Nghệ sĩ bỏ việc và câu chuyện đãi ngộ người tài

Thứ Năm, 26/11/2015, 20:00
12 nghệ sĩ xiếc trong nhóm xiếc "Làng tôi", thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam vừa nộp đơn xin thôi việc vì lý do sức khỏe và thu nhập không đủ sống, thêm một lần dấy lên câu chuyện đào tạo, giữ chân người tài trong các đơn vị nghệ thuật nhà nước. Đồng lương eo hẹp, thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn là những nguyên nhân dẫn đến việc "chảy máu nhân lực" trong các đơn vị nghệ thuật có sự quản lý của nhà nước, vốn đã èo uột nay càng trở nên èo uột hơn.

Nhà nước đào tạo, tư nhân "hớt tay trên"

Theo thông tin bên lề, việc 12 nghệ sĩ xiếc tài năng, tuổi còn trẻ, là những "ngôi sao" của ngành xiếc Việt Nam đồng loạt gửi đơn lên lãnh đạo xin thôi việc với lý do sức khỏe không cho phép chỉ là cách nói. Thực chất họ nghỉ việc cơ quan nhà nước để đầu quân cho một đơn vị nghệ thuật tư nhân, ở đó họ được cam kết về một mức lương cao hơn, thu nhập ổn định hơn.

Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam Phạm Xuân Quang thẳng thắn thừa nhận, dù cho các nghệ sĩ nộp đơn bỏ đoàn ra đi để tới làm việc cho một đơn vị nghệ thuật khác thì cũng khó mà trách họ được. Đi hay ở là nhu cầu tự thân của từng nghệ sĩ. Họ không cảm thấy gắn bó với Liên đoàn nữa thì đó là một nỗi buồn và ai cũng có thể hiểu. Đồng lương thấp, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, làm sao bắt họ yêu nghề, toàn tâm toàn ý với công việc được.

Vở diễn xiếc “Làng tôi” từng được giải thưởng trong Liên hoan xiếc quốc tế và được khán giả yêu thích.

Đồng cảm với câu chuyện này, nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác như sân khấu, điện ảnh cũng lên tiếng. Rằng, trong điều kiện hiện nay, khi các nhu cầu của cuộc sống đã tăng cao, mà đồng lương nghệ sĩ vẫn "chết đói" như nhiều năm trở về trước thì việc người tài bỏ đơn vị ra đi tìm nơi khác để lập thân lập nghiệp chỉ là câu chuyện sớm hay muộn. Trong thực tế, nhiều đoàn kịch nhà nước từ Bắc tới Nam đã phải chấp nhận chuyện này từ lâu. Những nghệ sĩ trẻ có tài, sau khi học xong trong các trường nghệ thuật về đơn vị đầu quân, được các thế hệ đi trước rèn luyện, trao vai cho để khẳng định tài năng tên tuổi. Nhưng thường khi đã trở thành một thương hiệu, được công chúng chú ý, họ "dứt áo" ra đi. Không hẳn là họ tệ bạc, vô tình hay không có trước có sau. Cũng không hẳn là lãnh đạo đơn vị không trân trọng tài năng của họ. Lý do đơn giản chỉ là thu nhập của người nghệ sĩ trong đơn vị nhà nước thấp quá.

Một năm dựng vài ba vở diễn, lại thỉnh thoảng mới diễn. Mỗi suất diễn thù lao của một vai chính cũng chỉ được bồi dưỡng vài ba trăm ngàn. Với thu nhập đó, họ không đủ để tự nuôi sống mình và gia đình. Trong khi nghề diễn có rất nhiều nhu cầu từ thanh sắc cho đến chi phí học hành nâng cao trình độ nghề nghiệp. 

Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, dù là đơn vị luôn luôn chiêu mộ, thậm chí "chiều chuộng" người tài, luôn tìm mọi cách để nâng cao thu nhập cho nghệ sĩ nhưng Nhà hát cũng từng phải nhiều lần "ngậm ngùi" chia tay nghệ sĩ. Họ xin thôi việc để làm tự do hoặc đầu quân vào các đơn vị nghệ thuật tư nhân khác mà họ thỏa thuận được mức lương tốt hơn.

