Huấn luyện viên châu Âu

Số phận run rủi!

Thứ Hai, 27/04/2015, 10:36
Cuối mùa giải, bóng đá châu Âu nóng lên với những trận chiến đã đến hồi khốc liệt. Ở đó, những chiếc ghế huấn luyện viên (HLV) cũng chao đảo, nghiêng ngả với những số phận run rủi. Có những lời từ biệt, có những sự ép uổng, và có cả những câu chuyện lạ lùng. Ở đó, một thế giới HLV mở ra với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố cùng những điều khó tin.

1.HLV bóng đá cũng là một nghề, nhưng nó được đánh giá là "nguy hiểm" hơn nghề cầu thủ nhiều. Ví thử như HLV Rafa Benitez lừng danh là thế, nhưng đổi lại với sự nghiệp lẫy lừng là căn bệnh tim ông mắc phải với hàng trăm trận đấu nghẹt thở. Tờ SportMail từng thống kê rằng, các HLV càng cao tuổi, càng gắn bó lâu với nghề, càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đã có không ít người đột quỵ trên băng ghế chỉ đạo, thậm chí có người qua đời ngay trong trận đấu. Cụ thể là chính Rafa Benitez đã từng đột quỵ (năm 2003). Hay tại giải vô địch quốc gia Brazil, HLV Ricardo Gomez của Vasco da Gama cũng đã đột quỵ trong trận gặp Flamengo vào năm 2011.

Đó có thể coi là "bệnh nghề nghiệp", bởi trong suốt thời gian huấn luyện, áp lực là điều HLV bóng đá phải đối mặt thường xuyên. Nếu cầu thủ chỉ bị áp lực trong mỗi trận đấu thì HLV không thể cởi bỏ áp lực kể cả khi về nhà. HLV Louis van Gaal từng tâm sự rằng, ông đã bị stress nặng, gần như trầm cảm khi không thể đưa ĐTQG Hà Lan đến với World Cup 2002.

Thua một trận, cầu thủ vẫn có thể thi đấu tiếp và sửa chữa ở những trận sau, nhưng với HLV, có khi chỉ cần thất bại một vài trận, họ có thể bị sa thải ngay lập tức. Và đến đây là câu chuyện về việc từ chức hoặc bị sa thải của các HLV.

HLV Juergen Klopp.

Mới đây, bóng đá châu Âu đã rung động với sự kiện HLV Juergen Klopp bất ngờ xin từ chức HLV trưởng CLB Borussia Dortmund vào cuối mùa giải năm nay, dù năm 2013 ông đã gia hạn hợp đồng đến 2018. Đó là điều không thể tưởng tượng nổi đối với cầu thủ, ban lãnh đạo và các cổ động viên (CĐV) Dortmund. Bởi trong 7 năm qua, Klopp là công thần, là một hình tượng lớn, người đã giúp Dortmund thoát khỏi cảnh ngập ngụa trong nợ nần để trở lại là một đội bóng lớn, với tham vọng chinh phục Bundesliga và cả châu Âu (với 2 chức vô địch Đức, 1 danh hiệu Á quân Champions League, 2 cúp quốc gia Đức).

Klopp ra đi vì theo ông là đã đến lúc thay đổi, thay đổi ở Dortmund và thay đổi cả chính con người ông. Suốt 3 năm qua, Dortmund đã bán đi quá nhiều ngôi sao mà Klopp vất vả chăm chút, coi họ như con trai của mình. Và cùng với thất bại ở mùa giải năm nay,

Klopp quyết định từ chức để bắt đầu cuộc sống mới. Ông ra đi với tư cách của một tượng đài, đến mức HLV Arno del Curto của đội hockey trên băng Thụy Sĩ còn nói rằng: "Dortmund đã sùng bái Klopp một cách quá đáng. Có vẻ như ông ấy là một thủ tướng". Đó là lời từ chức của một người thành công ở mức tột đỉnh.

Và điều đáng chú ý là cùng vào thời điểm Klopp từ chức, vị bác sĩ nổi tiếng, đầy quyền uy tại Bayern là ông Mueller-Wolhfahrt cũng đệ đơn từ chức sau 38 năm gắn bó. Ông là bác sĩ có rất nhiều quyền lực, cũng được coi là công thần không thể thay thế ở Bayern, khi điều trị cho những Robben, Ribery, và hàng loạt cầu thủ ngôi sao, các VĐV thể thao khác (trong đó có cả Usan Bolt).

