Đón Tết truyền thống cùng người nghèo xã Pá Lông và Co Tòng
Chia tay đồng bào nghèo huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, ngày 3/1, Đoàn công tác xã hội từ thiện Báo CAND và Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh do Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập làm Trưởng đoàn tiếp tục hành trình “Tết vì người nghèo” tại tỉnh Sơn La. Cùng chúng tôi về cơ sở tặng quà Tết đồng bào nghèo có đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Sơn La và lãnh đạo Công an huyện Thuận Châu.
Điểm đầu tiên chúng tôi tới là xã Pá Lông, huyện Thuận Châu. Từ trung tâm Thuận Châu về xã Pá Lông khoảng 50 kilomet, nhưng do đặc thù của đường miền núi dốc cao quanh co, uốn lượn, khúc khủy và rất nhiều sương mù của ngày Đông nên hơn hai giờ đồng hồ chúng tôi mới vào được nơi đồng bào sinh sống. Thời điểm này, đồng bào Mông đang ăn Tết truyền thống. Gọi là ăn Tết, nhưng bữa ăn trong các gia đình nghèo chủ yếu là rượu ngô và bánh dày. Biết chúng tôi đến tặng quà Tết người nghèo, phụ nữ Mông với nét mặt hân hoan, mặc các bộ quần áo sặc sỡ nhất để đón những vị khách chúng tôi vào nhà và liên tục mời rượu bằng tình cảm tự đáy lòng, chúng tôi cũng thấy vui lây với họ vì việc làm thiện của mình đã được đón nhận bằng tình cảm thật.
Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND thăm hỏi, tặng quà Tết gia đình nghèo xã Pá Lông. |
Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND; đại diện Công an tỉnh Sơn La và Công an huyện Thuận Châu tặng quà tết gia đình nghèo xã Pá Lông. |
Người nghèo xã Pá Lông hân hoan mang quà Tết về. |
Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND tặng quà Tết gia đình nghèo xã Co Tòng. |
Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND; đại diện Công an tỉnh Sơn La và Công an huyện Thuận Châu tặng quà Tết gia đình nghèo xã Co Tòng. |
Người nghèo xã Co Tòng hân hoan mang quà Tết về. |
Tiếp xúc với chúng tôi, Quyền Chủ tịch UBND xã Pá Lông - Chá Trua Và cho biết, nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Toàn xã nằm trong khu vực có độ dốc lớn, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, hạn hán kéo dài lại chưa có hệ thống thủy lợi nên việc sản xuất của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó là trình độ dân trí của đồng bào lạc hậu, chậm đổi mới, chưa thực hiện thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chưa tận dụng hết đất trống, đồi núi trọc để tăng gia sản xuất nên kinh tế của các gia đình hầu hết là rất nghèo, nhiều gia đình trong diện đặc biệt khó khăn. Điểm sáng nhất của xã là trong năm 2013, không có trường hợp nào vi phạm về ma túy.
Trong số những người được nhận quà Tết của Báo CAND có ông Mua Nhiều Lý, dân tộc Mông, ở bản Cá Kê, xã Pá Lông. 47 tuổi nhưng ông Lý có tới 8 người con và rất nhiều cháu. Khi tôi hỏi về tên các con và các cháu, dù đã đưa cả hai bàn tay ra đếm mấy lần mà ông Lý cũng không nhớ hết tên cháu ruột mình. Bao đời nay gia đình ông vẫn vậy, lấy vợ, lấy chồng sớm rồi đẻ liên tục mà chẳng cần nghĩ phải làm gì để những đứa trẻ sau khi được sinh ra có cuộc sống tốt đẹp hơn. Gia đình ông Lý chỉ làm nương đơn thuần, không có nghề phụ gì, lại đông con, cháu nên thuộc diện đặc biệt khó khăn của địa phương. Và dù thiếu ăn nhưng từ bao năm qua gia đình ông cũng chẳng biết làm gì để cải thiện cuộc sống. “Nghe cán bộ xã nói đến đây để nhận quà Tết nhà báo cho thì ta đến nhận. Cám ơn”, ông Lý nói.