Thực tế sôi động của thị trường biểu diễn, với việc nhà nước cho phép nghệ thuật được "tư nhân hóa", không ít đơn vị tư nhân khôn ngoan chỉ việc ngồi chờ sung rụng. Nghĩa là họ chẳng cần phải mất công phát hiện hay đào tạo các tài năng. Họ cứ để cho các đơn vị nghệ thuật nhà nước làm việc đó. Rồi khi các tài năng đã chín muồi, trở thành những tên tuổi ăn khách, họ tìm cách tiếp cận, "chiêu dụ" bằng những điều khoản hậu hĩnh về thu nhập trong hợp đồng. Bằng cách đó, họ "hớt tay trên" những tài năng của các đoàn nghệ thuật Nhà nước mà không phải chịu áp lực gì.

Câu chuyện 12 nghệ sĩ của Liên đoàn xiếc xin thôi việc là một ví dụ điển hình. Trong ngành xiếc, ai cũng biết, để đào tạo ra một nghệ sĩ giỏi, chuyên nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Các nghệ sĩ được tuyển mộ vào đoàn khi còn rất nhỏ. Liên đoàn phải mất 5 năm, 10 năm để có thể đào tạo hết các kỹ năng từ dễ đến khó cho nghệ sĩ, để họ có thể thành thục biểu diễn trên sân khấu trước khán giả hay ra nước ngoài để thi thố.

Mặc dù kỳ công như vậy, nhưng cuối cùng Liên đoàn lại không thể giữ các nghệ sĩ ở lại cống hiến tài năng và tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp chung của đơn vị, quả là điều vô cùng đáng tiếc.

Lỗ hổng trong tuyển dụng nhân sự và giải pháp tăng thu nhập

Còn nhớ trong một cuộc hội thảo về các chính sách đặc thù dành cho nghệ sĩ cách đây vài năm, NSND Lê Khanh nêu một điều khoản không còn phù hợp với thực tế, là theo chế độ tiền lương hiện hành của nhà nước dành cho các nghệ sĩ thì phải mất đến 70 năm, các nghệ sĩ mới lên được bậc lương cao nhất theo quy định. Cụ thể diễn viên có trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học cùng được "nhốt" chung một giỏ: hạng 3.

Biên chế của Nhà hát kịch Hà Nội, nhưng diễn viên Trung Hiếu thường phải chạy sô đóng phim để tăng thu nhập.

Theo quy định thì hạng 3 có 12 bậc, hạng 2 có 8 bậc và hạng 1 có 6 bậc. Nếu cứ 2 năm rưỡi đến 3 năm mới được lên bậc lương thì diễn viên phải mất hơn 70 năm mới đến được bậc lương cao nhất. Ngay cả khi nghệ sĩ đã đạt các danh hiệu NSND, NSƯT thì ngoài mức trợ cấp nhỏ kèm danh hiệu hàng tháng, họ vẫn hưởng chế độ lương "lẹt đẹt" theo hạng của mình, không có một sự ưu tiên ưu đãi nào đặc biệt. Dù cho tình hình tiền lương có cải cách theo chế độ chung của nhà nước dành cho công nhân viên chức nhà nước, thì thực sự mà nói, ở một ngành đặc thù như nghệ thuật, nó vẫn chỉ là ví dụ so với nhu cầu chi phí nghề nghiệp của một nghệ sĩ.

