Nghe chim Hoàng Anh hót

Thứ Hai, 27/07/2015, 07:07
Sau khi CLB Hoàng Anh Gia Lai trải qua chuỗi 11 trận liền không thắng, và rơi sâu vào một cuộc khủng hoảng thì người ta bỗng nghe thấy rất nhiều tiếng hót lạ vang lên từ phía... Hoàng Anh. Những tiếng hót mà nói với cái cảm giác về "một chú chim Hoàng Anh" trong trẻo, tuyệt đẹp trước đó dường như đã phôi pha đi ít nhiều.
Trọng tài: Kêu ca không thuyết phục

Đầu tiên là "tiếng hót" của cặp bài Nguyễn Tấn Anh (trưởng đoàn) và Guillaume Graechen (HLV trưởng) về... vấn đề trọng tài. Chứng kiến cảnh trọng tài công nhận bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của Hoàng Đình Tùng (Thanh Hoá) trong trận Hoàng Anh Gia Lai - Thanh Hoá ở vòng 15 V.League, ông Tấn Anh lập tức nhảy bổ từ cabin huấn luyện về phía trọng tài để... nổi cơn.

Ông tố việc Đình Tùng đã để tay chạm bóng trước khi ghi bàn, rồi tố việc trọng tài biên đã không có những phối hợp ăn ý với trọng tài chính. Trong phòng họp báo sau trận đấu, lại đến lượt HLV Graechen đẩy vấn đề đi cao hơn, theo hướng: "Dường như trọng tài đang thổi ép chúng tôi", và "dường như mỗi trận đấu, chúng tôi luôn phải chống lại 12, 13 đối tượng".

Thực tế thì không riêng gì quan chức, và HLV trưởng Hoàng Anh Gia Lai, mà ngay cả một bộ phận báo giới gần gũi với Hoàng Anh Gia Lai cũng "đồng thanh tương ướng đồng khí tương cầu" trong việc tố cáo các ông vua sân cỏ. Nhưng nếu bình tĩnh, khách quan suy xét sẽ thấy trong tất cả những tố cáo này, đặc biệt là pha bóng liên quan đến bàn thắng quyết định của Đình Tùng, trọng tài đều không sai.

Cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đã đánh mất mình sau chuỗi trận không như ý. (Ảnh H.M).

Đấy là một pha bóng mà ngay cả khi sử dụng công nghệ quay chậm của truyền hình thì người ta cũng thật khó xác định xem bóng đã chạm tay Đình Tùng hay chưa, còn nói như một trưởng lão trong hàng ngũ trọng tài Việt Nam là ông Đoàn Phú Tấn thì: "Tình huống ấy, Đình Tùng đã ngã xuống, dùng tay chống đất, nên ngay cả khi bóng chạm tay cậu ấy thì đấy cũng không phải lỗi cố tình dùng tay chơi bóng, nên không thể thổi phạt".

Trò chuyện với người viết, Trưởng ban Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi đặt ra cả một loạt câu hỏi: Có phải đổ tại cho trọng tài chính là cách để người ta giải toả áp lực sau một chuỗi trận đấu không như ý mình? Và có phải đấy chính là cách đổ tại dễ dàng nhất trong bối cảnh mà lực lượng của mình nhìn đâu cũng yếu?

Thật khó tin nếu cho rằng các trọng tài tìm cách thổi ép một đội bóng với những cầu thủ U.19+ được cả làng cả nước soi kỹ và xem như hiện tượng của làng bóng nước nhà. Cũng thật khó tin nếu cho rằng các trọng tài chủ động bắt ép một đội bóng của một ông chủ có tiếng nói mạnh mẽ, giàu sức tác động trong làng bóng Việt.

Đánh hội đồng: Chỉ là tưởng tượng

Sau khi ông trưởng đoàn và ông HLV trưởng Hoàng Anh Gia Lai liên tục nhắm đến vấn đề trọng tài thì đến lượt ông bầu Đoàn Nguyên Đức đăng đàn. Ông bảo thời gian vừa rồi mình bận công việc kinh doanh nên không thể theo sát các cầu thủ, và đấy là một thiệt thòi cho họ.

Không hiểu hai chữ "thiệt thòi" mà bầu Đức đề cập nhắm tới ý gì, nó là sự thiệt thòi của những cầu thủ phải chơi bóng mà thiếu sự quan tâm trực diện, sát sao của một ông chủ, hay là sự thiệt thòi của một đội bóng luôn bị những sức ép và những tác động tiêu cực khi ông chủ của mình vắng mặt trên khán đài?