Một trường hợp khó khăn khác là cháu Và Thị Dúa, dân tộc Mông ở bản Cá Kê, xã Pá Lông. Cháu Dúa năm nay 15 tuổi nhưng cha chết nhiều năm, mẹ “theo ma” (làm dâu) nhà khác để mặc bảy chị em cháu tự bươn chải cuộc sống. Là một trong số những con lớn trong nhà, cháu Dúa phải nghỉ học đi làm nương rẫy để kiếm tiền nuôi các em ăn học. Mới 15 tuổi nhưng nhiều năm qua đã phải gánh vác trọng trách kiếm tiền nuôi các em ăn học, đó là lý do khiến cháu Dúa trông già hơn tuổi nhiều. Nhận món quà Tết mang đậm nghĩa tình của Báo CAND tặng đúng vào ngày Tết truyền thống của đồng bào Mông, cháu Dúa rất xúc động. Tuy chẳng nói được nhiều nhưng nhìn vào ánh mắt tươi sáng và khuôn mặt phấn khởi của cháu thì tôi hiểu, món quà tuy nhỏ nhưng là sự động viên lớn đối với chị em cháu trong thời điểm khó khăn này.
Tạm biệt đồng bào xã Pá Lông, chúng tôi tiếp tục đến thăm, tặng quà Tết đồng bào nghèo xã Co Tòng, huyện Thuận Châu. Giống như xã Pá Lông, nền kinh tế của xã Co Tòng chủ yếu là sản xuất thuần nông, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế còn nhiều hạn chế, một số tệ nạn xã hội chưa được giải quyết dứt điểm, cộng thêm những thiên tai, dịch bệnh xảy ra thất thường nơi đây đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của đồng bào. “Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, trông chờ vào thiên nhiên là chính, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, đặc biệt nơi đây thiếu nguồn nước sinh hoạt và nước tưới tiêu trầm trọng nên cuộc sống của hầu hết bào con nơi đây là vô cùng khốn khó”, ông Vừ Giống Hờ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Co Tòng tâm sự.
Cũng giống như đồng bào nghèo xã Pá Lông, đồng bào nghèo xã Co Tòng cũng đẻ rất nhiều con. Bà Vả Thị Quả, dân tộc Mông, ở bản Pá Chả, xã Co Tòng năm nay 48 tuổi nhưng đã có 8 người con và 6 cháu nội, ngoại. Chồng bà không may mất sớm, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào sự may rủi từ nương rẫy, gia đình lại không có nghề phụ nên nhiều năm qua cuộc sống của gia đình bà Quả gặp rất nhiều khó khăn. Do nghèo khó liên tiếp trong những năm qua nên gia đình bà được liệt vào diện nghèo đói. Thế nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, sự nghèo khó vẫn chẳng khiến bà Quả bận lòng bằng việc bà đang rất muốn được tiếp tục “theo ma” (làm dâu) nhà khác. “Theo ma là để được đẻ con mà. Phải có con nữa, nhiều con nữa thì mới vui chứ. Chúng nó sinh ra sẽ tự biết kiếm cái ăn thôi”, bà Quả nói.
Trong số 100 suất quà Tết, mỗi suất trị giá 500.000 đồng mà Báo CAND và Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh trao tặng người nghèo tỉnh Sơn La thì phần lớn được dành tặng đồng bào nghèo hai xã Pá Lông và Co Tòng. Số còn lại được dành tặng đồng bào nghèo huyện Sốp Cộp và một số gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Sơn La.
Cùng đại diện cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tới thăm, trao tặng quà Tết người nghèo nơi đây, Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND chia sẻ với lãnh đạo địa phương trong việc quản lý địa bàn khó khăn của xã miền núi, vùng cao, đặc biệt là khó khăn về đời sống kinh tế của hầu hết đồng bào nơi đây. “Những phần quà mang đậm nghĩa tình của chúng tôi chỉ có thể giúp đồng bào nghèo ấm lòng hơn trong những ngày Tết, Xuân về. Còn để đồng bào nghèo thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, con trẻ được học hành đến nơi đến chốn để góp phần phát triển quê hương thì vai trò của các đồng chí trong cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xã trong công tác tham mưu và chỉ đạo các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như kinh tế của mỗi gia đình là đặc biệt quan trọng. Mong rằng thời gian tới, bằng trách nhiệm và nhiệt huyết của mình, các đồng chí lãnh đạo địa phương tích cực tham mưu cho các cấp lãnh đạo, cũng như giúp đỡ đồng bào từng bước chuyển mình, thay đổi cả về nhận thức và hành động để đồng bào không còn trong cảnh khó khăn như hiện nay”, đồng chí Phó Tổng biên tập tâm sự.
Sau một tuần với hành trình gần 2.000 kilomet tới ba tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Sơn La thăm hỏi, động viên, tặng quà Tết đồng bào nghèo, tối 4/1, Đoàn công tác xã hội từ thiện Báo CAND đã trở về Hà Nội, kết thúc chương trình từ thiện “Tết vì người nghèo” khu vực Tây Bắc để tiếp tục hành trình “Tết vì người nghèo” trên toàn quốc