Giúp Thành chắp cánh những ước mơ

Chủ Nhật, 04/02/2007, 10:36
Báo CAND, ra ngày 29/1/2007 đăng bài: "Một học trò lỗi hẹn với 3 trường đại học vì… nghèo" kể về trường hợp cậu học trò nghèo Ngô Văn Thành. Ngay sau đó rất nhiều bạn đọc gần xa đã gọi đến Báo CAND đến ngỏ ý muốn giúp đỡ cậu học trò nghèo hiếu học Ngô Văn Thành.

Nhà nghèo, các anh chị đều phải bỏ học đi mò cua bắt ốc, vào rừng nhặt củi kiếm sống, riêng Thành vì quá ham học nên đã không quản ngại khó khăn, vừa theo anh chị đi làm vừa tranh thủ thời gian đi học. Giấy bút không đủ, cậu dùng than làm bút, vách đá làm giấy để học.

Có những hôm đi học, đói quá không bước nổi, Thành phải bò hái rau má ăn cầm hơi và có những lúc nằm ngất xỉu bên đường… Thế nhưng, vượt qua tất cả, 12 năm liền, Thành đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc. Với tâm niệm chỉ có con đường học vấn mới thoát khỏi đói nghèo, cậu đã quyết chí vượt khó, thi đậu cả 3 trường đại học, cao đẳng.

Nhưng Ngô Văn Thành lại phải ngậm ngùi rơi nước mắt từ giã giảng đường đại học vì nhà quá nghèo… Sau khi bài báo đăng tải, Báo CAND nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của bạn đọc gần xa gọi đến ngỏ ý muốn giúp đỡ cậu học trò nghèo hiếu học Ngô Văn Thành. Tất cả đều dành cho em một tình yêu thương, lòng khâm phục và sự sẻ chia sâu sắc.

"Tôi đọc mà chảy nước mắt vì thương em Thành"

Đó là lời tâm sự rất chân thành của một độc giả nhất định xin giấu tên vì "Tôi chỉ là một lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội bán nước chè vặt, thuốc lá dạo nên làm gì có điều kiện mà mua Báo CAND.

Tôi tình cờ biết về em Thành là do một vị khách ngồi uống nước ở chỗ tôi mua báo đọc. Tôi cũng nghèo nhưng không thể hình dung được lại có một gia đình nghèo đến mức như gia đình em Thành. Tôi vô cùng khâm phục ý chí, nghị lực của em Thành…".

Cùng chung tâm trạng thông cảm sâu sắc, ông Lê Trí Sử, 54 tuổi, địa chỉ ở 84 Nguyễn Chí Thanh, phường 16, quận 11, TP Hồ Chí Minh gọi điện đến Báo CAND để nhờ làm cầu nối giúp em Ngô Văn Thành. Ông Sử quê ở Thanh Hoá, đi bộ đội từ năm 1970, sau đó ở lại TP Hồ Chí Minh lập nghiệp.

Hiện tại, ông Sử đang công tác trong ngành Kiểm sát, ngoài ra, gia đình ông có một cơ sở sản xuất đồ nhựa. Cuộc đời tha hương của ông cũng lắm gian truân, ông hiểu và cảm thông sâu sắc với trường hợp của cậu trò nghèo ham học Ngô Văn Thành. Ông Sử tâm sự: Hai vợ chồng ông sinh được hai người con, một trai một gái đều đã đến tuổi trưởng thành.

Năm 2002, cô con gái yêu quý mất trong một vụ tai nạn khiến cho cả hai ông bà gần như suy sụp. Khi ở tận cùng nỗi đau, người ta mới thấm thía ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, mới hiểu được giá trị của những gì mình đang có. Từ đó, ông bà bắt đầu hành trình đi làm từ thiện.

Trong nhà ông Sử ngày nào cũng có hơn chục đầu báo, ông đọc để biết ở đâu có những cảnh đời bất hạnh thì ra tay giúp đỡ. Suốt 5 năm là độc giả trung thành của Báo CAND, ông bà Sử đã theo địa chỉ của báo cung cấp, đã trợ giúp, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cho hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất nước.

