Dai dẳng hủ tục tảo hôn ở vùng cao Thừa Thiên-Huế

Thứ Ba, 24/03/2015, 08:54
Thời gian qua, chính quyền và các ban ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên- Huế và huyện vùng cao A Lưới đã tăng cường, nỗ lực vận động người dân xóa bỏ hủ tục tảo hôn. Nhưng hủ tục này vẫn còn tồn tại, kéo dài dai dẳng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, con trẻ không được đến trường học tập...

Dưới cái nắng gay gắt của vùng cao A Lưới, chúng tôi theo chân một cán bộ Trung tâm Dân số, Kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới đến thăm đôi vợ chồng trẻ Lê Thanh Đa (20 tuổi) và Hồ Thị Hạ (16 tuổi), ở thôn 1, xã Hồng Kim. Gặp Hạ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cảnh một cô bé nhỏ thó, có khuôn mặt ngây thơ này lại địu con nhỏ trên lưng trở về sau buổi đi rẫy.

Ngồi bên hiên nhà, Hạ bế đứa trẻ vừa tròn 1 tuổi cho bú, rồi nhìn xa xăm ra nương ngô xanh mướt trước khu vườn và tâm sự: “Nhà mình ở thôn Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc, cách đây chỉ hơn nửa giờ đi bộ thôi. Năm 2013, trong một lần đi chơi lễ hội đầu năm, mình gặp anh Đa rồi yêu nhau. Do nhà chồng thúc giục cưới nên năm 2014 mình phải bỏ học lớp 9 giữa chừng để làm lễ cưới rồi sinh con...”.

Dù có đến 6 người con, gia đình có cuộc sống rất khó khăn, nhưng ông bà Lê Văn Thế và Hoàng Thị Phia (bố mẹ Hạ) vẫn phải vay mượn tiền bạc khắp nơi để tổ chức đám cưới cho con gái.

Ông Thế cho biết: “Do con nó tảo hôn nên gia đình tôi bị làng bản bắt phạt bằng 1 con heo, thóc lúa và 500 nghìn đồng”. Hỏi: “Biết bị phạt sao bố vẫn cho con gái cưới sớm thế?”, ông Thế buồn rầu đáp: “Chúng nó yêu nhau, không cho cưới sao được!”. Sau ngày cưới, Đa vào rừng chặt mây đưa về chợ bán kiếm tiền phụ Hạ nuôi gia đình.

Cùng hoàn cảnh bi đát do hủ tục tảo hôn mang đến là trường hợp của gia đình ông Cu Xâr (trú ở thôn 3, xã Hồng Kim). Vợ chồng ông Xâr là hộ nghèo của xã nhưng vẫn “chấp nhận” cho con trai là Hồ Văn Bót (20 tuổi) lấy vợ chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định pháp luật. Cũng như các cặp vợ chồng tảo hôn khác, sau khi kết hôn, vợ của Bót là Lê Thị Thinh (17 tuổi, quê ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) không có việc làm, lại vừa sinh con gái 8 tháng tuổi nên cuộc sống gia đình ông Xâr càng khó khăn bội phần…

Ông Hồ Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim cho biết thêm, ngoài 2 trường hợp trên, trong năm 2014, xã Hồng Kim còn có 2 cặp vợ chồng tảo hôn khác. Đó là trường hợp của em Lê Thị Lương (17 tuổi) lấy chồng tên Hoàng Thanh Nhi (21 tuổi); em Lê Thanh Hùng (17 tuổi) lấy vợ Hồ Thị Êm (17 tuổi).

Vì tảo hôn nên chỉ mới 16 tuổi nhưng em Hồ Thị Hạ (bên trái) đã có con gái 1 tuổi.

“Mặc dù cán bộ dân số xã đã về tận nhà để tuyên truyền, vận động khi nghe tin các em chuẩn bị hỏi cưới nhưng chúng tôi đành bất lực khi các gia đình vẫn bất chấp quy định pháp luật để... tảo hôn. Những trường hợp này, xã không xác nhận giấy đăng ký kết hôn mà còn tiến hành xử phạt hành chính. Tuy nhiên, do mức phạt quá thấp, chưa đủ sức răn đe nên tình trạng tảo hôn vẫn chưa được hạn chế. Đây cũng là vấn đề mà địa phương đang hết sức lo ngại”, ông Dũng chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dân số, Kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới, trong năm 2013, trên địa bàn huyện xảy ra 43 trường hợp tảo hôn và năm 2014 là 33 trường hợp. Trong số đó, có nhiều cặp tảo hôn cả vợ lẫn chồng, tập trung chủ yếu ở đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi ở địa bàn các xã như Hồng Kim, A Ngo, Đông Sơn, Hương Lâm... Do tập tục và quan niệm lạc hậu, rất nhiều trẻ vị thành niên ở huyện miền núi A Lưới đã kết hôn ở lứa tuổi chỉ mới 16, 17 tuổi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, gia tăng trẻ suy dinh dưỡng và đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, tình hình phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Nhiều trường hợp sau khi cưới thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do các em không có nương rẫy hoặc công việc mưu sinh. Mặt khác, do thiếu kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng, nhiều đứa trẻ không có cơ hội được đến trường... là thực trạng đáng buồn của nạn tảo hôn. Đứng trước những hệ lụy do hủ tục tảo hôn mang lại, cách đây gần 2 năm (tháng 7/2013), UBND huyện A Lưới đã phê duyệt đề án “Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn giai đoạn 2013-2017, định hướng đến năm 2020”.

Theo đó, đến năm 2020, huyện A Lưới cơ bản ngăn chặn và đẩy lùi nạn tảo hôn và không còn hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, hủ tục tảo hôn rất khó được xóa bỏ triệt để, vì có nhiều bản làng nằm sâu trong núi rừng vẫn còn giữ phong tục tập quán lạc hậu, trình độ của bà con còn hạn chế nên việc tiếp nhận thông tin tuyên truyền gặp không ít khó khăn...

Chúng tôi trở lại thành phố khi ánh mặt trời sắp lặn sau cánh rừng già, nhưng ánh mắt của người mẹ trẻ 16 tuổi Hồ Thị Hạ địu con trên lưng đứng trước hiên nhà ngóng chồng cứ ám ảnh khôn nguôi. Bởi lẽ, bằng tuổi này của Hạ, bạn bè em đang nỗ lực học tập để chuẩn bị cho mình hành trang vững chắc bước vào đời. Đề nghị chính quyền và các ban, ngành huyện A Lưới và tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, có nhiều biện pháp hiệu quả để đẩy lùi, ngăn chặn hủ tục tảo hôn đang tiếp diễn trên mảnh đất rẻo cao này...

Anh Khoa
.
.
.