Thủ trưởng Công an các địa phương chịu trách nhiệm nếu để tồn tại băng nhóm tội phạm

Thứ Năm, 24/03/2022, 13:45

Lực lượng Công an đã hoàn thành 128 dịch vụ công bảo đảm tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và 6/11 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia…  

Ngày 24/3, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Công an Quý 1/2022. Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí trong Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến tất cả Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hầu hết các loại tội phạm đều giảm

Báo cáo tình hình, kết quả công tác quý I, nhiệm vụ trọng tâm công tác Công an quý II/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Công an các đơn vị, địa phương cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác và chấp hành các kế hoạch, mệnh lệnh công tác của Bộ; đã đảm bảo vững chắc an ninh trên các lĩnh vực, các địa bàn chiến lược; giải quyết kịp thời từ cơ sở các vụ, việc phức tạp.

2.jpg -0
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Công an các đơn vị, địa phương đã đảm bảo tuyệt đối ANTT dịp Tết Nguyên Đán, các sự kiện chính trị, xã hội; các vụ án dư luận quan tâm được giải quyết kịp thời, tạo hiệu ứng tích cực; đã tập trung tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều giải pháp chiến lược, đảm bảo ANQG, TTATXH. Quyết liệt đấu tranh vô hiệu hoá hoạt động của các đối tượng, kéo giảm tội phạm, từ đó người dân cảm thấy yên lành, an toàn…

Trong quý I/2022, cả nước xảy ra 9.118 vụ phạm pháp hình sự, giảm 10,74% so với quý IV/2021; giảm 17,51% so với cùng kỳ năm 2021; giảm 26,72% so với trung bình mỗi quý năm 2019. So với cùng kỳ năm 2021, hầu hết các loại tội phạm đều giảm, một số loại tội phạm giảm sâu như: giết người, cướp tài sản (giảm 14,29%); cố ý gây thương tích giảm 11,91%... Trong quý đã điều tra khám phá 8.016 vụ phạm tội về TTXH; bắt 19.037 đối tượng, triệt phá 242 băng nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 1.580 đối tượng truy nã…

Đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế liên quan chức vụ, tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về phòng, chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu. Trong quý, đã phát hiện 107 vụ, 199 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ (tăng 64,62% số vụ, 51,91% số đối tượng so với cùng kỳ năm 2021)…

3.jpg -0
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an báo cáo kết quả công tác quý 1/2022.

Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2022; triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch đấu tranh, phòng, chống tội phạm về ma tuý xuyên quốc gia; trên các tuyến, địa bàn lĩnh vực trọng điểm, nhất là các tuyến đường biển, bưu điện và qua không gian mạng. Trong quý đã phát hiện 7.002 vụ, 10.313 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ 238 kg heroin, hơn 347 kg và gần 100 nghìn viên ma tuý tổng hợp, 14 kg cần sa… Công an các đơn vị, địa phương đã đấu tranh hiệu quả với tội phạm môi trường; tội phạm sử dụng công nghệ cao và các loại tội phạm khác.

Trong quý I/2022 đã xảy ra 2.761 vụ TNGT, làm chết 1.666 người, bị thương 1.741 người, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Các công tác khác như xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, thanh tra, đối ngoại, hậu cần kỹ thuật…đều đạt hiệu quả cao.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, trong quý 2/2022, Công an các đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác theo Nghị quyết của Đảng uỷ Công an Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng về nhiệm vụ công tác năm 2022 và Chương trình công tác đã được Bộ phê duyệt, trong đó thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm lớn.

Xây dựng lực lượng CAND chính quy, hiện đại

Tại Hội nghị, Thiếu tướng Hoàng Đức Lừng, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ đã báo cáo khái quát một số nội dung Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” và dự kiến kế hoạch của Đảng uỷ Công an Trung ương để triển khai thực hiện Nghị quyết. Thiếu tướng Hoàng Đức Lừng cho biết, Nghị quyết của Bộ Chính trị chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng CAND, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong xây dựng lực lượng CAND  thời gian tới.

Cụ thể, Nghị quyết đề ra 4 quan điểm chỉ đạo, trong đó xác định xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, theo yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay. Quá trình thực hiện phải quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng CAND. Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng CAND, trách nhiệm huy động cả hệ thống chính trị để xây dựng lực lượng CAND. Kế thừa, phát huy truyền thống của lực lượng CAND, tập trung xây dựng lực lượng CAND toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ,  hậu cần – kỹ thuật.

1.jpg -0
Các đại biểu dự Hội nghị.

Nghị quyết đề ra 2 mục tiêu tổng quát, trong đó đến năm 2025 một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; phấn đấu đến năm 2030 lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nghị quyết đề ra 4 mục tiêu cụ thể; đồng thời nêu các chỉ tiêu cần đạt trong 4 mục tiêu trên; đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn toàn diện trên tất cả các mặt công tác Công an và xây dựng lực lượng CAND.  “Để triển khai kịp thời nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Đảng uỷ Công an Trung ương sẽ ban hành kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó phân công trách nhiệm cho các cấp uỷ, Công an đơn vị, địa phương, đồng thời Bộ sẽ thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bộ trưởng làm Trưởng ban; ở địa phương thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư hoặc Chủ tịch UBND làm Trưởng ban để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện” – Thiếu tướng Hoàng Đức Lừng nhấn mạnh.

Phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng

Báo cáo về tình hình tội phạm cướp ngân hàng, cửa hàng tiện ích, đề xuất giải pháp phòng ngừa, Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, trong quý 1/2022, tội phạm hình sự giảm, nhưng có 5 loại tội phạm tăng là giết người; cướp tài sản; cướp giật tài sản; tổ chức đánh bạc và đánh bạc, mại dâm. Riêng tội phạm cướp tài sản xảy ra 156 vụ, chỉ chiếm chưa đến 2% số vụ nhưng có 282 đối tượng tham gia. Trong đó, số vụ cướp tài sản tại 5 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang đã chiếm 44,23% so với số vụ toàn quốc với 40 vụ cướp nhà dân, 6 vụ cướp tại chi nhánh ngân hàng, 6 vụ cướp tại cửa hàng tiện ích. “Đã xuất hiện thủ đoạn các đối tượng kết bạn qua các hội nhóm kín trên không gian mạng để rủ nhau cướp. Chúng đều là đối tượng không có việc làm, không chịu làm việc, chơi bời, cờ bạc dẫn đến khó khăn về kinh tế, nợ nần nên rủ nhau đi cướp.” – Trung tướng Trần Ngọc Hà cho biết.

hà.jpg -0
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự báo cáo về phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng.

Về phòng ngừa loại tội phạm này, theo Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục Cảnh sát hình sự đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng tổ chức điều tra cơ bản theo chuyên đề; tham mưu cho lãnh đạo Bộ có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước; đề nghị Công an các địa phương tham mưu cho các lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, cửa hàng tiện ích… tổ chức phòng ngừa tội phạm; phối hợp với các Cục nghiệp vụ, Công an địa phương hội ý nghiệp vụ đánh giá tình hình, đề ra biện pháp đấu tranh. “Dự báo trong quý 2, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp hơn, Cục Cảnh sát hình sự sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiêm các đơn vị, địa phương theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, tăng cường kiểm tra hướng dẫn hệ lực lượng tập trung điều tra cơ bản 4 lĩnh vực chính; làm việc với Cục kho quỹ Ngân hàng nhà nước, khảo sát các chi nhánh ngân hàng, triển khai các biện pháp phòng ngừa. Đề nghị lực lượng chức năng rà soát các vấn đề nổi lên trên không gian mạng, hoạt động của các hội nhóm tội phạm trên mạng để đấu tranh, xử lý kịp thời”  - Trung tướng Trần Ngọc Hà nhấn mạnh.

Giảm cung, giảm cầu ma tuý

Báo cáo về kết quả công tác tổng rà soát thống kê người nghiện ma tuý, giải pháp phòng ngừa người sử dụng ma tuý phạm tội, Thiếu tướng Đinh Văn Chuyền, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý cho biết, hiện nay cả nước có 205.818 người nghiện có hồ sơ, 66.287 người sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong đó, người nghiện ma tuý ngoài cộng đồng chiếm 56% ; còn lại người nghiện ma tuý đang ở các cơ sở giam giữ, trại cai nghiện… “Tỷ lệ cao về người nghiện đang sinh sống tại cộng đồng đòi hỏi chúng ta phải chủ động phòng ngừa tội phạm, vi phạm do các đối tượng này gây ra. Với hơn 173 nghìn người hàng ngày phải sử dụng ma tuý là nguồn cầu lớn, là nguyên nhân phát sinh  tội phạm ma tuý và các loại tội phạm khác. Chính vì nhu cầu ma tuý lớn nên tội phạm này diễn ra không kể ngày đêm, kể cả ngày lễ, tết, luôn luôn thay đổi phương thức vận chuyển, cất giấu, giao dịch, nguỵ trang, Có nhiều vụ các đối tượng sử dụng vũ khí quân dụng chống trả quyết liệt lực lượng truy bắt” -  Thiếu tướng Đinh Văn Chuyền nhấn mạnh.

ma tuý.jpg -0
Lực lượng Công an đấu tranh với tội phạm ma tuý.

