Một cựu chiến binh hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ
Được sự dẫn đường của ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng ban đoàn kết công giáo huyện Thanh Chương, chúng tôi đến nhà anh Hồ Bá Yên. Nói là nhà cho oai nhưng thực ra là một túp lều che nắng mưa.
Vừa chẻ củi để sớm mai đem ra chợ bán, anh vừa kể về gia cảnh éo le của mình. Anh sinh năm 1947, mới chào đời đã mồ côi cha, sau khi mẹ tái giá thì anh ở với cha dượng. Tròn 18 tuổi anh gia nhập Thanh niên xung phong phục vụ chiến trường miền Nam. Tháng 8/1967, anh được chuyển sang bộ đội chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên.
Gia cảnh bi đát của người cựu chiến binh Hồ Bá Yên, với căn nhà trống hoác và người vợ bị tai biến. |
Năm 1971 trong một trận chống càn anh bị sức ép bom ngất đi sau khi tỉnh dậy anh mới biết mình đang nằm điều trị ở trạm xá tiền phương. Điều trị xong, do sức khỏe yếu anh được phục viên về địa phương. Cầm quyết định phục viên trong tay, anh không biết về đâu khi không nhà, không cửa, cha mẹ thì chẳng còn ai, thế là anh lại ba lô con cóc trên vai đi xin việc và được Xí nghiệp vận tải thủy bộ Bắc Thái tiếp nhận làm thủy thủ. Tại đây, anh xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Nguyệt (quê Đông Anh, Hà Nội). Năm 1989 anh chị sinh được một cháu trai đặt tên là Hồ Bá Lương.
Giữa năm 1990, sau 26 năm công tác, trong đó có 6 năm ở chiến trường, anh Yên nghỉ “một cục” theo chế độ 176, được 859.950 đồng. Số tiền này thời điểm đó mua được khoảng hai tạ gạo. Cầm số tiền trên tay, anh Yên mang về đưa cho vợ nhưng chị Nguyệt lẳng lặng giao con trai cho anh nuôi và đuổi anh ra khỏi nhà. Anh Yên gạt nước mắt đưa con trai về quê làm thuê kiếm sống độ nhật.
Về quê vài năm, anh Yên xây dựng gia đình với chị Phạm Thị Thoan. Họ sinh được một bé trai đặt tên là Hồ Bá Tiềm, khi cháu Tiềm được 18 tháng tuổi, do không chịu được cảnh khổ cực, chị Thoan lại lặng lẽ bỏ anh và đứa con thơ, ra đi tìm phương trời mới.
Một thời gian sau, anh Yên lại gá nghĩa với người vợ thứ ba, là chị Nguyễn Thị Tuất (SN 1972, ít hơn anh hai giáp). Hoàn cảnh của chị Tuất cũng không kém phần éo le, vất vả, mồ côi cả cha và mẹ từ khi còn nhỏ và hơi ngớ ngẩn. Sau khi sinh cho anh được một đứa con thì chị bị tai biến nằm liệt giường, nay bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm. Họa vô đơn chí, một nỗi đau nữa, tháng 4/2014, người con trai cả của anh là cháu Lương đã mãi mãi ra đi vì tai nạn giao thông...
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Lúc anh Yên mới về quê, hộ khẩu, giấy tờ và nhà cửa đều không có nên không thuộc diện được chia đất theo Nghị định 64. Mãi đến năm 2003, thương anh vất vả, ông Võ Văn Hồng (một nhà hảo tâm ở địa phương) cho anh 500m2 đất đồi cạnh làm kế sinh nhai và dựng căn lều để ở. Chính quyền địa phương xã Phong Thịnh cũng quan tâm tới hoàn cảnh của gia đình anh, liên tục từ khi có hộ khẩu đến nay gia đình anh đều được đưa vào diện hộ nghèo, được cấp gạo cứu đói; năm 2011 được đề nghị hỗ trợ làm nhà. Tuy nhiên do nhà nước chỉ hỗ trợ một phần (25 triệu đồng), số còn lại gia đình phải tự lo nhưng anh không có điều kiện nên đã chấp nhận dành phần hỗ trợ cho gia đình khác. Với một xã miền núi khó khăn như Phong Thịnh thì nhiều gia đình có tư liệu sản xuất mà cuộc sống còn khó khăn huống chi hoàn cảnh như anh. Hiện tại gia đình anh Yên không có thứ gì đáng giá trăm nghìn đồng. Đất đai sản xuất không, trâu bò, lợn gà cũng không… Chỉ duy nhất có một chiếc xe kéo tay để chở củi ra chợ bán. Công việc chính của cha con anh hằng ngày là chiều lên núi chặt củi, sáng kéo xe ra chợ bán kiếm gạo rau cháo qua ngày.
Hoàn cảnh của cựu chiến binh Hồ Bá Yên ở xã Phong Thịnh hiện nay rất đáng thương, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm và bạn đọc gần xa khắp cả nước. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về ông Hồ Bá Yên, xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An hoặc thông qua Báo CAND (Ban Pháp luật bạn đọc, 92 Nguyễn Du, Hà Nội).