Lá đơn từ chức của ông Mueller-Wolhfahrt lại mang ý nghĩa khác hẳn Klopp, dù vai trò của họ cũng quan trọng chẳng kém gì nhau. Người ta đã nhìn về phía HLV Pep Guardiola với những mối nghi ngờ về quan hệ giữa họ đã có rạn nứt nghiêm trọng. Pep có thể đã chỉ trích ông Mueller-Wolhfahrt về việc có quá nhiều trụ cột của Bayern chấn thương trong thời điểm quan trọng này, khiến Bayern thất bại 1-3 trên sân Porto ở lượt đi tứ kết Champions League.

Như vậy, Klopp ra đi để lại sự tiếc nuối. Còn Mueller-Wolhfahrt ra đi để lại những mối nghi ngờ, sự rạn nứt và những câu hỏi không được giải đáp.

2.Bóng đá châu Âu cũng như xã hội ở đó, có một thứ văn hóa từ chức khi không cảm thấy phù hợp, hoặc khi thất bại. Đặc biệt ở bóng đá Anh, chuyện sa thải hay việc một HLV từ chức là chuyện cơm bữa. Nó được coi là một phần cuộc sống, một thứ đặc thù nghề nghiệp của các HLV.

Ví dụ, hiện tại ở giải Ngoại hạng Anh, HLV có tuổi đời gắn bó với 1 CLB lâu nhất đang là Arsene Wenger với 18 năm (sau khi Alex Ferguson giã từ sự nghiệp hồi năm 2013 sau 26 năm gắn bó với Man Utd).

HLV Arsene Wenger.

Trong 9 năm đầu Wenger ở Arsenal, phần còn lại của Premier League đã có 63 HLV đến rồi lại đi. Và trong 9 năm vừa qua, các CLB còn lại ở giải Ngoại hạng Anh đã thay thế tới 93 người, tức là gấp rưỡi con số của 9 năm trước đó. Vì vậy, việc Wenger ở Arsenal có thể coi là một biểu tượng.

Thế nhưng, chính biểu tượng ấy cũng lung lay, nghiêng ngả theo thời cuộc. Trong 5 năm gần đây, đã có gần chục lần Wenger đứng trước nguy cơ mất việc sau khi Arsenal trải qua tới 9 năm không có bất kì danh hiệu nào. Thậm chí, cách đây 3 năm, các CĐV Arsenal còn biểu tình, kêu gọi Wenger hãy từ chức. Đến tận lúc này, khi Arsenal mới chỉ vô địch FA Cup mà chưa thể cạnh tranh ngôi vô địch Premier League, Wenger vẫn bị một bộ phận CĐV cho rằng nên từ chức.

Thế nhưng, Wenger không làm thế. Ông khác hẳn với Klopp, người chỉ có 1 mùa giải thất bại nhưng đã quyết ra đi. Trường hợp của Wenger cũng tương tự như Pellegrini lúc này ở Man City. Mùa trước, ông có thể giúp Man xanh vô địch Ngoại hạng Anh, nhưng mùa này là thất bại thê thảm ở mọi đấu trường. Và đương nhiên, lá đơn từ chức là điều được nhắc đến dành cho Pellegrini. Và cũng đương nhiên, ông không làm đơn. Ở đây là câu chuyện về tài chính chứ không phải là nhận thức.

Cũng giống như cầu thủ hay bất kì một người làm công ăn lương nào khác, các HLV cũng có hợp đồng rõ ràng. Ở đó quy định thời gian, nhiệm vụ mà HLV và CLB phải thực hiện. Bên nào vi phạm sẽ phải bồi thường hợp đồng. Mà cũng lại giống cầu thủ, lương của HLV được trả rất cao.

Ví dụ như khi Chelsea muốn có HLV Villas-Boas của Porto năm 2010, họ đã phải mua HLV với giá 13 triệu bảng phí phá bỏ hợp đồng trước thời hạn, trả lương cho ông này mỗi năm gần 8 triệu bảng nữa. Sau 1 năm thất bại ở Chelsea, Villas-Boas cũng bị kêu gọi từ chức, nhưng ông phớt lờ, bởi ông biết nếu xin từ chức có nghĩa ông sẽ phải bồi thường hợp đồng nếu Chelsea không chấp nhận. Và cuối cùng, chính ông chủ của Chelsea là Abramovich đã quyết định sa thải Villas-Boas, đồng thời phải đền cho HLV này 13,3 triệu bảng theo đúng hợp đồng đã kí. Villas-Boas mất việc nhưng lại giàu sụ.

HLV Villas-Boas.

Trường hợp của Villas-Boas giống hệt vụ Chelsea sa thải Luiz Felipe Scolari năm 2009. Họ phải trả cho HLV người Brazil này 12,6 triệu bảng đền bù. Tính ra, trong 10 năm kỉ nguyên Chelsea của Abramovich, CLB này mất 59,6 triệu bảng chỉ để đền bù cho các HLV bị sa thải. Vậy thì có ai muốn từ chức? Hãy để đến ngày bị sa thải.

