Chuyện từ thiện mùa COVID-19: Bàn tay thơm khi tặng hoa hồng

Chủ Nhật, 22/03/2020, 10:55
Những hành động đẹp vì cộng đồng trong đại dịch làm ta nhớ đến câu ngạn ngữ của người Bungari :“Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Đây chính là những hành động ý nghĩa, gia tăng thêm sức đề kháng để cùng toàn xã hội phòng chống dịch COVID-19.


Mới chỉ thời gian ngắn thôi, nhưng đại dịch COVID-19 đang gây ra hậu quả nặng nề với những thiệt hại to lớn về người và nền kinh tế xã hội khắp nơi trên thế giới. Người người không ra khỏi nhà để phòng ngừa dịch bệnh. Học sinh, sinh viên nghỉ học, các hoạt động giao thông, công cộng ngưng trệ… 

Việt Nam bắt đầu áp dụng cách ly với tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời thực hiện toàn dân tham gia đóng góp phòng chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức. 

Cũng từ đây, trong khó khăn đã xuất hiện nhiều tấm lòng thơm thảo, chung tay góp sức cùng cộng đồng ngăn ngừa dịch bệnh và làm tốt việc cách ly người nhập cảnh. Truyền thống tương thân tương ái, trách nhiệm công dân và ý thức với cộng đồng của người Việt lại được đánh thức.

Vừa qua, cộng đồng đã có nhiều thông tin về bộ đội, sinh viên, người dân nhường chỗ cho những người cách ly, tự nguyện trưng dụng khách sạn cho người cách ly, thậm chí miễn phí ăn ở, sinh hoạt, các y bác sỹ tình nguyện tham gia chống dịch, các nghệ sỹ, ca sỹ, doanh nhân lần lượt đóng góp ủng hộ… Dù dưới hình thức nào, góp tiền hay góp sức, góp ý tưởng đều giá trị trong thời điểm, dịch giã ảnh hưởng không loại trừ một ai. Tuy nhiên, đâu đó, cách ứng xử của người cho và người nhận vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Nhà nước đã bỏ ra nhiều kinh phí để chống dịch, và Thủ tướng đã khẳng định Chính phủ sẽ cố gắng thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân vừa phát triển kinh tế - xã hội. 

Vậy nên, khi gần 10 ngàn Việt kiều hồi hương tránh dịch và dòng người từ biên giới nhập cảnh vào Việt Nam phải cách ly ngay, thì cộng đồng thật sự có cơ sở khi cho rằng, mỗi người dân cách ly nên có trách nhiệm đóng góp cùng xã hội trong thời gian 14 ngày. Bởi việc cách ly khi về nước vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân, người nhập cảnh. 

Đây là một biện pháp hoàn toàn đúng đắn và cấp thiết trong điều kiện các ca nhiễm mới của Việt Nam có rất nhiều người là người nước ngoài, hoặc người từ những chuyến bay về Việt Nam, cảnh báo tiềm ẩn mối nguy khó lường “ nhập khẩu COVID -19” về Việt Nam ngay chính từ những chuyến nhập cảnh. 

Bởi vậy, Việt Nam cũng chính thức tạm dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài và cả người gốc Việt có giấy miễn thị thực từ 0 h ngày 22/3 trước diễn biến mới của dịch COVID -19. 

Trong thời điểm xã hội chung tay, hợp sức trong phòng chống dịch bệnh, bất cứ một hành động nào, dù tiêu cực hay tích cực đều thu hút sự quan tâm, tập trung của dư luận. Và đại dịch COVID-19 thật sự chính là sự thử thách về thái độ trách nhiệm, tình yêu thương con người, mà ở đó, chúng ta sẽ nhận chân những giá trị nhân văn…

Trong bão dư luận khen, chê các hành động từ thiện trong mùa dịch, MC Trấn Thành, một nghệ sỹ hài nổi tiếng đã có được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo dư luận khi anh đăng trên trang cá nhân về quan điểm không cần công khai việc làm từ thiện lên báo, đài, cũng không đồng tình cách mọi người phản ứng ai đóng góp nhiều hay ít. Bởi lẽ anh quan niệm việc đóng góp là tình nguyện, tùy khả năng, bao nhiêu cũng quý, và làm từ tâm, không phải làm để đối phó với dư luận. Và anh mong mọi người hãy làm, đóng góp, giúp đỡ mọi người thay vì chỉ trích, phán xét…

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình. Những tấm lòng thảo thơm trong mùa dịch đã lan tỏa những điều tốt đẹp cho thấy sức cảm hóa mạnh mẽ của tình yêu thương đồng loại. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mục tiêu là ngăn chặn đỉnh dịch ở mức tối đa, không được để lây lan rộng ra cộng đồng. Nhiệm vụ cách ly rất khó khăn. Đại dịch COVID-19 chuyển dịch dòng người về cố hương, về đất Mẹ là sự trở về cội nguồn, thức tỉnh một điều rằng, mạng sống con người là quý giá hơn tất thảy, quê hương, bản quán luôn là chỗ dựa duy nhất cuối cùng. 

Những hành động đẹp vì cộng đồng trong đại dịch làm ta nhớ đến câu ngạn ngữ của người Bungari :“Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Đây chính là những hành động ý nghĩa, gia tăng thêm sức đề kháng để cùng toàn xã hội chống lại vi rút cô rô na, cũng như chống lại virus của thói ích kỷ, vô cảm, cá nhân, căn bệnh kéo lùi sự phát triển của nền văn minh, tiến bộ loài người.

Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan
.
.
.