Ở vế thứ nhất có thể nói ngay rằng xưa nay cứ hễ bầu Đức xuất hiện là lứa U.19 lại rơi vào trạng thái... cóng chân. Vì cái bóng của ông lớn quá mà ngoại trừ một giải mang tính giao hữu như giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2014, ở tất cả các giải đấu còn lại, cứ hễ ông xuất hiên là ĐT U.19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG lại thua đáng tiếc. Còn ở vế thứ hai, nếu cho rằng vì không có ông Đức trên khán đài mà các trọng tài thổi ép Hoàng Anh Gia Lai thì như đã phân tích ở trên, đấy là một suy luận không thuyết phục.

Sau khi nói tới sự thiếu vắng mình khiến "các cầu thủ thiệt thòi", ông Đức còn nói tới chuyện có thể đội bóng của ông đang bị... đánh hội đồng. Lý lẽ của ông là: Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... được báo chí ca ngợi nhiều quá nên họ trở thành "đối tượng chính" của phần lớn các đội bóng còn lại. Trước khi bàn đến sự đúng - sai trong nhận định của bầu Đức, cần phải giải mã rành rọt một câu hỏi: Tại sao một bộ phận báo giới lại ca ngợi cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai quá đà?

Nó đơn thuần xuất phát từ ý đồ của báo giới hay được chính những người trong cuộc bật đèn xanh? Nên nhớ rằng báo giới không thể tự chắp cánh cho mình để bay vào phòng ngủ, phòng bếp, phòng họp chiến thuật của các cầu thủ. Báo giới cũng không giàu có và chơi sang đến độ có thể tự mình bám sát, thậm chí là bám từng li từng tí những chuyến xuất ngoại của các cầu thủ, từ châu Á đến châu Âu. Vậy nên đổ tất cả lỗi lầm cho báo giới xem ra không thật khách quan.

Giờ nói tới chuyện "hội đồng", có thật là đội bóng của bầu Đức bị đánh hội đồng hay không? Theo chúng tôi, vì năm nay lứa U.19+ Hoàng Anh là một hiện tượng, và một cách có chủ đích, cái hiện tượng ấy không ngừng được tô hồng trên một bộ phận truyền thông nên cái tâm lý muốn đánh bại Hoàng Anh Gia Lai  là có thật.

Bầu Đức (phải) cho rằng Hoàng Anh Gia Lai bị đánh hội đồng, nhưng... (Ảnh H.M)

Thêm một khía cạnh khác, đầu mùa giải năm nay bầu Đức từng nói về việc mình  chỉ cần khoảng 10 đến 15 tỷ đồng để trả lương, nuôi đội bóng trong một mùa giải, và cho biết các đội bóng khác cũng chỉ nên tiêu một lượng kinh phí tương tự. Thì đúng là ông chỉ cần chừng ấy tiền để trả lương cho những Công Phượng, Tuấn Anh... nhưng vấn đề là để có được ngày hôm nay ông đã mất một lượng tiền khổng lồ nuôi dưỡng các cầu thủ này trong vòng 7 năm trước đó. Rõ ràng là khi đưa ra con số từ 10 đến 15 tỷ đồng, ông đơn thuần chỉ tính số tiền "trên ngọn" mà bỏ đi số tiền "dưới gốc".

Thế nhưng nhiều lãnh đạo tỉnh, địa phương lại không quan tâm đến chuyện "ngọn" và "gốc", họ đơn giản chỉ nghe bầu Đức nói rồi hoạch họe lại những người làm bóng đá ở địa phương mình theo kiểu: Tại sao Hoàng Anh Gia Lai  chỉ mất 15 tỷ đồng mà chúng ta lại mất tới 20, 30, thậm chí 40 tỷ đồng?

Đã có rất nhiều đội bóng gặp khó, thậm chí là gặp nạn vì câu hỏi này, và đấy cũng lại là một nguyên nhân sâu xa khác khiến nhiều đội bóng mang tâm lý muốn đánh bại Hoàng Anh Gia Lai khi đối đầu với đội này. Nhưng mọi thứ chỉ nằm ở mức độ ấy chứ chưa phát tác cao trào tới độ Hoàng Anh Gia Lai là đối tượng để cả làng quây lại đánh hội đồng. Nói như chuyên gia bóng đá, cựu cầu thủ Vũ Mạnh Hải thì: "Có lẽ chuyện hội đồng chỉ là chuyện mà ai đó, vì một lý do nào đó mà tưởng tượng ra...". 