Thiếu tướng Đinh Văn Chuyền cho biết, giải pháp đấu tranh quan trọng nhất là giảm cung, giảm cầu về ma tuý, góp phần giảm tác hại do ma tuý gây ra. Trong đó, tập trung điều tra cơ bản đối với người nghiện, người sử dụng ma tuý xuyên suốt từ Bộ đến cấp xã để phòng ngừa từ cơ sở; phối hợp với các ngành chức năng làm tốt việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại ma tuý; tăng cường nắm tình hình đấu tranh tại các cơ sở có điều kiện phát sinh tội phạm ma tuý như quán bar, karaoke… Bên cạnh đó, phải đấu tranh làm giảm nguồn cung, trong đó làm tốt công tác nghiệp vụ, đấu tranh ngăn ma tuý từ nước ngoài vào; tổ chức thực hiện các phương án để đấu tranh với tội phạm ma tuý trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

“Chặn” ô nhiễm công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải

Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường báo cáo kết quả công tác khảo sát, kế hoạch đấu tranh vi phạm môi trường công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải cho biết, hệ thống thuỷ lợi này xây dựng từ 1958 với chiều dài hơn 200 km kênh chính, hơn 2.000 km kênh rạch phụ trợ, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. Hệ thống thuỷ lợi này đang phải tiếp nhận nhiều nguồn ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân. 

4.jpg -0
Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường báo cáo về vi phạm môi trường công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về tập trung đấu tranh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên hệ thống giao thông đường thuỷ, trong đó có hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, từ tháng 11/2021, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã tổ chức khảo sát dọc tuyến sông cả trên bờ, dưới sông, phối hợp với các đơn vị thuỷ lợi để đánh giá tình hình, xác định có gần 2.000 điểm xả thải ở tất cả các địa phương với hơn 5.000m3 nước thải/ngày đêm, trong đó, có 70% ô nhiễm do nguồn tiếp thải dân cư, 30% ô nhiễm do khu công nghiệp. Khu vực ô nhiễm nhất là khu vực sông Cầu Bây thuộc địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội). Khu vực này không có nước tự nhiên đưa vào nên hoàn toàn là nước thải. “Sau khi xác định các vi phạm, Cục đã phối hợp với các đơn vị chức năng đồng loạt kiểm tra tại cả 4 địa phương, họp đánh giá vi phạm; kiến nghị phương hướng giải quyết; báo cáo, tham mưu lãnh đạo Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý vi phạm. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng giải quyết, xử lý tình hình ô nhiễm của công trình thuỷ lợi này” – Thiếu tướng Trần Minh Lệ nhấn mạnh.

Xử lý trách nhiệm Thủ trưởng đơn vị nếu để băng nhóm tội phạm lộng hành

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương, chúc mừng thành tích, kết quả công tác Công an các đơn vị, địa phương đã đạt được; nhấn mạnh thêm một số thành tích công tác nổi bật của quý I. Cụ thể, Bộ Công an đã tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ công tác trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đối số quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành 128 dịch vụ công bảo đảm tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và 6/11 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia… Nhiều tấm gương CBCS dũng cảm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tích cực đấu tranh, phòng chống tội phạm, làm nhiều việc tốt.

Về nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II/2022, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, Công an các đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện các kế hoạch của Bộ, tập trung các mệnh lệnh công tác, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm lợi dụng dịch bệnh, các chính sách phục hồi kinh tế - xã hội.  Tăng cường công tác truy nã, thực hiện mục tiêu giảm 50% đối tượng truy nã.

 “Cảnh sát hình sự tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh tội phạm theo các chuyên đề, nhất là những loại tội phạm có dấu hiệu gia tăng như: lừa đảo, cướp ngân hàng, tiệm vàng, đánh bạc, băng ổ nhóm tội phạm lưu động, xiết nợ. Nếu ở đâu băng nhóm tội phạm còn tồn tại, sẽ xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các cấp”  - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu tiếp tục triển khai phương án phòng ngừa, đấu tranh tội phạm ma tuý trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm, vi phạm về môi trường và các loại tội phạm khác.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh cần tập trung đẩy mạnh triển khai Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đối số quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thúc đẩy thực hiện Quyết định số 10695 của Bộ Công an phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an năm 2022; tăng cường kiểm tra, đôn đốc và chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

b giang tuyên ttruyeef.jpg -0
Cán bộ Công an xã tuyên truyền cho người dân phòng ngừa tội phạm.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường việc xét nghiệm, tự xét nghiệm và chủ động phương án bố trí lịch làm việc để đảm bảo quân số thực hiện nhiệm vụ công tác… Thủ trưởng Công an các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những CBCS sai phạm trong quá trình công tác. Thực hiện nghiêm mệnh lệnh công tác, chế độ trực ban, trực chiến, chấp hành chế độ thông tin báo cáo, xử lý, giải quyết kịp thời tin báo, tố giác tội phạm.

“Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của Công an xã rất lớn, quan trọng, mọi công tác Công an đều từ cơ sở, từ điều tra cơ bản, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, khảo sát, nắm người, nắm địa bàn; quản lý đối tượng sử dụng ma tuý… đều do Công an xã đảm nhiệm. Vì vậy, tôi yêu cầu các đơn vị, địa phương cần chú trọng tạo điều kiện về cơ chế, pháp luật, tăng cường con người, cơ sở vật chất cho Công an xã; biểu dương, khen thưởng các đồng chí có thành tích để động viên, khuyến khích kịp thời” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Phương Thuỷ
.
.