Chuyện ở 1 ngôi nhà dành cho trẻ khuyết tật

Thứ Năm, 29/09/2011, 16:28
Không ồn ào náo nhiệt, không có những đứa trẻ đùa giỡn hối hả, tinh nghịch như những lớp học bình thường khác. Lớp học ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa chỉ có 40 cô cậu học trò đều là những đứa trẻ khuyết tật ngoan hiền và dễ thương với 4 cô giáo đảm trách quản lý giáo dục. Cô và trò phải "đánh vật" từng con chữ, từng động tác luyện tập để phục hồi chức năng…

Dự một tiết học, chúng tôi mới hiểu nỗi vất vả của thầy cô giáo khi phải kiên nhẫn từng giờ uốn nắn từng con số, nét chữ cho những đứa trẻ khiếm thính, thiểu năng trí tuệ và dị tật bẩm sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo gương mặt lấm tấm mồ hôi tâm sự: "Khó khăn nhất là việc trao đổi thông tin với các em đều thông qua cử chỉ bằng tay, được gọi là thủ ngữ. Khả năng tiếp thu của các em rất chậm, trong khi một số em từng được bố mẹ nuông chiều, nên đến lúc tiếp cận với môi trường quản lý giáo dục mới thường tỏ ra khó tính".

Thật vậy, nếu thầy cô giáo không uốn nắn, giáo dục bằng tất cả tâm huyết và kỹ năng sư phạm, một số em thiểu năng trí tuệ dễ dàng rơi vào trạng thái vô thức, hoặc biểu lộ những cử chỉ, động tác theo phản xạ tự nhiên. Do không nói được, không nghe được nên mỗi giờ học, cô giáo chỉ hướng dẫn một vài thao tác hoặc phép tính đơn giản để các em làm quen.

Ngay tại lớp học, nhiều khi cô giáo phải "linh động" tổ chức một số trò chơi đơn giản để giảm bớt sự căng thẳng, tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cho các em. Không ít trường hợp do giận dỗi nhau, nên có em "nằm vạ" như…ở nhà, lúc đó cô giáo phải tìm cách "dỗ ngọt" mới ổn. Chính vì đặc thù riêng của lớp học đặc biệt này nên mỗi thầy giáo cô giáo ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật thị xã Ninh Hòa đều thật sự tận tâm, kiên trì uốn nắn, hướng dẫn các em từ sinh hoạt cá nhân đến viết từng con chữ, con số. Rất nhiều học sinh khuyết tật đến lớp trong trạng thái khờ dại, tâm trạng cáu gắt, khó dạy bảo, nhưng bây giờ trở nên lanh lợi, hiền ngoan.

Đơn cử như em Nguyễn Thị Kim Ngân, 14 tuổi, trú ở xã Ninh Sơn bị khiếm thính, những ngày đầu đến trung tâm lơ ngơ, nhưng sau một tháng học tập, Ngân trở thành đứa trẻ nhanh nhẹn khác thường, biết giao tiếp bạn bè, thầy cô bằng thủ ngữ, tiếp thu nhanh, được bạn bè quý mến và điều đáng nói là chữ viết của Ngân rất đẹp.

Trong giờ học chữ. Ảnh: Hữu Toàn

Trường hợp cháu Trần Văn Hoan, 7 tuổi, trú ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh là đứa trẻ khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ. Nhờ sự dạy bảo tận tình của thầy cô giáo sau khi vào trung tâm, cháu Hoan đã dần nói được những câu ngắn và đến nay đã biết hát những bài cô giáo dạy ở lớp.

Cùng với việc dạy chữ, giáo dục cách ứng xử thông thường, những thầy cô giáo ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa còn đảm trách luyện tập, phục hồi chức năng cho những học sinh thiểu năng trí tuệ.

Chị Phạm Thị Kim Anh - một nhân viên y tế ở trung tâm cho biết: "Việc luyện tập phục hồi chức năng cho các em vấp phải không ít khó khăn so với việc dạy chữ. Bởi lẽ các em tiếp thu chậm, mọi sự hướng dẫn đều thể hiện bằng thủ ngữ, hơn nữa nhiều em có thể lực rất yếu". Chứng kiến chị Anh hướng dẫn học sinh tập luyện những động tác bằng thiết bị dành cho trẻ khuyết tật, tôi thầm cảm phục sự kiên nhẫn của các thầy cô giáo.

Luyện tập phục hồi chức năng.

Có thể nói các bậc cha mẹ đều cảm nhận sự bất hạnh khi con mình không may bị khuyết tật và bị… "giam lỏng" tại nhà. Chính vì thế những đứa trẻ khuyết tật không có điều kiện tiếp cận, học hỏi để phát triển thể chất và trí tuệ. Khi Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật Ninh Hòa ra đời, nhiều bậc phụ huynh do dự, nhưng đến nay khu nội trú đã lên tới 40 học sinh. Điều đó cho thấy hiệu quả quản lý giáo dục trẻ khuyết tật ở trung tâm đã tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh, nên nhiều người gọi trung tâm là "ngôi nhà thứ hai" dành cho con em họ.

Giám đốc trung tâm Lê Đình Thu cho biết, trung tâm hoạt động từ ngày 5/9/2007, có chức năng thực hiện chính sách xã hội giúp trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trẻ có nhu cầu tập luyện phục hồi chức năng và tạo điều kiện chăm sóc, giáo dục thể chất, tinh thần cho trẻ khuyết tật huyện Vạn Ninh, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Các em được nuôi dạy miễn phí mỗi tháng 240.000 đồng và hưởng chính sách bảo hiểm y tế, mỗi tuần bố mẹ đưa đón về thăm gia đình 1 lần. Đáp lại tấm lòng của thầy cô giáo, đến nay 100% học sinh khuyết tật đều biết đọc, viết, làm các phép tính cộng trừ trong phạm vi 20, trẻ câm điếc đã biết "trò chuyện" với nhau bằng thủ ngữ và tự chăm lo cho mình trong sinh hoạt.

Theo ông Lê Đình Thu, có được kết quả đó là nhờ mỗi thầy giáo, cô giáo ở trung tâm luôn coi trẻ khuyết tật là con em ruột thịt để giáo dục bằng tất cả tình thương yêu. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ cử giáo viên vào TP Hồ Chí Minh tham dự các khoá đào tạo ngắn hạn dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật để nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.

Xin kết thúc bài viết này bằng tâm sự chân thành của một bậc phụ huynh: "Ngôi nhà thứ hai của những đứa trẻ khuyết tật không chỉ xoa dịu nỗi đau của nhiều bậc cha mẹ, mà với chức năng nuôi dạy, hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật, hy vọng trong tương lai Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khuyết tật thị xã Ninh Hòa sẽ góp phần tích cực vào hoạt động chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Khánh Hòa"

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.