Người vợ hơn 40 năm làm trụ cột gia đình

Thứ Bảy, 17/10/2015, 10:10
Trở thành trụ cột trong gia đình, bà Xuyến vừa chăm sóc người chồng bị mù, tàn phế, lại lo cho 5 người con đang độ tuổi ăn học.

Kể về duyên chồng vợ với ông Giao, bà Xuyến tâm sự: “Tui với ổng (ông Giao) cùng quê. Ổng hơn tui một tuổi. Năm tui mười tám tuổi, trong một đêm sinh hoạt văn nghệ của thôn, tui gặp ổng rồi nảy sinh tình cảm với nhau. Mến mộ tài năng thơ của ổng, tui đồng ý về làm vợ…”. 

Theo lời bà Xuyến, nên duyên chồng vợ, họ làm nhà ra ở riêng và sinh được 5 người con. Hồi chiến tranh bom đạn ngút trời, cuộc sống bao khổ cực, nhưng vợ chồng vẫn bám trụ quê hương, làm lụng vất vả để nuôi 5 đứa con ăn học. “Dù cực khổ đến mấy, vợ chồng tui vẫn gắng chịu đựng. Điều đáng quý là các con tui đều ngoan hiền và rất mực hiếu thảo”, bà Xuyến chia sẻ.

Ông Giao trầm ngâm nói rằng, tai họa bất ngờ ập xuống với gia đình ông vào năm 1972, một lần lùa trâu ra đồng ông vấp phải mìn của giặc. Mìn nổ đã cướp đi của ông đôi mắt, một chân và một cánh tay. Nhiều lần ông định “tự giải thoát” để giảm gánh nặng cho người vợ tội nghiệp, nhưng bà Xuyến vẫn luôn ở bên cạnh, động viên, an ủi ông. Và, cũng từ đó, người vợ hiền thục, ốm yếu phải cật lực làm lụng, tần tảo nuôi chồng, nuôi con. 

Bà Xuyến chăm sóc chồng hằng ngày.

Trở thành trụ cột trong gia đình, bà Xuyến vừa chăm sóc người chồng bị mù, tàn phế, lại lo cho 5 người con đang độ tuổi ăn học. Điều mà bà con trong thôn xóm, dòng tộc, ai cũng nể trọng bà Xuyến, đó là dù cuộc sống nghèo khó, vất vả lo cho chồng, cho con; nhưng hơn 40 năm qua chưa một lần bà than thân, trách phận. Bà lặng lẽ đem sức mình ra để vun đắp cho hạnh phúc gia đình… 

Nói về người vợ tảo tần, chung thủy của mình, ông Giao không giấu được niềm xúc động: “Tui với bả (bà Xuyến) như có duyên tiền định vậy. Khi còn trẻ có rất nhiều người đến hỏi cưới, nhưng bả không thương ai, mà nhất quyết lấy tui làm chồng. Đến khi tui mù lòa, lại cụt tay, chân; nhưng bả vẫn trước sau như một, vẫn vẹn tình nghĩa như thủa nào. Nhờ có bả mà con cái tui được trưởng thành cả…”. 

Giọng ông Giao nghẹn lại: “Hơn 40 năm qua, tui không thể tạo ra đời sống vật chất đủ đầy cho các con, tất cả là nhờ bàn tay vợ tui tảo tần khuya sớm”. Không chỉ vậy, ông Giao là người yêu thơ văn, rất thích làm thơ, nên mấy mươi năm qua, bà Xuyến đã cố công ghi chép lại những sáng tác của ông. Cứ mỗi lần có ý thơ nào hay, ông Giao đều gọi bà đến bên cạnh đọc để bà ghi lại từng từ, từng bài thơ một. 

Sau mấy chục năm nhờ có sự sẻ chia của bà Xuyến, những sáng tác của ông Giao đã được con cháu, bè bạn góp tiền lại, xin giấy phép NXB Văn học, in thành tập thơ “Dòng sông trăng” đầy thi vị. Ông Giao với tay đầu giường lấy tập thơ đưa cho chúng tôi, giọng hồ hởi: “Tui chỉ biết sáng tác, còn tất cả nhờ vợ tui ghi chép lại. Nếu không có bà ấy thì tui đã không có được tập thơ ưng ý như thế này rồi”. 

Nói rồi, ông Giao đọc cho chúng tôi nghe bài thơ có tựa đề “Bà với tôi”, mà theo lời ông thì bài thơ này được ông sáng tác năm ngoái, nhân kỷ niệm 60 năm trọn nghĩa chồng vợ với bà Xuyến: “Bà bảy chín/ Tôi tám mươi/ Luôn luôn vui cười với con, với cháu/ Bà thứ sáu/ Tôi thứ ba/ Trọng đạo ông bà, quý Trà – quý Nguyễn/ Bà tên Xuyến, tôi tên Giao/ Bão thét giông gào/ Không nao núng dạ/ Đường đời ròng rã/ Nắng hạ mưa đông/ Vẫn tươi đượm nghĩa vợ chồng/ Đẹp duyên chung thủy, ấm nồng cháu con...”.

Bà Xuyến cho hay, 5 người con của vợ chồng bà nay đã trưởng thành và đều có gia đình. Vì cuộc sống mưu sinh nên các con họ đều đi làm ăn xa, kinh tế không lấy gì làm khá giả nên cũng chẳng thể hỗ trợ gì nhiều cho ông bà, giờ ở nhà chỉ có vợ chồng già bám víu nhau, nương tựa sống qua ngày. 

Hỏi ra mới biết, hằng tháng, bà Xuyến được nhà nước hỗ trợ 270.000 đồng, còn ông Giao được hỗ trợ 360.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó, vợ chồng họ chi tiêu tằn tiện để sống cuộc sống tuổi già. Ngoài ra, bà Xuyến còn trồng thêm ít rau cải, rau mồng tơi, mấy cây đu đủ trong vườn để bán đắp đổi thêm... 

Tuổi già bóng xế, vợ chồng bà Xuyến, ông Giao sống hẩm hút bên nhau; song trong lòng họ vẫn lấy niềm vui của con và 10 người cháu nội lẫn ngoại làm niềm vui tuổi già. “Cứ mỗi lần lễ, Tết hay có dịp gì, cháu con về đông đủ là vợ chồng tui vui lắm. Trong nhà luôn không ngớt tiếng cười nói của các cháu”, bà Xuyến rưng rưng…

Trao đổi về sự đức hạnh của bà Xuyến, bà Huỳnh Thị Dương, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Lãnh, bảo rằng, trường hợp của bà Xuyến là một tấm gương sáng về người phụ nữ trung hậu, đảm đang, chung thủy của địa phương…

Ngọc Thi
.
.
.