Từ “Gió mùa” 2014 đến “Hò dô” 2019: Những mùa vui âm nhạc

Chủ Nhật, 26/01/2020, 11:47
Giờ đây, không cần phải đặt vé máy bay quốc tế, cũng không phải bỏ ra một khoản tiền lớn mới có được một tấm vé tham dự lễ hội âm nhạc quốc tế; người yêu nhạc hoàn toàn có cơ hội được sống trong một bữa tiệc âm nhạc đúng nghĩa tại Việt Nam. Từ "Gió mùa" cho đến "Hò dô", diện mạo lễ hội âm nhạc dần dần được thành hình, khởi đi một thương hiệu văn hóa cho thành phố.


1.Còn nhớ tại cuộc họp báo Monsoon Festival Music- Lễ hội âm nhạc quốc tế "Gió mùa" mùa đầu tiên vào năm 2014, cánh phóng viên tỏ ra rất hoan hỉ lẫn háo hức vì lần đầu tiên tại Việt Nam có… lễ hội âm nhạc quốc tế. Lúc đó, có lẽ một số người vẫn chưa hình dung được một cách mồn một, lễ hội âm nhạc quốc tế là như thế nào, và lễ hội âm nhạc quốc tế theo kiểu Việt Nam là như thế nào.

Chính đạo diễn âm nhạc- nhạc sĩ Quốc Trung đã dần định nghĩa một mô hình lễ hội âm nhạc quốc tế vừa chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của thế giới vừa mang bản sắc văn hoá của riêng người Việt thông qua các phiên bản "Gió Mùa" theo từng năm. Và "Gió Mùa" được bắt đầu như thế, với tinh thần tiên phong và dẫn đạo, đi kèm một khát khao được cống hiến những giá trị văn hoá - nghệ thuật đặc sắc cho khán giả và kết nối con người khắp mọi nơi thông qua tình yêu âm nhạc.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang "phiêu" cùng nghệ sĩ quốc tế trên sân khấu “Hò dô” 2019.

Để rồi, ngày 2-10-2014, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), những âm thanh đầu tiên của một lễ hội âm nhạc quốc tế vang lên, quy tụ những nghệ sĩ đẳng cấp của Việt Nam như nhóm Nguồn cội của nhạc sĩ Quốc Trung, hai diva Thanh Lam - Trần Thu Hà, nhóm Năm dòng kẻ, nhóm Ngũ cung, cùng với những nghệ sĩ trẻ tài năng như nhóm Kimmese - Touliver, Tuấn Kruise, Suboi, Slim V & Dàn nhạc giao hưởng Rhapsody… và sự góp mặt của những ban nhạc quốc tế như Philharmonic Carpark North (Denmark), DJ Lulu Rouge, 9Bach, Dominic Miller, DJ Julien Sato, Benjamin Schoos, các nghệ sĩ Yi Sung Yol, DJ Van Cliff…

Từ "Gió mùa" 2014 đến "Gió mùa" 2015, 2016, 2017, 2019, lễ hội âm nhạc quốc tế này đã đi một hành trình dài với nhiều niềm hứng khởi, sự chờ đợi, cũng như đủ đầy lo toan. Những gương mặt nghệ sĩ tham gia càng ngày càng chất; chương trình hay dần đều lên; trong khi đó, cứ đến tháng 10, tháng 11 hằng năm, công chúng lại chờ đợi năm nay ai sẽ hát trên sân khấu "Gió mùa".

Có những mùa gió, trời mưa như trút, trên sân khấu nghệ sĩ hết mình, dưới sân khấu khán giả mặc áo mưa hò reo đầy phấn khích. Lại có thời điểm, tôi thấy cả giọt nước mắt của Quốc Trung rớt xuống, khi anh phải thông báo có thể năm 2017, "Gió mùa" sẽ là mùa gió cuối cùng và không hẹn ngày gió về, vì ban tổ chức gặp khó khăn về địa điểm tổ chức cũng như kinh phí quá khủng.

Rồi sau đó, thấy cả những tiếng thở phào nhẹ nhõm và vui mừng khi sự gián đoạn của năm 2018 được lấp đầy bằng việc UBND TP Hà Nội quyết định cấp phép tiếp tục biểu diễn tại Hoàng thành Thăng Long đến năm 2022.

