Bi kịch của cặp vợ chồng ở xóm chạy thận
Trong cái nắng trưa hè, bà Dương Thị Hoài, 62 tuổi, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đang sắp mâm chuẩn bị bữa trưa. Chồng bà, ông Dương Xuân Chiên nằm trên giường phía sát tường trong, mở to đôi mắt nhìn lên trần nhà. Đã 9 năm từ khi quả thận không còn làm việc, bà phải ra thủ đô, gắn bó với “xóm chạy thận” ở con hẻm trong ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
“Cái bệnh thận này, người giàu mắc phải thì thành nghèo; ai vốn nghèo thì khánh kiệt” - vừa nói bà Hoài vừa dọn mâm bát chuẩn bị cho bữa cơm trưa trong căn phòng ẩm thấp, tối tăm. “Phòng chật không có ghế, chỉ có hai tấm ván kê thành giường cho tôi với ông ấy nên cậu ngồi tạm”.
Người phụ nữ đã ngoài lục tuần kể lại: “Năm 2009 khi đang làm ngoài đồng thì tôi thấy hoa mắt, “lả đi như người chết rồi”. Vài lần như vậy, nghe người ta mách tôi đi điều trị bằng thuốc nam. Khỏi đâu chưa thấy chỉ thấy người càng ngày càng “phình to như con trâu trương”. Biết không ở nhà được nữa nên tôi đành ra Hà Nội khám thì phát hiện bị viêm cầu thận, suy thận giai đoạn nặng”.
Ông Dương Xuân Chiên với tập hóa đơn tiền thuốc. |
Ngày vào viện, bà không có bảo hiểm hay hỗ trợ gì nên gần hai tháng điều trị “chay”, tiền vay khi ấy giờ vẫn chưa trả hết được. Về sau bà Hoài được cấp cho bảo hiểm hộ nghèo nên đỡ hẳn chi phí chạy thận. Một tuần 3 buổi, bà lại tới Bệnh viện Bưu điện, cách chỗ ở 3km để “nhờ” máy móc thực hiện chức năng mà quả thận của mình không thể đảm đương nữa.
Ngày trước ngại đi vì đau, 4 tiếng nằm nhìn máu của mình chạy… ra ngoài cảm thấy sợ còn giờ chỉ trông đến ngày ấy vì lọc máu xong sẽ đẩy các chất độc, chất cặn khiến cơ thể nhẹ nhàng, thoải mái; nếu bỏ quên chỉ một buổi thôi là cơ thể phù nề, dịch tràn trong người.
Tuy nhiên, dù chi phí chạy thận được đặt qua một bên nhưng chi phí dành cho các loại thuốc, các sản phẩm hỗ trợ bà vẫn phải tự mua hoàn toàn nên tháng nào cũng chi tới 4 - 5 triệu.
Thêm tiền nhà trọ, tiền điện nước, ăn uống là “đi toi” thêm 2 triệu nữa. “Ngày xưa có mình tôi thì một tháng tổng chi phí khoảng hơn 6 triệu, giờ thêm cả ông ấy nữa, mỗi tháng thêm 6 - 7 triệu, thành ra mười mấy triệu; gánh nặng này lớn quá tôi không biết làm sao”, bà Hoài thở dài.
Nhắc về chồng mình bà kể, ông cùng bà lên Hà Nội để chăm sóc vợ từ những ngày đầu tiên. Hồi chưa ngã bệnh, ông chăm bà rồi hay đèo bà trên chiếc xe đạp cũ đi chạy thận.
Nhưng đến cuối năm 2016 thì phát hiện ra bị ung thư đại tràng. Cái khốn kéo theo cái khổ, giờ cứ 20 ngày ông ấy phải đi xạ trị. Ông có bảo hiểm dành cho thương binh, nhờ vậy mà tiền chiếu xạ ung thư được trả, còn lại phải lo tiền thuốc.
“Cả xóm trọ này biết ông nhà tôi ung thư, nhưng vì là “xóm thận” nên ông thuộc diện “người ngoài”. Khi có chương trình từ thiện hay các đoàn hỗ trợ đến thì chỉ có những bệnh nhân thận được nhận thôi.
Đau đớn bệnh tật cùng với bao nhiêu thứ thuốc phải mua nên có lần tôi đánh bạo hỏi nhà hảo tâm… còn chiếc phong bì nào không tôi xin cho ông ấy. Người ta nghe tôi nói thương quá, họ vào xem thấy tôi nói thật nên cho một triệu”, bà kể.
Ông Chiên sau những đợt chữa trị đã bắt đầu rụng tóc. Người đàn ông 70 tuổi khuôn mặt hốc hác, thều thào cất tiếng xen lẫn những tiếng ho khan. Giờ sức ông cụ đi lại còn khó khăn chứ chẳng nói tới chuyện đèo vợ đi đây đó trên xe đạp.
Từ ngày đi chữa bệnh, gia đình bà bán hết trâu bò, lợn gà, ruộng vườn nhà cửa bỏ không; lên đây hiện giờ cũng không làm nổi việc gì mà kiếm tiền. Mấy năm trước ông bà còn sức đi bán nước, bán quạt giấy cạnh Bệnh viện Bạch Mai, thêm cả đi nhặt vỏ lon, nhờ vậy mà tự lo được bữa cơm hằng ngày. Nhưng giờ tuổi già sức yếu nên cả ông bà đều chỉ có thể ngồi chờ đến giờ chữa bệnh.
Vợ chồng bà Hoài có 3 người con, 2 con trai đi làm xa trong Đắk Lắk, con gái ở Hà Nội cách hơn 40 cây số, cuộc sống nghèo khó nên chu cấp chữa bệnh cho bố mẹ cũng chật vật. Chạy thận mãn như tôi với ung thư như cái ông kia - bà chỉ chồng mình, như múc nước đổ đi, thấy xót không thấu.
Tiếng ấm nước sôi réo lên khi từng mảnh của câu chuyện cuộc đời đang được kể. Dù không theo trình tự nào cả nhưng từng lời đều hằn rõ những nỗi niềm từ sâu trong lòng. Người phụ nữ sạm vết nắng trên khuôn mặt này đã phải chịu đựng những khó khăn cuộc sống quá lâu rồi nên bao cay đắng cứ theo đó trôi ra.
Bữa cơm trưa bị bỏ quên giữa những nỗi niềm của bà Dương Thị Hoài. |
Báo CAND mong bạn đọc cùng chia sẻ với nỗi đau khổ của cặp vợ chồng bất hạnh này. Mọi giúp đỡ xin gửi về Quỹ Xã hội từ thiện, Báo CAND số 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, điện thoại: 04.39420595, hoặc tài khoản Báo CAND: 0021000019774, Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội.