Vợ chồng lương thiện và câu chuyện cuộc đời trên báo

Thứ Bảy, 21/11/2015, 10:00
Anh rong ruổi đạp xe bán báo trên các con phố, trong nhiều ngóc ngách của Hà Nội. Chị "an phận" ngồi đánh giày, bán báo trên vỉa hè, gần nơi tá túc của cả nhà ở Khu tập thể Điện cơ, số 162 Tôn Đức Thắng. Dắt díu nhau từ Yên Thành, Nghệ An ra Thủ đô, hàng chục năm qua họ vẫn cặm cụi kiếm cơm, nuôi 3 con, kiếm tiền chữa bệnh. Anh bảo, cuộc sống của gia đình anh gắn với tờ báo.

Và chẳng hiểu có phải duyên số hay không, Báo của Lực lượng Công an đã ở bên gia đình anh đúng vào lúc sóng gió đột nhiên ập đến, tiếp thêm nghị lực cho anh để anh có tinh thần đấu tranh bảo vệ cuộc sống gia đình, bảo vệ lẽ phải.

1. Ấn tượng đầu tiên về Nguyễn Khắc Thân là khuôn mặt trông dữ tướng. Anh to cao, lừng lững và chậm chạp như một con gấu. Nhưng càng tiếp xúc, càng thấy anh hiền khô. Những chiếc áo anh mặc trên người hoặc đã sờn vai, hoặc phải có một chỗ nào đó bật chỉ, cũ kỹ, dù là áo mùa đông hay mùa hè. Dưới chân anh, lúc nào cũng chỉ là đôi dép lê. Vợ anh, người phụ nữ xinh xắn, hiền lành mang nét khắc khổ, lam lũ.

Vợ chồng anh Thân giờ hạnh phúc với công việc bán báo, đánh giày.

Anh ra Hà Nội lần đầu năm 1996 để chữa bệnh tim. Bác sĩ bảo anh phải sống "chung thân" với thuốc. Hai năm nằm bẹp chữa bệnh, anh phải ở nhờ người quen tại Thủ đô. Vợ làm ruộng ở quê, nuôi đàn con, gửi gạo nuôi chồng. Hết đợt điều trị, anh ôm bọc thuốc về Nghệ An và chỉ một thời gian sau là hết, anh lại phải ra Hà Nội. Suy đi tính lại, vợ chồng anh quyết định phải bám trụ lại ở Hà Nội để thuận lợi chữa bệnh. Năm 2011, anh đưa vợ con ra Thủ đô. Hai vợ chồng, 3 đứa con nhỏ và 2 bao tải gạo chất lên một chiếc xe bò chuyển lên bến xe. Họ bắt đầu những ngày ở nhờ trong căn lều tạm và lao vào kiếm sống ở chốn thành thị.

Anh đi bán báo thuê cho đại lý phát hành báo. Đạp xe rong ruổi trên mọi ngóc ngách của Hà Nội, anh dồn hết cả tâm huyết vào công việc tưởng chừng đơn thuần, mang đậm tính mua bán ấy. Khi các tòa soạn in báo ban ngày, đại lý mua báo bán vào sáng hôm sau, anh mới nghĩ, in xong sao không bán luôn? Vậy là anh bán báo từ chiều hôm trước. Báo bán được nhiều hơn hẳn. Ông chủ đại lý thấy vậy, đổi luôn giờ bán báo. Đúng là hiệu quả. Cứ thế, anh yêu công việc này, gắn bó với nó đến nỗi có người gợi ý anh làm việc khác ra tiền hơn, anh từ chối.

Chị lên Long Biên mua hoa quả đi bán, cũng có nhiều trải nghiệm, kể cả  bị đâm xe đến bất tỉnh. Rồi suy đi tính lại, chị quay về bám lấy cái vỉa hè gần nơi ở trọ. Anh mang báo về cho chị bán. Cùng chị "khai thác" cái góc phố ấy còn có một cậu bé đánh giày. Sau này cậu bé đi làm việc khác ổn hơn, truyền lại nghề cho chị. Cuộc sống tạm ổn dù eo hẹp.

2. Gần 10 năm chăm chỉ kiếm ăn, tằn tiện chi tiêu, vợ chồng anh có được tí tiền. Nghe hàng xóm giới thiệu, hai vợ chồng vay mượn thêm mỗi người thân quen một ít, mua được gian nhà con con 12m² trên tầng 2 ở Khu tập thể Điện cơ số 162 Tôn Đức Thắng. Làm các thủ tục xong, vợ chồng anh được cầm sổ đỏ trong tay. Dù chật chội, nhưng có nơi ở của chính mình, cả nhà sung sướng. Bây giờ thì họ đã có hộ khẩu ở Hà Nội.

Đùng cái. Một ngày đầu năm 2011, đi làm về, anh thấy một mảnh giấy ghi dán trên cửa với nội dung đòi nhà. Anh chị bàng hoàng sau khi gọi lại số điện thoại ghi trên giấy. Người đó xưng là chính chủ căn hộ, đòi kiện anh ra tòa. Nhưng, anh chị đâu biết người ta. Mọi giấy tờ về ngôi nhà anh cầm trong tay đều là bản chính. Giấy tờ mua bán cũng có tới 2 lần được chính quyền địa phương xác thực. Thực ra, người đó là chủ cũ thì đúng. Nhưng đã qua bao đời chủ rồi. Nhà cũng đã được bán cho anh theo Nghị định 61. Anh mua lại của nhà nước. Thấy sự đòi hỏi vô lý, anh mặc kệ.

Rồi, tiền chữa bệnh không đủ, anh lại phải bán cái "tổ chim" ấy cho một người quen cùng quê lấy tiền chữa bệnh. Bán xong, vợ chồng được thuê lại gian phòng đó làm chốn nương thân. Thế nhưng, cuối cùng thì anh cũng chẳng thoát được trát gọi của tòa. Vợ chồng anh phải ra "hầu tòa" theo đúng nghĩa. Chị đến tòa một lần với anh, rồi những lần sau chị ủy quyền cho anh đến tòa. Mấy lần tòa đều tuyên anh phải trả lại nhà cho người ta. Thất vọng tràn trề. Đó là những ngày cả gia đình anh phải sống trong căng thẳng, lo lắng. Nghĩ mãi để tìm lối thoát, anh chợt nghĩ đến báo chí.

Tìm đến Báo An ninh thủ đô, anh được giới thiệu một luật sư bảo vệ quyền lợi cho anh miễn phí.

Báo CAND cũng là địa chỉ quen thuộc anh có mặt đều đặn mỗi sáng sớm để lấy báo về bán. Cô Thượng úy tiếp nhận đơn thư của Ban Bạn đọc nghiên cứu tài liệu đã có sự cảm thông với vợ chồng anh. Cô đề xuất lãnh đạo cho phóng viên tìm hiểu viết bài để bảo vệ lẽ phải. Đọc những bài đăng trên Báo CAND, vợ chồng anh mừng như chính mình được nói cho dư luận biết câu chuyện của gia đình mình. Nhiều khách mua báo quen hỏi thăm: "Nhà anh làm gì mà được lên báo trang giữa thế?". Hỏi vậy nhưng họ biết chuyện nhà anh cả. Thế mà, phiên tòa sau đó, anh vẫn thua cuộc. Những con người lao động lam lũ ấy thất vọng thêm một lần nữa.

Phóng viên động viên anh chị tiếp tục theo kiện, không được bỏ dở, bên anh còn có các cơ quan báo chí, có luật sư và chắc chắn không thể để sự vô lý ấy làm khổ người tử tế được. Anh cùng chúng tôi tiếp tục chiến đấu.

Mấy hôm gặp trước phiên tòa phúc thẩm ở TAND TP Hà Nội vào giữa tháng 9/2015, anh nói lại với phóng viên xem chừng hiểu luật quá rồi. Suốt 4 năm ròng rã nói chuyện với luật sư, nghiên cứu luật pháp, giờ anh nói thông thạo sự vô lý trong tình huống của mình bằng luật hẳn hoi. Nhìn anh mà tôi cứ tự hỏi: Sao người lao động thật thà như đếm ấy lại phải chịu bất công, cứ phải dành thời gian quý giá làm cái việc từ trên trời rơi xuống này? Nhìn cái dáng người to lừng lững nhưng chân chất ấy dò bảng thông báo lịch xử ở tòa Hà Nội trông thương thương. Có bao giờ trong giấc mơ của người lao động lương thiện lại xuất hiện hình ảnh này đâu!

Phiên tòa lần đầu tiên có mặt người bán nhà trực tiếp cho anh. Bà cũng mong Hội đồng xét xử bảo vệ quyền lợi cho anh. Anh tâm sự với phóng viên trong lúc chờ tòa tuyên án: "Có lúc anh định buông rồi đấy. Nhưng người ta lại đòi thêm cả trăm triệu tiền đền bù thuê nhà. Biết lấy đâu ngần đấy tiền. Đúng lúc bế tắc thì có Báo CAND, có các anh bên Báo An ninh thủ đô, có luật sư, anh mới có thêm tinh thần để theo kiện". 