Khi "Gió mùa" đã đi được một chặng đường 5 năm và định hình được một thương hiệu âm nhạc cho thành phố Hà Nội thì cũng là lúc Hozo Music Festival - Lễ hội âm nhạc quốc tế "Hò dô" được khởi động năm đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. "Hò dô" đang được kì vọng là một sự kiện tổ chức định kì hằng năm, nằm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của TP. Hồ Chí Minh.

2.Từ lâu, việc khán giả TP. Hồ Chí Minh "khát" một bữa tiệc âm nhạc đúng nghĩa đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Vì thế, việc lần đầu tiên, TP.Hồ Chí Minh đứng ra tổ chức một lễ hội âm nhạc, trở thành tin vui cho nhiều người dù có người vẫn băn khoăn về một chương trình âm nhạc xứng tầm được hiện thực hóa như tên gọi của nó…

Nhạc sĩ Huy Tuấn - Giám đốc âm nhạc của "Hò dô" 2019 cho rằng, tính chất "lễ hội" âm nhạc biểu thị qua việc, không giống như các live show cá nhân đề cao tính cá nhân và giới hạn đối tượng công chúng nhất định, lễ hội âm nhạc hấp dẫn ở chỗ, ở đây, các ngôi sao không còn là những ngôi sao, vai trò cá nhân, nếu có, cũng chỉ là một cái cớ rất nhỏ, nhường chỗ cho cái tổng thể không khí âm nhạc phủ đầy, cộng hưởng từ sự thăng hoa của các nghệ sĩ, đến sự đắm chìm của khán giả trong một không gian, diễn ra nhiều giờ, nhiều ngày.

Lâu nay, chúng ta đã bỏ rất nhiều tiền để ra nước ngoài thưởng thức những lễ hội âm nhạc. Với người dân sở tại, việc tổ chức lễ hội này không chỉ có thêm một sự kiện văn hóa mà nó còn là dịp gặp gỡ các thành viên cả gia đình, với bạn bè, giao lưu và trải nghiệm không khí hội hè… Đây sẽ là một trải nghiệm mới mẻ cho người dân và du khách, bởi trải nghiệm một không gian âm nhạc, một lễ hội cộng đồng vẫn còn khá xa lạ với phần lớn chúng ta.

"Hò dô" năm đầu tiên diễn ra suốt 3 ngày liên tục, từ 13-15/12 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Gần 200 tiết mục, trên 200 nghệ sĩ từ khắp thế giới cùng hơn 20.000 khán giả tham dự mỗi đêm là những con số ấn tượng cho một sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. "Hò dô" đã chứng minh một điều: Âm nhạc Việt Nam cũng có thể đứng cùng một sân với âm nhạc thế giới.

“Gió mùa” bùng nổ ngay cả trong mưa.

Từ "Gió mùa" đến "Hò dô" là 5 năm tự học hỏi, hoàn thiện dần một lễ hội âm nhạc quốc tế tại Việt Nam.

Người ta vẫn nói âm nhạc văn minh; nhưng thực sự như thế nào là âm nhạc văn minh, không phải ai cũng nói rõ. 2 lễ hội âm nhạc đã định nghĩa một cách rõ ràng về thứ âm nhạc văn minh đó qua từng phần biểu diễn của nghệ sĩ của mình. Chẳng hạn, "Gió mùa" từng giới thiệu ban nhạc indie From The Airport với phong cách electro rock rất hiện đại, hoàn toàn khác biệt với những gì người ta lầm tưởng và mặc định về âm nhạc Hàn Quốc chỉ có Kpop và các ban nhóm hát giải trí. Đó là một ví dụ về cách thưởng thức âm nhạc văn minh.

Nếu không có "Gió mùa", rất nhiều người sẽ chẳng biết đến khi nào mới có cơ hội được nghe ban nhạc huyền thoại Scorpions bằng xương bằng thịt hát live trên sân khấu, và chắc sẽ rất khó để nhìn thấy những cô gái trong nhóm tứ tấu BOND nhún nhảy, duyên dáng trong những chiếc đàn dây… Nếu không có "Hò dô", khán giả sẽ rất khó có cơ hội để nghe trực tiếp thứ âm nhạc rất đặc trưng của nghệ sĩ đoạt giải Grammy gốc Ấn Độ Ricky Kej cùng các thành viên trong ban nhạc của ông.

Quốc Trung từng nói: "Chúng tôi mong muốn rằng người Hà Nội có thể tự hào giới thiệu với những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, đến với Hà Nội, phải dự "Gió mùa". Tương tự, cũng có thể nói, đến TP. Hồ Chí Minh, đừng bỏ qua "Hò dô".

Cốc Vũ
.
.
.