Cà tồng và tục hỏi cưới sơn nữ của chàng trai Mạ

Thứ Bảy, 07/03/2015, 09:33
Khi đến tuổi trưởng thành, để kiếm vợ dễ dàng, các chàng trai Mạ phải biết chơi nhạc cụ truyền thống nhằm quyến rũ cô gái mà mình yêu thích.
Cầm chiếc cà tồng trên tay, ông K Tình (52 tuổi) Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) nhẹ nhàng đưa lên môi thổi cho chúng tôi nghe thanh âm độc đáo của loại nhạc cụ này. Tiếng cà tồng nhả âm lớn dần, chúng tôi đang chăm chú lắng nghe bỗng bị ngắt lại. Ông K Tình cười nói: “Đây là cà tồng, nhạc cụ để chàng trai Mạ tỏ tình”. Bao nhiêu thế hệ đã qua, tâm hồn sơn nữ Mạ đã bị âm điệu của cà tồng mê hoặc, làm điêu đứng tâm hồn.

Thời xưa, đàn ông Mạ quen với việc săn bắt, đi rẫy, từ 10 tuổi đã biết cầm cung tên, lao, dao, rìu, xà gạc… thế nhưng, đến tuổi lấy vợ, đàn ông Mạ phải biết chơi nhạc cụ truyền thống mới có thể kiếm được bạn đời. Người Mạ thường tỏ tình bằng cách chơi một trong những nhạc cụ truyền thống như đánh cồng chiêng, sáo, đrơn, mbuốt, cà tồng…. mỗi loại có thanh âm, cách sử dụng khác nhau. Ngoài năng khiếu, người chơi cần có sự kiên nhẫn, niềm đam mê, trải lòng mình vào đó mới mang lại bản tấu, nhạc lay động lòng người.

Ông K Tình nhớ lại: “Cách đây 30 năm, người đàn ông Mạ chúng tôi phải biết chơi một trong những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình mới có thể kiếm được bạn đời. Tôi đã từng học sử dụng nhiều nhạc cụ nhưng không mang lại hiệu quả. Thế nhưng, nhờ cà tồng, tôi đã chinh phục được trái tim của vợ tôi. Vợ tôi hồi đó đẹp và mộng mơ lắm! Ở Phước Lộc ai cũng khen ngợi, nhiều chàng trai đem lòng yêu nhưng đều bị nàng chối từ. Thế nhưng, khi tôi thổi cà tồng là nàng mê mẩn, say đắm” - ông K Tình lâng lâng chìm trong kỷ niệm.

Cà tồng là một nhạc cụ truyền thống dùng hơi thổi ra âm thanh như thổi sáo, khèn. Nhạc cụ này được làm bằng đồng có khe thổi, và một nhánh chỉ xuống để khều tay ở phía trên cùng, có hình dáng như một chiếc lá được dùng để ke trên mặt ống le. Ống cà tồng có một mặt hở để không khí vào, bên ngoài ống có hoa văn trang trí trên đồ thổ cẩm của người Mạ. Theo luật tục xưa, trước khi cưới nhau, chàng trai Mạ tự do tìm hiểu các cô gái, khi ấy họ thường dùng cà tồng để thổi.

Để có thể thổi cà tồng cho người con gái kia, chàng trai phải tiếp cận gia đình cô gái, thường thì các chàng trai đã tìm hiểu trước các cô gái, và đem lòng yêu đơn phương họ. Đến khi muốn tỏ tình, chàng trai Mạ mang theo cà tồng bên mình và đến nhà cô gái chơi. Người Mạ vốn rất hiếu khách nên khi có bạn, họ đều tiếp đón tận tình và mời ở lại qua đêm. K Tình cho biết: “Sau khi được mời qua đêm, chàng trai Mạ sẽ đến nằm bên cạnh cô gái mà mình đem lòng yêu, và thổi cà tồng. Điệu cà tồng vang lên như lời tỏ tình: Anh thương em đã lâu, em có thương anh thì anh về nhà mang sính lễ qua!…”.