Dĩ nhiên, cũng chẳng phải HLV nào ra đi cũng được đền bù toàn bộ hợp đồng như Villas-Boas. Ở Man Utd, David Moyes bị ép buộc từ chức nhưng ông không làm đơn. Đến khi Man Utd sa thải ông, Moyes mới đi, nhưng chỉ được nhận 1 triệu bảng với lí do: không hoàn thành công việc như hợp đồng (đưa Man Utd lọt vào top 4). Hoặc chuyện HLV Frank Rijkaard đã phải nhờ luật sư để đòi bằng được 3,75 triệu bảng đền bù hợp đồng do Barca sa thải ông.

Khi ấy, cái gọi là văn hóa từ chức ở các CLB bóng đá giàu có trở thành một thứ xa xỉ, khi cuộc chơi sòng phẳng, dựa trên giấy tờ, văn bản và những thỏa thuận về luật pháp. Song, ở đó vẫn có những bản hợp đồng được dựa trên giá trị tình cảm. Ví dụ vụ Klopp từ chức ở Dortmund, ông sẽ không phải bồi thường hợp đồng. Đó là sự gắn kết, với mối quan hệ tình cảm với một cá nhân đã trở thành tượng đài của đội bóng. Hoặc việc HLV Kwesi Appiah của ĐTQG Ghana đã từ chối nhận tiền bồi thường khi bị sa thải sau thành tích nghèo nàn của đội, có lẽ vì lí do tự trọng.

3.Và đến đây, sẽ có nhiều người tự hỏi, tại sao Wenger dứt khoát không từ chức dù đã bị gây sức ép, dù đã mất uy tín rất nhiều trong vài năm qua, dẫu ở Arsenal ông cũng là một tượng đài (có thể chẳng mất tiền bồi thường)? Câu trả lời có thể là sự gắn bó. Và hơn thế nữa, thật khó có thể kiếm được HLV nào đủ tầm và đủ hiểu biết và kinh nghiệm để thay Wenger. Còn Pellegrini nữa. Nếu ông không từ chức, Man City sẽ lại mất món tiền kha khá cho Pellegrini.

Và hơn tất cả, ở bóng đá Anh, việc từ chức của một HLV không chỉ là vì thua trận, mà ở đó còn có cả một bài toán kinh tế không chỉ với HLV, mà còn với cả CLB.

Những HLV tại vị ngắn nhất

Kì lạ ở đây không phải tính cách của họ, mà là thời gian họ dẫn dắt đội bóng. HLV giữ kỉ lục tại vị ngắn nhất lịch sử giải Ngoại hạng Anh là ông Les Reed của CLB Charlton Athletic (năm 2006), khi ông chỉ có chưa đầy 1 tháng gắn bó với đội, trước khi bị sa thải sau 5 trận thua trong 7 trận (trong đó có 1 trận thua đội hạng nhì Wycombe ở League Cup). Sau vụ sa thải này, ông Reed giã từ luôn sự nghiệp HLV. Còn HLV chỉ đạo ít nhất trước khi bị sa thải là Paul Sturrock (Southampton năm 2004). Ông ở CLB này 4 tháng, nhưng sau giai đoạn nghỉ hè, Sturrock bị sa thải vì thua cả 2 trận đấu đầu mùa giải 2004/2005.

Sau đây là danh sách những HLV tại vị ngắn nhất lịch sử bóng đá thế giới:

1.Leroy Rosenior, Torquay (10 phút)

Rosenior được bổ nhiệm chỉ 10 phút trước khi CLB hạng ba Torquay United đổi chủ. Có lẽ chính vì kỉ lục này, với một vố quá đau nên HLV Rosenior cũng từ giã nghiệp HLV ngay sau đó.

2.Dave Bassett, Crystal Palace (4 ngày, 1984)

Bassett chỉ tại vị 4 ngày trước khi ra đi, nhưng điều đáng nói là năm 1996 ông lại trở lại Crystal Palace và dẫn dắt CLB này tới… 1 năm 19 ngày.

3.Kevin Cullis, Swansea (7 ngày, 1996)

Khi đó Swansea đang chơi ở hạng ba. Sau 2 trận thua, Cullis bị sa thải. Đáng nói là Cullis từng hai lần vào tù năm 2003 và 2004 vì tội lừa đảo, sử dụng bằng cấp giả.

4.Martin Ling, Cambridge (9 ngày, năm 2009)

Vì mâu thuẫn với Chủ tịch Gary Rolls, Ling ông ra đi sau chỉ 9 ngày tại vị.

Lê Giang
.
.
.