt tứ chi ngay từ lúc mới lọt lòng. Không thể kìm nén được nỗi lòng trước bệnh tật “vô phương cứu chữa” của con, bà Sen rưng rưng nói: “Năm nay cháu nó 18 tuổi cũng là chừng ấy thời gian nó sống mà như chết. Lúc trước cháu nó còn lê lết, bò toài được chứ nay chỉ ngồi một chỗ thôi. Vợ chồng tui đã cố gắng mọi cách để cứu lấy đôi chân cháu nhưng bất thành…”.
Quệt những giọt nước mắt chảy dài trên đôi gò má hốc hác, bà Sen bắt đầu kể cho chúng tôi nghe quảng đời khó nhọc mà gần 20 năm qua, nếu không có nghị lực phi thường, có lẽ bà và người chồng của mình đã không thể trụ vững trước nỗi đau da cam mà các con bà phải gánh chịu. Bà Sen kể, bà sinh ra trong một gia đình đông anh em lại nghèo khó. Đến thời thiếu nữ, bà may mắn gặp được một người con trai hiền lành, chất phác làm nghề phu gỗ, là ông Lê Văn Kéo mà sau này cùng bà nên duyên chồng vợ.
Bà Hồ Thị Sen chăm sóc 2 người con bị nhiễm chất độc da cam. |
Nhớ lại những ngày tháng phiêu bạt giữa rừng già Trường Sơn, ông Kéo ngậm ngùi: “Suốt hơn 10 năm làm phu gỗ, cánh rừng Trường Sơn trải dài từ Thừa Thiên - Huế vào Quảng Nam, đâu đâu cũng có dấu chân của nhóm phu gỗ tụi tui. Cứ 2 ngày đường băng rừng tìm được cây gỗ ưng ý thì chúng tôi tiến hành hạ cây, rồi xẻ ra nhiều phách để vác về cho các chủ gỗ. Lúc ấy, họ trả tiền công cho phu gỗ bèo lắm, nhưng vì kế mưu sinh nên không thể bỏ được”...
Năm 1995, vợ chồng ông Kéo vui mừng, khi bà Sen sinh hạ người con trai đầu tiên và đặt tên là Lê Phú Cường. Niềm vui còn chưa trọn vẹn thì hơn 1 năm sau, bà Sen phát hiện chân tay của con trai có dấu hiệu teo nhỏ. Vợ chồng bà càng đau đớn hơn khi càng lớn, Cường chỉ nằm một chỗ, thân hình lại co quắp và không thể nói được tiếng nào. Đau đớn hơn, người con gái tiếp theo của bà Sen là Lê Thị Bích Ngân cũng mắc chứng bệnh như người con đầu. Năm nay đã 14 tuổi, nhưng Ngân chỉ biết ú ớ, rồi cười một mình. Kể từ đó, bà Sen phải bỏ nghề may để ở nhà chăm sóc cho các con. Việc mưu sinh của cả gia đình bà đều phụ thuộc vào 4 sào ruộng và nghề phụ hồ của ông Kéo.
Ông Cái Trọng Như, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, hoàn cảnh của vợ chồng bà Sen thuộc diện khó khăn nhất xã. Thế nhưng, vợ chồng bà Sen đã sống rất nghị lực để vừa chăm bẵm cho 2 người con bại liệt, vừa nuôi 3 người con đi học là trường hợp hiếm thấy. Để giúp vợ chồng bà, mỗi tháng xã cũng chỉ phụ cấp được 180.000 đồng theo chế độ dành cho người tàn tật của Nhà nước...