Người ở gần thì ông bà tìm đến, ở xa thì tìm cách gửi tiền, ít nhất cũng dăm ba trăm nghìn. Ngay trong nhà ông Sử hiện nay cũng đang có một cậu sinh viên học năm thứ 3, Khoa Ngoại thương của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Thương hoàn cảnh cậu sinh viên mồ côi không nơi nương tựa, ngay từ khi cậu học năm thứ nhất, ông Sử đã đón về nhà cho ăn ở không mất tiền, trợ giúp tiền đóng học phí. Ngoài ra, từ năm 2005, ông còn nhận nuôi thêm hai cháu nhỏ là hai anh em Khải Nhi học lớp 4 và Phương Nhi học mẫu giáo.

Đây là hai cháu bé mồ côi, có bố mẹ là nạn nhân trong một vụ án mạng xảy ra ở TP Hồ Chí Minh mà Báo CAND đã đăng tải. Trong năm 2005, cũng nhờ thông tin trên Báo CAND, ông Sử còn biết trường hợp có 5 cháu nhỏ mồ côi quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh đang rất cần sự giúp đỡ.

Ông Sử đã tìm mọi cách gọi điện về địa phương để nhận giúp đỡ nhưng không liên lạc được. Bởi vậy, lần này thấy trường hợp của em Ngô Văn Thành, ông Sử đã chủ động liên lạc với Báo CAND. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Sử cho biết, nếu em Ngô Văn Thành vào học ở TP Hồ Chí Minh, vợ chồng ông sẽ nuôi ăn ở, bao tiền học và mỗi tháng sẽ gửi tiền về nuôi bà Đinh Thị An (mẹ Thành) để em yên tâm học hành.

Những yêu thương chắp cánh ước mơ

Cũng giống như ở TP Hồ Chí Minh, tại Thủ đô Hà Nội, bác Trần Xuân Trạch, cán bộ quân đội nghỉ hưu ở số nhà 82, tổ 9, đường K3, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm cũng sẵn sàng nhận nuôi em Thành ăn học nếu em học tập ở Hà Nội. Bác Trần Xuân Trạch quê ở Hà Tĩnh.

Ngày trước, gia đình bác cũng nghèo lắm, cả nhà đã từng ở trong một túp lều tranh xiêu vẹo. Nhà đông anh em, khoai sắn triền miên cũng không đủ lót dạ. Tốt nghiệp đại học, anh thanh niên Trần Xuân Trạch lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở Quân khu Trị Thiên - Huế. Anh lập gia đình với cô kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thị Lan và ra Hà Nội lập nghiệp.

Đến bây giờ, các con của bác Trạch đều đã lớn và thành đạt, cả gia đình đều cùng làm việc thiện. Đợt cơn bão Chanchu càn quét gây bao đau thương, gia đình bác đã cử chị Phương, cô con gái út đích thân làm một chuyến vào miền Trung mang theo tiền cứu trợ là đóng góp của các thành viên trong gia đình bác…

"Nhìn cháu Thành, tôi thấy hình ảnh của mình ngày xưa. Vợ chồng tôi rất thương và muốn giúp cháu có cơ hội thực hiện ước mơ. Chúng tôi tuy không giàu có gì nhưng sẵn lòng giúp đỡ cháu. Tôi nghĩ rằng, mỗi chúng ta nếu mỗi bữa cơm, mỗi người ăn bớt đi một bát thì sẽ giúp đỡ được người khác…", bác Trạch tâm sự.

Ở tận nước Pháp xa xôi, ông Béc-na, một người Việt mang quốc tịch Pháp cũng gọi điện đến Báo CAND hỏi thăm về trường hợp của cậu trò hiếu học Ngô Văn Thành. Ông Béc-na cho biết: Vừa rồi, ông có về Việt Nam công tác, đọc Báo CAND thấy trường hợp em Thành thì rất thương và khâm phục nên tỏ ý muốn giúp đỡ em Thành ăn học.

Theo ý định, mỗi tháng, ông Béc-na sẽ tài trợ cho em Thành một khoản tiền là 20 euro (tương đương với 400.000 đồng Việt Nam), số tiền này sẽ được tài trợ từ bây giờ cho đến khi em Thành tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, có một chủ doanh nghiệp giới thiệu tên là Toàn cũng sẵn sàng nhận em Thành vào công ty, tạo điều kiện cho em vừa học vừa làm…

Báo CAND xin trân trọng cảm ơn tấm lòng thương yêu chia sẻ của bạn đọc gần xa đối với cậu trò nghèo hiếu học Ngô Văn Thành. Mọi sự ủng hộ xin gửi về địa chỉ: Ngô Văn Thành, thôn Đông Phú, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hoặc theo địa chỉ: Quỹ Xã hội - Từ thiện Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lệ Thúy
.
.
.