Gần 60% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo hành

Thứ Năm, 02/07/2015, 09:03
Nữ sinh bị bạo lực, quấy rối tình dục nơi học đường; phụ nữ bị chồng bạo hành, đánh đập dã man; trẻ em bị lạm dụng tình dục… đang diễn ra hết sức phức tạp, gây những hậu quả nghiêm trọng, mặc dù chúng ta đang nỗ lực trợ giúp, nhưng vẫn còn hàng nghìn trẻ em, phụ nữ bị bạo hành mỗi năm. Ngày 30/6, Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn cho dự thảo Đề án “Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020” qua Hội thảo “Xây dựng mô hình dịch vụ dành cho người bị bạo lực giới tại Việt Nam”.

Giọt nước mắt tưởng đã lặn sâu vào trong nhưng hôm nay lại bật ra trên khóe mi thâm quầng của người phụ nữ mới bước sang tuổi 32 – chị Đào Thị Hồng Khuyên, ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh khi kể với chúng tôi về cuộc sống địa ngục mà mình vừa trải qua tại Hội thảo “Xây dựng mô hình dịch vụ dành cho người bị bạo lực giới tại Việt Nam” được tổ chức ngày 30/6 tại Hà Nội.

Chị kết hôn đã được 12 năm, có hai mặt con đủ cả nếp tẻ, chồng đi làm ăn xa, đồng lương công nhân eo hẹp của chị vẫn đủ vun vén lo cho 2 đứa con ăn học và chăm sóc bố mẹ chồng. “Nào ngờ sau 6 năm đi làm xa, ngày về nhà, anh ấy dắt theo một phụ nữ quê ở Yên Bái và tuyên bố “đây là vợ hai của tôi, cô chấp nhận được thì ở chung”.

Bàng hoàng, đau đớn, làm sao một người phụ nữ lại có thể chấp nhận và sống cảnh chồng chung được. Tôi không đồng ý thì bị chính cha chồng đánh đập, tát, bóp cổ, đuổi khỏi nhà” - chị Khuyên kể. Người phụ nữ cam chịu trong suốt nhiều năm trời không dám nghĩ đến chuyện ly hôn vì thương con.

“Tình cờ nghe trên loa, tôi đã đến gặp chị Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Xá và được chị giúp đỡ cho mẹ con tôi ở nhờ. Hai năm nay mẹ con tôi ở trọ bên ngoài và tôi đã ly hôn xong” - vừa lau nước mắt, chị Khuyên kể.

Hạnh phúc gia đình là nền tảng căn bản để ngăn chặn bạo lực giới.

58% chị em phụ nữ trong độ tuổi từ 18-60 từng kết hôn cho biết họ từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần. Mặc dù vậy, 50% nạn nhân nữ chưa từng tiết lộ cho ai biết việc mình bị bạo hành; 87% nạn nhân chưa bao giờ viện đến sự trợ giúp của chính quyền hoặc các dịch vụ trợ giúp chính thức.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên: Hơn 10 năm trước, có một phụ nữ ở Nghệ An bị chồng đánh đập dã man đã chạy ra Hà Nội lánh nạn và kêu cứu. Thời điểm đó chúng ta rất lúng túng vì chưa có luật, chưa có nhà tạm lánh và các dịch vụ hỗ trợ. Nhưng hiện nay đã khác, dịch vụ hỗ trợ đã tốt hơn rất nhiều với sự giúp đỡ của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, tuy nhiên vẫn còn chưa đủ.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thì kêu gọi các nạn nhân “đừng khóc một mình” mà hãy dũng cảm đi tìm sự trợ giúp và mong muốn cả xã hội hãy thức tỉnh cùng chung tay hành động. 

Theo khảo sát của Tổ chức quốc tế Plan trong 6 tháng đầu năm 2014 ở Việt Nam cho thấy, 73% số học sinh báo cáo đã bị bạo lực tinh thần, 41% bị bạo lực thể chất và 19% bị bạo lực tình dục khi ở trường. Nguy cơ các em gái trong độ tuổi vị thành niên bị quấy rối nơi công cộng là có thật với tần suất khá cao. Điều đáng báo động là nhiều người không hành động gì khi chứng kiến sự việc xảy ra...

Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTB&XH cho biết, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý khá tiến bộ trong đó có Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007). Tuy nhiên, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả đất nước. Nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng đã xảy ra gây bức xúc trong dư luận đòi hỏi phải có những biện pháp can thiệp khẩn cấp và đồng bộ.

Ông Tiến cũng cho biết, hệ thống chính sách và biện pháp can thiệp được xây dựng toàn diện nhưng vẫn còn tồn tại những khoảng trống, do vậy cần thiết phải xây dựng Đề án “Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” để gắn kết và huy động sức mạnh tổng thể của các bên liên quan.

Trần Hằng
.
.
.