Hơn 20 năm cưu mang trẻ bị bỏ rơi

Thứ Bảy, 18/06/2011, 10:46
Hơn 20 năm nay, dù sống trong cảnh túng thiếu, có lúc phải chạy vạy lo từng miếng ăn. Nhưng với lòng trắc ẩn và tình thương yêu trẻ, chị Đặng Thị Hiệp 54 tuổi, và chị Nguyễn Thị Lành, 50 tuổi, ở thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, vẫn âm thầm, lặng lẽ "lượm" những đứa bé bị bố mẹ bỏ rơi về chăm sóc.

Mái ấm tình thương Bình Minh nằm sâu trong con đường nhỏ ở thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An. Nơi đây đang nuôi dưỡng 10 em bé bị bố mẹ bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng. Nhiều người hay nói vui rằng chị là một vị Bồ Tát sống. Nhờ có những bàn tay nhân hậu ấy, những đứa trẻ vừa mới lọt lòng bị bỏ rơi đã được cưu mang, chăm sóc. Chị Hiệp cho biết : "Mái ấm tình thương này được xây dựng vào năm 1992 do một số người phát nguyện đóng góp. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành ngôi nhà của gần 1.000 đứa trẻ bị bỏ rơi".

Chị Lành cũng cho biết thêm mỗi năm mái ấm tình thương Bình Minh đón nhận hơn 30 đứa trẻ bị bỏ rơi, năm nhiều nhất lên đến gần 50 trẻ. Những đứa trẻ xấu số này được nhận về từ nhiều nơi khác nhau: ở công viên, bệnh viên, gâm cầu… Và hầu hết những đứa này đều là kết quả của những cuộc tình của các bạn trẻ có lối sống buông thả nhưng không dám "giết con" (phá thai) nên tìm đến các cơ sở nuôi dưỡng những người cơ nhỡ tá túc nhờ sinh con xong rồi gửi con lại.

Mẹ Hiệp bên những đứa trẻ.

Có những đôi "vợ chồng" chỉ mới tuổi vị thành niên. Chị Hiệp cho biết: "Những đứa trẻ bị bỏ rơi không chỉ ở Huế mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Nhiều cặp vợ chồng trẻ biết địa chỉ của mái ấm nên cũng tìm ra đây để gửi con". Về với tổ ấm Bình Minh, các em được hai mẹ chăm sóc, nuôi nấng như con đẻ của mình. Căn nhà chưa đầy 40m2 của mái ấm tình thương Bình Minh luôn tràn ngập tiếng cười, niềm hạnh phúc.

Em Nguyễn Văn Khôi, 12 tuổi tâm sự: "Ở đây, em tìm được cảm giác ấm áp, sum vầy của một gia đình thật sự. Được hai mẹ yêu thương, chăm lo em thấy bình yên". Hiện tại, hai chị đang nuôi dưỡng 6 đứa bé vừa mới lọt lòng, 4 đứa đang đi học tiểu học. Vừa ôm bé Mèo, tên mà chị Hiệp và chị Lanh vẫn gọi một bé gái, chị Hiệp vừa tâm sự: "Bé Mèo có hoàn cảnh tội lắm, sinh thiếu tháng, lại bị viêm phổi, mềm sụn thanh quản được một bác xe ôm tìm thấy ở một lùm cây mang về. Lúc đó bé đang trong tình trạng mình mẩy tím tái, nheo nhóc, nặng chưa tới 0,8kg nên các chị nghĩ là bé sẽ không thể sống nổi. Nhưng sau khi uống mấy muỗng sữa của một người cho, cơ thể bé hồng hào trở lại khiến các chị mừng lắm. Giờ bé Mèo đã được gần 3kg rồi đấy".

Trẻ bị bỏ rơi ở mái ấm Bình Minh.

Không lấy chồng, đó là khẳng định của cả hai bà mẹ. Lý do cũng khá đơn giản, một phần vì cứ mải miết với những đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi, đến lúc chợt nhận ra thấy tuổi tác đã qua "hàng băm" nên thấy ngại. Một phần vì các chị yêu trẻ quá, giờ mà lấy chồng, những lo lắng cho hạnh phúc riêng sẽ làm công việc chung bị sao nhãng, các chị không muốn tình thương dành cho các bé bị san sẻ vì những lợi ích riêng của bản thân. Vậy nên, thời gian thấm thoắt trôi qua mà hai chị vẫn mãi lẻ bóng.

Chị Hiệp chia sẻ: "Những ngày trời mát mẻ còn đỡ, chứ vào những ngày nắng nóng hay lạnh thì bọn trẻ hay bị ốm nên vất vả lắm. Có lúc trẻ ốm đồng loạt mà chỉ có hai người nên chăm được đứa này một tý rồi chạy sang chăm đứa khác. Đôi khi nửa đêm, các bé khóc không chịu ngủ, lại phải dậy lũi cũi pha sữa cho uống rồi thức suốt tới sáng với chúng luôn. Nhưng nhìn các con cứ lớn lên khỏe mạnh là tự dưng mệt mỏi đều tan biến đâu hết". Cũng có nhà ở trên TP Huế nhưng hai chị dành hết thời gian ở mái ấm Bình Minh để chăm sóc cho những đứa trẻ. "Mỗi tháng chỉ về thăm nhà, thăm người thân được có một ngày thôi. Chứ ở lâu nhớ bọn trẻ chịu không nổi", chị Lành chia sẻ.

Hơn 20 năm, gần 1.000 đứa trẻ đã được lớn lên trong ngôi nhà tình thương Bình Minh. Đa phần những đứa trẻ sau khi được nuôi dưỡng khỏe mạnh, bình thường sẽ có những gia đình hiếm muộn con đến xin về làm con nuôi. Những đứa còn lại thì được mái ấm Bình Minh cho ăn học đàng hoàng. Hiện có rất nhiều em đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước.

Có những em sau khi học xong đã quay trở về chung tay với các chị san sẻ nỗi đau với các em đồng cảnh. Những gói quà tuy không mang nặng vật chất nhưng là tấm lòng biết ơn nơi đã cưu mang, nuôi sống mình của họ luôn được các chị nâng niu và sử dụng đúng mục đích vì sự phát triển của mái ấm. Trải qua biết bao khó khăn, thiếu thốn và giữa bao lời dị nghị của miệng đời nhưng các chị vẫn vươn lên đầy nghị lực, mà không một lời than thân. Các chị như những đóa sen thơm ngát, góp phần tô thắm cho cuộc đời

Quang Thăng
.
.
.