"Mạnh Thường Quân" miền đất lửa

Thứ Bảy, 09/07/2011, 11:23
Anh Phạm Đăng Tư (49 tuổi), ở khóm Thống Nhất, thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh, Quảng Trị) không chỉ được biết đến như một nông dân chuyên kinh doanh con giống, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, có mô hình trang trại được công nhận đạt chuẩn của tỉnh, doanh thu hằng năm đạt hàng chục tỷ đồng mà anh còn được bà con nông dân trên địa bàn gọi bằng cái tên thân mật, “bà đỡ” của nông dân!

Tôi về Vĩnh Linh một ngày đầu hạ, khi cái nắng oi nồng và gió Lào ràn rạt thổi qua miền đất lửa mang theo hơi nóng hầm hập phả vào mặt người. Đứng trên cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải lịch sử, thả tầm mắt nhìn bốn phía đâu đâu cũng thấy một màu vàng xuộm của cánh đồng lúa vào mùa chín rộ, dấu tích chiến tranh còn hằn lại trên mảnh đất này có chăng là đôi ba hố bom nằm bên ruộng lúa rợp cỏ xanh.

Như đoán định được suy nghĩ của tôi, một lão nông dân có làn da rám nắng nở nụ cười tươi rói, nói với tôi: “Chiến tranh đi qua, bằng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, mảnh đất này đã xanh trở lại. Bây chừ người dân không còn thiếu đói nữa, cuộc sống đã đầy đủ, ấm no hơn, con cái được học hành đàng hoàng”. “Để có được những mùa vàng như thế, một phần nhờ Mạnh Thường Quân Nguyễn Đăng Tư hỗ trợ cho bà con mua nợ tiền phân bón đấy”, chỉ tay về phía ruộng lúa trĩu hạt, ông lão phấn khởi nói thêm. 

Nghề cứu tinh

Sinh ra và lớn lên ở thôn Mỹ Lộc (xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, Quảng Trị), năm 21 tuổi, anh Tư đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc. Năm 1977, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng kỹ sư chăn nuôi thú y, anh được phân công về Đoàn quy hoạch Trung ương, đóng tại huyện Phú Lộc (tỉnh Bình Trị Thiên cũ). Năm 1986, anh chuyển công tác về Công ty Dịch vụ chăn nuôi Bến Hải. Năm 1989, vì bị bệnh nên anh xin nghỉ chế độ 176 (trợ cấp một lần).

Anh Phạm Đăng Tư bên đàn gà an toàn về mặt dịch bệnh tại trang trại tổng hợp ở thôn Lai Bình (Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh).

Là trụ cột gia đình nên nghỉ chế độ 176 đồng nghĩa với việc gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu trăm bề. Để cải thiện đời sống, trụ lại với nghề chăn nuôi thú y đã học, anh Tư bươn chải hành nghề thú y khắp nơi. Lâu dần, thấy anh mát tay nên khi có dịch bệnh xảy ra, bà con lại đến tìm anh. Ngoài việc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm còn vì một lẽ nữa là nhờ anh tư vấn cách chăn nuôi, phòng trị bệnh hiệu quả bằng kiến thức, chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế.

Cứ tưởng “khó sống” với nghề nhưng rồi chính nghề thú y đã giúp gia đình anh Tư vượt qua khó khăn và có điều kiện tích cóp được một số vốn để mở đại lý kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc thú y. Đến tháng 1-2007, anh Tư thành lập Công ty TNHH Xuân Tư với số vốn điều lệ 2 tỷ đồng, chuyên kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thức ăn thủy sản, thuốc thú y; cung cấp con giống gia súc, gia cầm như vịt siêu trứng, gà lương phượng, ngan Pháp...

Chủ trang trại chuẩn

Dẫn chúng tôi ra thăm trang trại tổng hợp rộng gần 5ha chuyên nuôi lợn, gà, cá… anh Tư cho biết: “Tôi xây dựng trang trại này trước thành lập công ty, để tạo thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống cho gia đình và cũng là cách để tạo dựng niềm tin cho bà con nông dân trước khi thành lập công ty. Bởi làm bất cứ cái gì cũng cần tạo niềm tin, đó là bí quyết thành công trong kinh doanh. Và nhờ nguồn thu nhập đáng kể từ trang trại này mà tôi có thể mạnh dạn đầu tư vào kinh doanh thức ăn chăn nuôi”.

Năm 2010, trang trại của anh Tư được Chi cục Thú y Quảng Trị phê duyệt, cấp vốn đầu tư xây dựng mô hình an toàn. Đây là 1 trong 4 mô hình trang trại chuẩn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chuyên chăn nuôi lợn, gà, cá an toàn về mặt dịch bệnh.

Đến nay, có nhiều bà con trong tỉnh đến tham quan, học hỏi. Nhiều chủ trang trại đã trở thành bạn hàng đặt mua giống gia súc, gia cầm lâu dài.

“Bà đỡ” của nông dân

Anh Tư cho biết, sinh ra từ gốc gác nông dân, anh thấu hiểu khó khăn của bà con nên anh sẵn sàng bán nợ con giống, phân bón, thuốc thú y cho họ. Hiện tại, mỗi năm bà con nông dân từ huyện Vĩnh Linh ra đến tỉnh Quảng Bình nợ công ty từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Bà con nợ công ty với phương thức cứ đến mua thức ăn, thuốc thú y, thủy sản… sau khi thu hoạch thì trả tiền cho công ty.

Nhiều hộ nông dân trong quá trình chăn nuôi nếu bị dịch bệnh, công ty cử ngay người xuống tận nơi để cùng bà con tiêm phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. “Đã làm ăn kinh doanh thì nhiều khi phải giúp bà con làm được những điều bà con cần để giữ khách hàng. Trong kinh doanh nếu cứ chăm chú vào lợi nhuận mà quên đi sự ưu ái đối với khách hàng là bà con nông dân thì khó mà làm ăn bền vững với họ” - anh Tư bộc bạch.

Chính từ tình cảm của anh dành cho nông dân mà trong mấy năm trở lại đây nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú ý, thủy sản cứ mọc lên như nấm sau mưa nhưng bà con nông dân vẫn luôn tìm đến anh Tư như bạn hàng tin cậy

Thanh Bình
.
.
.