Nghịch lý trong thị trường nhạc số

Chủ Nhật, 03/05/2020, 11:51
Hát không rõ lời, chất lượng nghệ thuật của sản phẩm được giới chuyên môn  đánh giá là quá tệ, nhưng vẫn cán mốc triệu view, chục triệu view, thậm chí trăm triệu view. Trong khi đó nhiều sản phẩm đầu tư tốt, chất lượng ổn lại thất bại trên đường tìm kiếm người xem trên các nền tảng số.


Đây là một nghịch lý đang hiển hiện rõ ràng trong đời sống nhạc Việt thời công nghệ. Đến nỗi nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất phải thốt lên, không hiểu thị hiếu của khán giả hiện nay như thế nào. Việc đưa các sản phẩm âm nhạc trên nền tảng số trở nên dè dặt trong quyết định của nhiều nghệ sĩ, vì nó quá hên xui.

Ngạc nhiên vì những MV triệu view

Sơn Tùng M-TP thì đã quá nổi tiếng với những MV triệu view. Gây sốt trong khán giả bằng những MV được đầu tư khủng, hình ảnh đẹp, địa điểm quay hoành tráng nhưng Sơn Tùng thường bị giới chuyên môn than phiền về việc hát không rõ lời. Điểm lại các MV nổi tiếng của Sơn Tùng như “Lạc trôi”, “Chạy ngay đi”, “Hãy trao cho anh”, có khán giả nghe nhiều lần vẫn không hiểu rõ lời bài hát.

Ca sĩ Osad nổi tiếng trên mạng với MV “Người âm phủ”.

Có bình luận hóm hỉnh cho rằng Sơn Tùng nên có phụ đề để tiện cho khán giả theo dõi phần lời của MV ca nhạc. Mặc dù vậy, MV của Sơn Tùng vẫn ngất ngưởng lượng view. “Lạc trôi” lập kỷ lục với hơn 100 triệu lượt view sau 60 ngày phát hành.  “Chạy ngay đi” chỉ 1 ngày đã có tới 22 triệu lượt view, “Hãy trao cho anh”  đạt xấp xỉ 26 triệu lượt view trong ngày đầu phát hành. Những con số thể hiện mức độ người nghe hâm mộ giọng hát này cao chưa từng thấy.

Nhưng với một số nhà chuyên môn, ngoại trừ những ưu điểm về mức đầu tư để làm MV, độ “chịu chơi” của ca sĩ trẻ, thì phần hát của Sơn Tùng không thuyết phục. Đạo diễn Minh Hiếu từng thẳng thắn nhận xét về MV “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng: “Lời bài hát không rõ, chỉ thấy ca sĩ uốn éo, mấp máy môi trong MV chứ không nghe lời là gì, nói về chủ đề nào.

MV của nghệ sĩ Việt Nam mà phải dịch thì buồn cười, phi âm nhạc lắm”. Hát nhanh, như chỉ để đuổi theo giai điệu, mà quên việc nhả chữ cho rõ lời để khán giả hiểu được nội dung bài hát, nhưng kỳ lạ thay, số lượng view của các MV vẫn tăng không ngừng. Khi được hỏi về vấn đề hát không rõ lời, Sơn Tùng chỉ giải thích đơn giản, anh… thích khán giả phải nghe nhiều lần mới hiểu hết ý và lời trong bài hát.

Bích Phương bị chê hát không rõ lời trong MV triệu view “Bùa yêu”.

Không chỉ có Sơn Tùng, Bích Phương cũng là ca sĩ thường xuyên hát không rõ lời. MV triệu view “Bùa yêu” của cô ngoài giai điệu dễ nghe còn phần lời nếu chỉ nghe một lần, sẽ rất khó để hiểu cô hát gì.