Chờ đợi, hồi hộp, lo lắng… rồi, tất cả như vỡ òa khi bản án được tuyên lên. Đơn kiện đòi nhà bị hủy. Vợ chồng anh bán báo thắng kiện. Ra khỏi phòng xử án, anh nói, nói liên tục, gấp gáp, vẫn đầy hồi hộp, vừa nói vừa ôm ngực. Không thể tả được sự sung sướng của anh. Tôi cứ lo, anh xúc động quá lại ảnh hưởng đến bệnh tim. Người bán nhà cho anh bắt tay anh thật chặt trước khi về: "Chúc mừng cháu nhé!". Ai cũng vui, phấn khởi.

3. Chiều hôm sau, anh đến cơ quan tôi, trời không nắng nóng nhưng trán đầy mồ hôi, xách theo túi cá thu. Anh bảo: "Bà cô ở quê nghe tin tôi thắng kiện, bà phấn khởi lắm, mua luôn một con cá thu tươi, gửi xe khách lên để tôi cảm ơn các anh chị bên báo, cảm ơn luật sư đã giúp đỡ". Rồi anh kể: "Mọi khi anh đi bán báo đến gần 13 giờ đã về. Hôm nay mất thêm tiếng nữa. Đến đâu bà con cũng chúc mừng, lại phải nán lại nói chuyện về phiên tòa". Niềm vui vẫn bừng lên trên khuôn mặt anh.

Một tháng sau (giữa tháng 10/2015), tôi gọi điện, muốn gặp vợ chồng anh, chụp cái ảnh lưu lại kỷ niệm làm báo nhưng không nói lý do. Khi tôi vừa dừng xe sát mép đường nơi anh chị ngồi đánh giày, chị lao ra chừng sốt ruột: "Có việc gì thế em? Chị lo quá!". Tôi giật mình nghĩ: "Sao nhỉ!". "Có gì đâu chị, em qua chơi tí thôi" - câu trả lời của tôi như giúp chị trút gánh nặng. "Từ khi tòa tuyên xong đến giờ vẫn nơm nớp lo, thấy em gọi điện tưởng có gì thay đổi. Hôm nọ anh lên tòa án hỏi bản án mà chưa có, các anh chị trên đấy bảo cứ ở nhà, tòa gửi về cho. Chưa thấy nên cứ sợ". Thì ra là vậy.

Hôm nay anh mệt nên không đạp xe giao báo mà ra phụ việc với vợ. Sạp báo của anh chị có nhiều người quen. Khách đánh giày cũng vậy. Đang giao mùa, người ta mang giày đông đến nhờ anh chị chỉnh sửa, làm mới rất nhiều. Nhìn hai vợ chồng anh Thân, chị Thủy  (tên vợ anh) làm việc một cách vui vẻ, tâm huyết, tôi như vui với cuộc sống của họ. Cuộc gặp gỡ trên vỉa hè đầy tiếng cười. Nỗi lo đã bị lùi xa. Giờ niềm vui của họ là công việc, dù đánh giày hay bán báo thì anh chị cũng giữ được chữ tín. Có ngồi đó một lúc thôi tôi đã thấy tình cảm của bà con hàng xóm với anh chị thật đặc biệt. Thường là hàng xóm lên thực đơn và mua đồ giúp chị. Giờ nấu cơm có người trông hàng giúp. Hạnh phúc của cặp vợ chồng lương thiện ấy giản dị và đáng trân trọng biết bao.

Tôi đặt tình huống: "Chẳng may mà người ta làm nhà, lấy mất vỉa hè thì sao?". Anh như có câu trả lời sẵn: "Mình sống kiếp ve sầu, bám thân cây kiếm tí nhựa, mất cây thì lại tìm chỗ khác thôi". Không ngờ anh lại nói hình tượng vậy. Có lẽ, những gì khó khăn nhất, cặp vợ chồng ấy đã trải qua, giờ chẳng ngại điều gì. Họ hạnh phúc khi bên mình còn có 2 cô con gái đã trưởng thành và cậu con trai đang học năm cuối Trường đại học Xây dựng. Yêu nghề, nghề không phụ, người lương thiện rồi cũng được hạnh phúc.

Báo CAND tiếp nhận đơn thư tại trụ sở, các văn phòng, qua Đường dây nóng: 04.39420595 và Email: plbd66@gmail.com. Đã có nhiều trường hợp gửi đơn thư tới Báo CAND nhận được sự vào cuộc tích cực của Báo. Báo cũng làm cầu nối giữa người dân với các cơ quan chức năng giải quyết, lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhiều người dân và tập thể, tạo được sự tin cậy trong lòng bạn đọc.
Việt Hà
.
.
.