Chuyện người cựu chiến binh đổi thay vùng đất chết

Thứ Năm, 16/06/2011, 14:41
Tham gia chiến đấu trong chiến trường miền Nam năm 1973, thống nhất đất nước ông "bạo gan"  bắt tay vào xây dựng kinh tế và dần đưa đồng bào Pa Hy thoát khỏi cái nghèo, ông chính là cựu chiến binh Nguyễn Văn Muốc, 57 tuổi, trú xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).

Bản Khe Trăn, một bản của đồng bào dân tộc Pa Hy thuộc xã vùng núi Phong Mỹ có 47 hộ sinh sống với 166 nhân khẩu. Vòng luẩn quẩn của cái nghèo đeo đẳng cuộc sống nơi đây với lối sống du canh du cư. Để lo cho cái bụng, quanh năm người dân chỉ biết bám vào cái ngô, cái sắn trên mảnh đất cằn. Nhưng từ khi ông Muốc tiên phong đưa cây cao su về trồng cùng với các chính sách của Nhà nước, vùng đất này đang chuyển mình rõ rệt.

Lúc đầu ông đem cây cao su về trồng thí điểm, người dân trong bản kịch liệt phản đối vì cho rằng cây cao su không thể lo cho cái bụng trước mắt. Hơn nữa do đem giống cây lạ về trồng, đồng bào Pa Hy lo sợ nó sẽ "xóa sổ" cây sắn, cây ngô… "Tui phải túc trực cả ngày lẫn đêm để giữ vì họ cứ đòi chặt cây cao su đi, thuyết phục mãi người dân mới chịu nhượng bộ để tui trồng", ông Muốc kể lại.

Ban đầu do eo hẹp về vốn cũng như kỹ thuật nên ông gặp không ít khó khăn. "Chất lính" thôi thúc ông không thể "giữa đường đứt gánh", trên chiếc xe đạp cà tàng, ông Muốc lặn lội đến các địa phương khác để học hỏi mô hình trồng cao su. Trời không phụ công người, kiên trì sau 8 năm cây cao su của ông đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trưởng bản Muốc tiếp tục mở rộng diện tích và hiện có trong tay gần 7ha cao su.

Ông đem những kinh nghiệm của mình truyền đạt lại cho người dân trong bản, làm "tình nguyện viên" hướng dẫn từng khâu một cho bà con. Nhờ đó không ít hộ vươn lên khấm khá, dần thoát khỏi cái nghèo nhờ mô hình trồng cao su. Vùng đất chết đang chuyển mình rõ rệt.

Ông Muốc với gia tài là cây cao su.

Thung lũng Khe Trăn giờ càng có nhiều "đại gia" nhờ "vàng trắng", trong đó có không ít người ngày nào còn một mực đòi chặt cây cao su đi. "Mừng lắm, bản tui chừ không phải lo cái ăn, cái mặc nữa rồi. Nhờ có Đảng, Nhà nước mà chúng tôi mới có ngày hôm nay", ông Muốc hào hứng tâm sự.

Tiếp câu chuyện của ông, trước đó, ông vay vốn ngân hàng trồng thêm 15ha rừng keo lai, 3ha sắn công nghiệp và hiện đang chờ ngày thu hoạch. "Máu làm giàu", ông còn đầu tư trồng hồ tiêu và chăn nuôi bò. Hiện thu nhập bình quân hằng năm của gia đình khoảng 400 triệu đồng và đang nuôi các con học đại học. Năm 2001, ông Muốc vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Năm 2008 gia đình ông hiến tặng 1.500m2 đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng cho bản, tạo điều kiện cho bà con có nơi sinh hoạt văn hóa, có nơi tiếp thu các chính sách, chủ trương của Đảng. Đồng thời đây cũng là nơi tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ chính quyền địa phương để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, trao đổi những kinh nghiệm làm kinh tế thoát nghèo

Mô hình kinh tế của gia đình ông Muốc hiện đang được đồng bào dân tộc thiểu số Pa Hy noi gương làm theo. Bản Khe Trăn giờ được biết đến với biệt danh "bản cao su" mà ông Muốc là người tiên phong trong công tác xóa nghèo, góp phần thay đổi diện mạo  nông thôn mới.

Ông Trần Minh Trí, Chủ tịch hội CCB xã Phong Mỹ cho biết: "Bản chúng tôi có được như ngày hôm nay là nhờ những đóng góp to lớn của Trưởng bản Muốc. Hiện Hội Cựu chiến binh xã chúng tôi có trên 100 hội viên, trong đó đã có trên 30 hội viên có thu nhập bình quân hàng năm 100 triệu đồng trở lên, không có hội viên nghèo"

Hào Phạm - Hoàng Thanh
.
.
.