Những MV dù đạt nhiều triệu view của nhạc Việt nhưng không có mấy cảm tình với giới chuyên môn kể ra thì rất nhiều. Chẳng hạn câu chuyện về bộ đôi hai cái tên đình đám Jack và K-ICM. Cặp đôi này đã tạo ra một số MV triệu view trong thời gian qua, như “Em gì ơi” đạt 100 triệu view trong 31 ngày, “Bạc phận” trước đó là 300 triệu view, còn “Sóng gió” mới phát hành cũng nhanh chóng đạt mốc 300 triệu view.

Một số MV “thần tốc” đạt triệu view một thời gian ngắn sau phát hành còn là: “Mình cưới nhau đi” của Pjnboys và Huỳnh James, "Anh thanh niên" của Huy R,  "Đừng quên tên anh" của Hoa Vinh. Nam ca sĩ Lê Bảo Bình với sản phẩm “Thích thì đến” cũng nhanh chóng lọt top triệu view sau 24h đầu tiên phát hành. Thậm chí những ca sĩ hát lại (cover) những bản nhạc ăn khách trước đó như Hương Ly, Linh Ka cũng nhanh chóng trở thành nghệ sĩ triệu view.

Một cái tên rất nổi gần đây là Osad, nghệ danh của 1 sinh viên trường Đại học Bách khoa Mai Quang Nam. Với ca khúc “Người âm phủ”, Osad trở thành hiện tượng trên thế giới nhạc số. Chỉ trong một thời gian ngắn, "Người âm phủ" trở thành ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng trên trang nghe nhạc trực tuyến Zingmp3. Trên Youtube, ca khúc này cũng đã thu hút gần 20 triệu lượt xem. Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra thất vọng khi nghe “Người âm phủ”, thậm chí còn gọi đó là thảm họa âm nhạc.

Một ca khúc nhạc rap, với phần lời rất nông cạn, như kiểu ngôn ngữ “thả thính” của giới trẻ hiện nay. Phần nhạc cũng vô cùng tệ, chỉ đều đều và không có điệp khúc cũng chẳng có cao trào thường thấy trong các bài hát. Bản thân Osad cũng bất ngờ về số lượng người yêu thích bài hát “Người âm phủ” lại lớn đến vậy. Anh chàng này thậm chí còn không biết nhạc lý khi sáng tác ca khúc, đơn giản là tìm beat nhạc trên mạng nghe và viết phần lời theo sau đó nhờ người phối khí thành bài hát và tung lên các trang nhạc số.

Một ca khúc khác cũng được xem là rất tệ, có tên "Ngắm hoa lệ rơi". MV do ca sĩ Châu Khải Phong thể hiện đã đạt mốc 50 triệu lượt người xem trên Youtube. Dù đạt lượng view khủng nhưng người nghe nhanh chóng nhận ra giai điệu của bài hát mang âm hưởng âm nhạc Trung Quốc, phần lời cũng không có gì sáng tạo.

Những dấu hỏi về thị hiếu khán giả

Từ thực tế nhiều ca khúc có nội dung dở vẫn có khả năng cán mốc nhiều triệu view, câu hỏi đặt ra là, phải chăng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả trẻ hiện nay đang có vấn đề?

Ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong MV “Hãy trao cho anh” bị chê hát không rõ lời.

Theo thống kê, đại đa số người nghe nhạc trên các nền tảng số là lứa tuổi từ 14 đến 35. Họ chính là những người quyết định lượng view của các MV ca nhạc, đưa tên tuổi các nghệ sĩ trẻ lên các bảng xếp hạng. Và việc có quá nhiều bạn trẻ yêu thích một cách cuồng nhiệt những ca khúc không mang giá trị nghệ thuật lại đặt ra rất nhiều vấn đề đáng phải suy ngẫm. Có thể dễ dàng điểm danh những ca khúc có phần lời nhảm, nhạt nhẽo đến mức thảm hại trên mạng.

