Gần 30 năm đi tìm hài cốt đồng đội
- Một thương binh 38 năm đi tìm hài cốt đồng đội
- Chuyện cựu chiến binh 25 năm đi tìm hài cốt đồng đội
- Chuyện chưa kể về người lính 7 lần chết hụt, chạy xe ôm gom tiền đi tìm hài cốt đồng đội
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, năm 18 tuổi, dù đang còn ngồi trong ghế nhà trường, nhưng ông Tòng vẫn tình nguyện viết đơn nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. Năm 1965, ông chuyển về Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Năm 1967, ông cùng một số đồng đội được “đặc phái” về Tiểu đoàn đặc công Thành đội Huế để chuẩn bị cho chiến dịch Xuân Mậu Thân -1968.
Nhấp ngụm trà nóng, người lính già chậm rãi kể lại trận đánh lịch sử đến nay vẫn còn khắc sâu trong tâm trí ông. Đó là ngày 20-5-1968, đơn vị ông nhận lệnh đánh vào Đồng Tòa ấp 5, Thủy Phương (Hương Thủy) để mở đường cho quân ta tiến đánh vào căn cứ địch tại đây.
Tuy nhiên, khi vừa tiếp cận hàng rào căn cứ thì bị địch phát hiện và bắn pháo sáng. Do hỏa lực của địch quá mạnh nên sau 4 giờ chiến đấu, Tiểu đoàn đặc công chỉ còn vài người sống sót. Bằng sự nhanh trí và gan dạ, ông Tòng đã dũng cảm ngăn chặn một tốp quân địch phản công để 2 đồng đội thoát vòng vây và cứu thêm một chiến sĩ khác trọng thương.
Ông Tòng (người thứ 3 từ trái qua) trong lễ an táng hài cốt một liệt sĩ được đưa từ Huế ra Hà Nội. |
“Trận đánh này, đơn vị có 100 đồng chí tham gia, song chỉ còn sống 17 người. Riêng tôi tiêu diệt 3 xe tăng, 2 lô cốt và 1 xe tải chuyên dụng chở bọn giặc chi viện, nhưng do trúng đạn địch nên bị thương nặng...”, kéo ống quần để lộ những vết thương đã thành sẹo trên đùi và ống chân, ông Tòng nhớ lại.
Sau trận đánh ấy, ông vinh dự được phong tặng 1 lúc 3 danh hiệu: Dũng sĩ diệt cơ giới, dũng sĩ diệt xe tăng, dũng sĩ diệt Mỹ và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng…
Đến năm 1972, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Huyện Đội phó, chỉ huy lực lượng vũ trang Hương Thủy; phối hợp với lực lượng trinh sát vũ trang và An ninh tiêu giệt bọn ác ôn, ngụy quân ngụy quyền ở khu vực đồng bằng Hương Thủy, tiến tới chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy vào mùa xuân năm 1975. Sau ngày giải phóng, ông được cử đi học sĩ quan tại Học viện Lục quân, TP Đà Lạt, rồi về nhận nhiệm vụ tại Binh đoàn 318 cho đến năm 1986 thì về hưu…
Về hưu, với phẩm chất người lính cụ Hồ kiên trung, có nhiều cách làm hay, thiết thực đóng góp vào công tác giữ gìn ANTT địa bàn nên ông Tòng được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND thị trấn Phú Bài. Đặc biệt, ông đã có nhiều đóng góp rất lớn trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ…
Lật từng trang trong cuốn sổ ghi chép về thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nét chữ đã phai màu theo năm tháng, ông Tòng rưng rưng khóe mắt: “Trong chiến tranh, mỗi trận đánh đều có sự hy sinh, mất mát. Song, vì thời gian chiến đấu quá gấp nên chỉ kịp mai táng đồng đội hy sinh cùng với di vật, rồi lại lên đường đi tiếp. Tuy nhiên, vị trí mộ của các anh đều được tôi ghi chép vào cuốn sổ tay. Và thật không ngờ, chính nhờ những thông tin ít ỏi ấy mà sau này tôi đã tìm kiếm được rất nhiều hài cốt đồng đội để bàn giao cho thân nhân đưa về quê an táng”.
Nói nghe chừng đơn giản, nhưng thời gian mưa nắng làm thay đổi địa hình, địa vật nên có không ít mộ đồng đội, ông Tòng phải mất 2-3 năm, thậm chí là cả 5 năm trời đằng đẵng tìm kiếm, xác minh thông tin mới tìm ra.
Như trường hợp liệt sĩ Ngô Văn Hải (quê ở huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú cũ). Đồng chí Hải thuộc Trung đội trinh sát Huyện đội Hương Thủy, hy sinh vào ngày 31-10-1972, tại khu 1, xã Thủy Bằng và được ông Tòng cùng đồng đội chôn cất tại vườn nhà dân. Tuy nhiên, do quá trình xây dựng và đô thị hóa nên phải mất nhiều năm sau ngày giải phóng, ông Tòng mới tìm lại được phần mộ này.
Năm 2008, gia đình của liệt sĩ Hải đã vào Huế để đưa hài cốt anh về quê nhà an táng. Hay mới đây, ngày 4-12-2015, sau 40 năm trời ròng rã, ông Tòng cùng đồng đội đã tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ Đỗ Văn Hưu, trinh sát Huyện đội Hương Thủy hy sinh tại xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, vào tháng 3-1975, về quê nhà ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) an táng, trong sự xúc động của người thân và dân làng...
Trong gần 30 năm qua, được sự giúp đỡ của đồng đội, ông Tòng đã tìm kiếm được khoảng 100 hài cốt liệt sĩ; phối hợp với chính quyền địa phương, thân nhân các gia đình đưa về quê an táng, mồ yên, mả đẹp. Nhưng, ông vẫn đau đáu: “Hiện còn nhiều hài cốt liệt sĩ nằm lại ở chiến trường nên tôi và đồng đội còn vẫn tiếp tục tìm kiếm đưa các anh về… ”.
Với những thành tích nói trên, tháng 4-2015, ông Tòng là một trong 3 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên- Huế, vinh dự được tham dự hội nghị toàn quốc “Biểu dương người có công tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh- mùa Xuân 1975” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông còn được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.