Tiếng cà tồng vừa dứt, là lời đáp trả của cô gái, nếu ưng cái bụng, cô gái sẽ cho chàng trai ngủ chung nhưng họ không được phép quan hệ, nếu làm trái luật tục sẽ bị dân làng phạt nặng. Và cô gái sẽ chọn ngày để chàng trai qua hỏi cưới, ngược lại nếu bị từ chối, chàng trai sẽ kiếm chỗ khác để nằm.

Khi hai người đồng ý sống cùng nhau, chàng trai sẽ về thông báo với gia đình để chuẩn bị sính lễ đến nhà cô gái làm đám nói. Người Mạ quan niệm, khi người con gái đi lấy chồng, nhà gái mất đi một lao động, nên sính lễ được đòi hỏi khá nhiều để đền bù sự mất mát đó. Người con trai muốn đính hôn với một người con gái thì phải biếu bố mẹ vợ tương lai nhiều món quà quý, thường là một ché rượu, một con gà, một số tặng phẩm như chuỗi hạt đeo cổ, lục lạc, lược sừng và một số đồ trang sức nhỏ khác theo ý thích của người vợ tương lai.

Ông K Tình với chiếc cà tồng.

Già làng K Dui cho biết: “Trước đây, khi tiến hành hôn lễ, nhà trai nộp cho nhà gái một cặp chiêng, ba mươi cái ché, hai con trâu, ba đến sáu con heo. Cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình người đàn ông, bên nhà gái cũng không đòi hỏi nhiều, miễn cung ứng đủ để họ thờ Yàng (thần linh)”.

Khi tới nhà gái, tự tay chàng trai sẽ cắm ngọn lao xuống đất, ngay trước cửa nhà gái và… đứng đợi. Một lát sau, người đại diện cho nhà gái có thể là cha hoặc cậu ruột sẽ trực tiếp ra đón nhà trai. Sau khi nghe lời trình bày lý do tại sao đến đây của chàng trai, nhà gái gật đầu đồng ý. Ngay lúc đó, chàng trai sẽ rút ngọn giáo và cùng mọi người vào nhà. Việc đầu tiên mà chàng trai người Mạ phải làm khi bước chân vào nhà gái là đứng trước bàn thờ tổ tiên khấn vái rồi đem ngọn giáo gác lên xà nhà. Ngọn giáo sẽ được để nguyên tại nhà gái bảy ngày bảy đêm. Tuy nhiên cũng tùy vào từng vùng miền mà người Mạ có những cách hành lễ khác nhau.

Trong ngày cử hành hôn lễ, người con gái gùi một gùi củi về nhà chồng, mẹ chồng đón gùi củi, hướng dẫn cô dâu và đón mọi người vào nhà làm lễ theo quy định. Người mai mối đưa cho chú rể một chén rượu, sau khi uống một nửa, chú rể đưa cho cô dâu uống, cứ như thế lặp đi, lặp lại 6 lần trước sự chứng kiến của hai họ.

Lễ nghi bắt buộc trong ngày cưới là trao vòng, nếu chưa thực hiện có nghĩa là nghi lễ chưa được chính thức. Tiếp theo là múa, hát, đánh chiêng, thổi kèn. Suốt đêm vợ chồng trẻ và mọi người tiệc tùng, cũng có nhà tiệc tùng suốt mấy ngày liền. Sau hôn nhân, sự cư trú thiên về nhà chồng, nhưng tàn dư mẫu hệ và hình thức cư trú song phương vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Tập quán phổ biến là sau lễ cưới, chàng rể thường ở nhà vợ, sau khi hoàn tất các lễ vật mới đưa vợ về nhà.

Ngày nay, người Mạ cũng đã tiếp thu những nét văn hóa hiện đại vào trong cuộc sống của mình, đã có nhiều thay đổi trong chế độ hôn nhân. Nhà trai đã chủ động hơn trong hôn nhân, đồng thời, chàng rể cũng có thể rước dâu như người Kinh ngay sau lễ cưới và không phải ở rể như trước đây.

K Liệp - Kim Ngân
.
.
.