Mong sẽ không còn cán bộ Công an bị thương và hy sinh
- Một Công an viên hy sinh trong lúc giúp dân chống lũ ở Lâm Đồng
- Ước mơ dang dở của người Trưởng Công an xã hy sinh khi giúp dân chống lũ
- Nhiều CBCS hy sinh quên mình trong công tác phòng, chống thiên tai
Sau khi đón nhận những phần quà nghĩa tình từ Báo CAND và Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của Bộ Công an, chị Hơ Thị Dợ, 32 tuổi - vợ đồng chí Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) và chị Phạm Thị Thức, vợ Đại úy Mào Văn Long, cán bộ Đội An ninh dân tộc thiểu số, Phòng Chống phản động và chống khủng bố (Công an tỉnh Điện Biên) đã có màn giao lưu rất xúc động với khán giả của chương trình.
Chị Hơ Thị Dợ vẫn đau đớn, u buồn sau sự ra đi đột ngột của chồng. Đôi mắt chị trũng sâu sau nhiều đêm mất ngủ vì nhớ thương chồng. Nhắc đến anh Súa, nước mắt chị Dợ lại trào ra. Do chỉ nói được tiếng Mông nên qua sự giúp đỡ của Đại úy Lâu Văn Chứ, cán bộ Công an huyện Mường Lát (Thanh Hóa), chị Hơ Thị Dợ chia sẻ về khoảnh khắc nhận được tin anh Súa hy sinh với khán giả chương trình:
“Khi chồng tôi mất, 2 đứa con, bố mẹ đẻ anh Súa và tôi đang ở nhà anh trai ruột. Hiện nay, bố mẹ và 2 cháu vẫn mạnh khỏe. 2 cháu đã lớn rồi, 1 cháu học lớp 7, 1 cháu học lớp 9. Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều do anh Súa lo toan”.
Thân nhân các liệt sĩ Công an giao lưu với khán giả chương trình. |
Chị Dợ bày tỏ niềm mong ước anh Súa sớm được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sỹ. “Anh ấy lúc nào cũng tận tụy với công việc. Ngày làm việc ở Ủy ban xã, chiều tối về nhà ăn cơm rồi lại đi tuần tra. Thế rồi anh ấy ra đi trong cơn lũ… Anh Súa mất đi, gia đình rất đau xót. Tôi mong lực lượng Công an sẽ không còn cán bộ bị thương và hy sinh”.
Tham dự chương trình “Âm vang chiến công” lần này cũng là lần đầu tiên chị Phạm Thị Phúc về thăm Thủ đô Hà Nội. Cùng đi với chị là cô con gái nhỏ Mào Gia Linh năm nay mới 6 tuổi. 2 mẹ con đã vượt hơn 800km từ xã Mường Nhé về Thủ đô Hà Nội trong ngày 15-8.
Trong câu chuyện với tôi, chị chia sẻ, chị và Đại úy Mào Văn Long xây dựng gia đình và sinh được 2 cháu. Cháu Mào Gia Linh và bé Mào Gia Bảo năm nay mới được hơn 2 tuổi. Chị là giáo viên mầm non.
Nhớ lại những ký ức về chồng mình - Đại úy Mào Văn Long, chị Phúc xúc động tâm sự: “Công việc khiến anh vắng nhà thường xuyên. Có khi 1 năm anh chỉ về thăm nhà được vài lần. Anh cũng ít nói về công việc nhưng tôi biết anh rất vất vả nên tôi thường động viên anh yên tâm công tác, mọi việc ở nhà đã có tôi lo và ông bà ngoại giúp đỡ. Mỗi dịp được về nhà, anh luôn chăm lo cuộc sống cho ba mẹ con, thương yêu các con hết mức”.
Vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhờ có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với đối tượng hoạt động tại “Vương quốc Mông”, do thông thạo địa bàn, có uy tín với quần chúng nhân dân nên Đại úy Mào Văn Long được phân công làm Tổ trưởng tổ công tác đảm bảo an ninh trật tự tại huyện Mường Nhé và trực tiếp phụ trách xã Mường Nhé.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện nhiệm vụ, với điều kiện khắc nghiệt ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, Đại úy Mào Văn Long đã bị ốm. Nhiệm vụ công tác chưa hoàn thành, khiến anh trăn trở và quyết tâm bám trụ địa bàn, chỉ sử dụng thuốc do đơn vị cấp mà không về bệnh viện điều trị. Đau lòng là anh đã bị suy hô hấp và mất vào ngày 18-2-2018.
“Anh Long hy sinh khi cháu Mào Gia Bảo mới được hơn 1 tuổi. Một thời gian dài sau đó, mỗi buổi sáng khi ngủ dậy, cháu Linh hỏi bố đâu, sao bố không về là tôi chỉ biết ôm 2 con nhỏ vào lòng và khóc”, chị Phúc rưng rưng.
Xúc động được tham dự và nhận quà từ chương trình “Âm vang chiến công”, chị Phạm Thị Phúc trân trọng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Truyền thông CAND và Báo CAND đã luôn quan tâm, động viên chị và gia đình vượt qua khó khăn. Cũng như chị Hơ Thị Dợ, chị Phúc bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo tạo điều kiện sớm công nhận Đại úy Mào Văn Long - chồng chị là liệt sĩ.
Trong chương trình “Âm vang chiến công”, có một người phụ nữ thỉnh thoảng lại lấy khăn mùi xoa lau nước mắt khi xem những thước phim xúc động về hình ảnh của những người cán bộ, chiến sĩ CAND sẵn sàng hy sinh thân mình bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống nhân dân. Đó là chị Trần Thị Mỹ Trinh, vợ Trung tá Trần Văn Dũng, Trưởng Công an xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
“Đến lúc này, tôi vẫn không thể tin được anh Dũng đã mãi mãi đi xa. Mới như hôm qua thôi, tôi có việc phải đi khỏi nhà nhưng đã kịp chuẩn bị bữa cơm tối để anh ăn rồi đi trực đêm. Có ai ngờ được rằng, bữa cơm đó cũng là bữa cơm cuối cùng của anh tại gia đình”, chị Trinh nhớ lại.
Và sáng sớm ngày 25-12-2018, trong khi làm nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của đối tượng Đỗ Thành Trung, Trung tá Trần Văn Dũng đã bị đối tượng dùng dao đâm dẫn đến tử vong. Nhận được lời mời tham gia chương trình “Âm vang chiến công”, ngày 15-8, chị Trinh cùng con trai của mình, cháu Trần Minh Hiếu từ Bình Thuận đã bay ra Hà Nội.
Để tri ân và tôn vinh đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương, hy sinh khi làm nhiệm vụ, trong chương trình “Âm vang chiến công”, Báo CAND đã trao tặng 15 suất quà, mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng cho 15 thân nhân và cán bộ, chiến sĩ Công an. Lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định trao tặng 6 suất quà, mỗi suất trị giá 50 triệu đồng trích từ Quỹ Nghĩa tình đồng đội cho 6 thân nhân liệt sĩ Công an và thân nhân cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh khi làm nhiệm vụ.