Những ngôn ngữ đời thường, cửa miệng hàng ngày của giới trẻ, kiểu như “yêu anh em không đòi quà”, “anh là soái ca”, “quan trọng là thần thái” “em đẹp em có quyền”, “đẹp trai thì mới nhiều đứa yêu”… cũng có thể trở thành đề tài để các nghệ sĩ trẻ sáng tác ca khúc. Từng có ý kiến cho rằng, giới trẻ hôm nay nghe nhạc chỉ như một cách giải trí đơn thuần. Họ không cần quan tâm đến giá trị nghệ thuật của ca khúc, chỉ cần giai điệu dễ nghe, phần lời thì đánh trúng tâm lý hay những vấn đề mà họ quan tâm là được.

Nắm bắt được tâm lý này của khán giả, một số nghệ sỹ trẻ đã cố tìm cách nổi tiếng bằng cách tạo ra những sản phẩm chỉ đánh vào sự tò mò của người nghe, thậm chí sẵn sàng hứng chịu chỉ trích, ném đá để sản phẩm được quan tâm hơn, tăng lượng view. Họ thực sự chỉ cần view, mà không cần cái gọi là giá trị nghệ thuật. Đến việc tưởng như đơn giản nhất, bắt buộc nhất với một người ca sĩ là hát sao cho rõ phần lời để khán giả có thể hiểu được nội dung bài hát họ cũng không cần quan tâm.

Jack và K-ICM trong MV “Em gì ơi” không được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật.

Nhìn vào các bảng xếp hạng âm nhạc trên các kênh nhạc số, không ít nghệ sĩ được đánh giá là thành danh, nghiêm túc trong nền âm nhạc Việt phải lắc đầu, ngán ngẩm. Thực tế có những nghệ sĩ đã bỏ công sức, tiền của, tài năng làm MV, nhưng phải chịu số phận ngậm ngùi xếp sau những sản phẩm bị xem là thứ cấp, không được giới chuyên môn đánh giá cao về nghệ thuật.

Ca sĩ-nhạc sĩ Phương Uyên, một nhà sản xuất vẫn theo sát thị trường âm nhạc, cũng phải thốt lên rằng chị quá ngạc nhiên với chất lượng nhiều bản MV triệu view hiện nay, thật không thể hiểu được tại sao khán giả Việt đang nghe những MV như vậy. Nhiều ca sĩ tên tuổi trong nhạc Việt cũng đang “thất thủ” trong cuộc chơi nhạc số, họ gần như không thu được lợi nhuận từ các sản phẩm nhạc số, vẫn phải quay về với đĩa than, CD hay VCD. Tuy nhiên, khán giả nghe nhạc dưới các hình thức này hiện nay rất chọn lọc.

Việc nghe nhạc theo trào lưu của giới trẻ không có gì lạ, nhưng nhìn vào các bảng xếp hạng ta cũng có thể thấy được trình độ thưởng thức âm nhạc của khán giả Việt đang ở mức độ nào. Khi những ca khúc kém chất lượng ngang nhiên đứng đầu các bảng xếp hạng, dù là xếp hạng âm nhạc trực tuyến, thì ít nhiều cũng gây ra những xáo trộn trong đời sống âm nhạc nói chung. Nhiều nghệ sĩ trẻ sẽ lựa chọn chạy theo chiều lòng khán giả thay vì học hỏi, làm nghề cho nghiêm túc. Điều này rất nguy hại cho sự phát triển bền vững của cả nền âm nhạc. Trong khi đó, các nghệ sĩ nghiêm túc sẽ thấy nản lòng với công việc của mình.

Tất nhiên những gì không phải là giá trị sẽ qua đi cùng với thời gian. Nhưng điều cần nói ở đây là phải làm sao xây dựng một lớp khán giả trẻ với thị hiếu âm nhạc lành mạnh, vì họ chính là những người sẽ lựa chọn nghe, xem gì trên các nền tảng số. Để làm được điều này, việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trong nhà trường cần phải được chú trọng hơn. Cùng với đó là truyền thông phải minh bạch, không nên cổ xúy cho những sản phẩm không được đánh giá tốt về nghệ thuật.

Bảo Bình
.
.
.