Một diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ đã chuyển ra làm tự do chia sẻ: "Với thu nhập hơn 3 triệu đồng một tháng, nghệ sĩ có thể xoay xở cuộc sống thế nào. Là nghệ sĩ chúng tôi không được quyền xấu. Phải chi phí cho áo quần, son phấn, làm đẹp. Chúng tôi phải quay cuồng chạy sô, đóng phim truyền hình hay clip ca nhạc để kiếm thêm. Không dám trách Nhà nước khi mà các ngành nghề khác cũng không hơn gì về tiền lương, nhưng Nhà nước cũng đừng trách chúng tôi khi chúng tôi phải tạm biệt Nhà nước để đến với các ông bà chủ tư nhân. Vì thu nhập chúng tôi được cải thiện hơn".

Ca sĩ Phương Anh, hiện là thiếu tá quân đội, thuộc biên chế của Đoàn Nghệ thuật Hải quân cho biết, nhiều lần cô muốn từ biệt đoàn để làm một ca sĩ tự do. Lương quân đội ổn định, nhưng so với nhu cầu của nghệ sĩ thì thực ra vẫn không đủ. Rất may là lãnh đạo đoàn của cô thấu hiểu được điều đó. Để giữ chân nữ ca sĩ, lãnh đạo Đoàn cho phép cô được đi biểu diễn ở các sân khấu bên ngoài thoải mái. Cô cũng không bị bắt buộc phải thường xuyên đến đoàn. Chỉ yêu cầu khi có những chương trình quan trọng thì cô buộc phải có mặt để tập luyện và biểu diễn. Chính vì thế Phương Anh cho hay cô không cảm thấy mất tự do và được phát triển sự nghiệp theo cách của mình, cũng không có ý định rời bỏ đoàn Hải quân.

Tạo điều kiện về thời gian cho nghệ sĩ làm nghề và tăng thu nhập cho họ là cách mà nhiều lãnh đạo nghệ thuật ở đơn vị Nhà nước sáng suốt áp dụng với những nghệ sĩ có tài. Họ hiểu rằng, sức hấp dẫn của một vở diễn, một tiết mục biểu diễn là phải có nghệ sĩ ngôi sao. Việc giữ người tài đang phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức của từng người lãnh đạo đơn vị. Nhưng đấy chỉ là giải pháp tình thế. 

Về lâu dài cần có một một giải pháp mang tính đồng bộ về tiền lương do Nhà nước quy định, với những ngành nghề mang tính đặc thù. Chẳng hạn như các nghệ sĩ giỏi khi được tuyển lựa vào đơn vị nghệ thuật của nhà nước sẽ được hưởng những chế độ ưu đãi về tiền lương cũng như nhiều điều kiện phát triển nghề nghiệp khác. Đó phải là mức lương phù hợp với thực tế làm nghề của họ trong thời buổi hiện tại. Cùng với đó là những ràng buộc chắc chắn trong hợp đồng lao động, ví dụ như cam kết sẽ phục vụ lâu dài trong đơn vị, tránh việc đứng núi này trông núi nọ.

Yêu nghề nhưng đồng lương thấp là lý do nhiều nghệ sĩ không còn gắn bó với nghề. Trong ảnh là một cảnh trong vở diễn “Ai là thủ phạm” của Nhà hát kịch Tuổi trẻ.

Có một sự thật là ở không ít lĩnh vực, nhà nước bỏ chi phí đào tạo nghệ sĩ và không có điều khoản nào bắt buộc, đến khi nghệ sĩ hành nghề tốt, họ lại tự nguyện đến với các đơn vị tư nhân vì lý do duy nhất là thu nhập cao hơn. Thiết nghĩ lỗ hổng đó trong tuyển dụng nhân sự vào các đơn vị nghệ thuật nhà nước rất cần được các nhà làm chính sách nhìn nhận, để có các giải pháp phù hợp tránh việc "chảy máu nhân tài" như hiện nay.

Ngẫm cho cùng, ngay cả khi làm tốt công tác đào tạo mà chế độ tiền lương lại bỏ ngỏ, không quan tâm thì rất khó để quản lý người giỏi. Tiền lương xứng đáng là cách tốt nhất để họ tự nguyện gắn bó với đơn vị nghệ thuật, cống hiến hết mình cho công chúng.

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.