Ba tuyệt lộ trong mùa giải

Ở bối cảnh mà những cầu thủ được kỳ vọng của Hoàng Anh Gia Lai đang rơi tự do và đối diện với nguy cơ xuống hạng thì tất cả những phàn nàn, kêu ca trên đây kể ra cũng cần nhận được sự thông cảm. Nhưng sau một thoáng thông cảm, cũng phải nhìn thẳng vào bản chất để thấy được ba tuyệt lộ của đội bóng này.

Một, họ đã vội vàng thanh lý  hơn 20 cầu thủ giàu kinh nghiệm để đôn cả một lứa trẻ lên chơi V.League. Và theo đánh giá của tất cả các chuyên gia bóng đá thì đấy là một việc lợi bất cập hại, vì các cầu thủ mới chỉ đi qua tuổi 19 chưa đủ độ quái và sự trải nghiệm để đấu lại những đối thủ thuộc diện đàn anh, thậm chí đàn chú của mình.

Hai, họ cũng bất nhất và sai lầm liên tiếp trong kế hoạch sử dụng cầu thủ ngoại. Thoạt tiên, bầu Đức khăng khăng việc không sử dụng cầu thủ ngoại, và phải đến sát sạt thời điểm bóng lăn, trước sự thuyết phục mạnh mẽ của HLV Graechen ông mới gật đầu đồng ý. Nhưng lúc đó thì đã quá muộn, những ngoại binh được tuyển chọn vội vàng đã bị thanh lý chỉ sau 1,2 trận đấu. Những ngoại binh sau này có chất lượng khá hơn, nhưng đấy vẫn chưa phải là chỗ dựa hiệu quả và đủ tin cậy cho những cầu thủ trẻ.

Ba, từng biến động nhỏ của các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đều có sự nhập cuộc nhanh chóng của một bộ phận truyền thông. Chẳng hạn trước trận đấu đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai với Khánh Hoà, một bộ phận truyền thông nói nhiều tới việc trọng tài cần phải bắt nghiêm những pha đá ẩu, đá xấu, khiến HLV trưởng Khánh Hoà phải đặt ra câu hỏi: "Người ta cứ làm như thế chỉ một mình Hoàng Anh Gia Lai biết đá đẹp, còn chúng tôi cứ vào cuộc là đi... chém chân người khác?".

Rồi mới đây, sau trận Hoàng Anh thua Thanh Hoá 1-2, khi ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho rằng trước khi ghi bàn, cầu thủ Đình Tùng của Thanh Hoá đã để bóng chạm tay thì một bộ phận truyền thông cũng cố tìm tòi, chứng minh việc... bóng đã chạm tay, khiến những người hiểu chuyện và hiểu cuộc không tránh khỏi cảm giác khó chịu. Ở đời, cái gì cũng có tính hai mặt của nó, và trong trường hợp này, có vẻ như mặt thứ hai đã tạo ra những tác động khôn lường, vượt ngoài tính toán.

Tóm lại, cho đến thời điểm này không thể nói chuỗi thành tích bết bát của Hoàng Anh Gia Lai là do trọng tài thổi ép hay do bị cả làng quây lại đánh hội đồng, điều duy nhất có thể nói là đội bóng này đã vội vã và phải trả giá trong việc đôn cả một lứa trẻ lên đấu với những đối thủ cao cơ và quái cơ hơn mình. Khái niệm "sai" ở đây cũng rất tương đối và phiến diện, vì nếu bầu Đức vẫn cố nói đại loại: "Tôi không hối tiếc" hay: "Xuống hạng cũng không sao" thì thôi, xin miễn bàn về mọi điều sai - đúng!

Đã giải vía, nhưng...

Vòng 17 V.League cuối tuần qua, Hoàng Anh Gia Lai đã có trận thắng giải vía trước đương kim vô địch Bình Dương trên sân Pleiku. Đấy là trận đấu mà ông Graechen tạo ra hàng loạt thay đổi nhân sự khi để những chủ lực binh như Tuấn Anh, Công Phượng trên ghế dự bị, tung nhiều cầu thủ dự bị vào sân, và đặc biệt nhất là việc đẩy trung vệ ngoại Franklin lên đá tiền vệ, giúp tuyến giữa giàu tính cạnh tranh hơn. Với chiến thắng giải vía này, Hoàng Anh Gia Lai đã nhích lên vị trí thứ 12 với 13 điểm, nhưng vẫn chỉ hơn đội cuối bảng Đồng Nai 3 điểm, trong khi hai đội còn một cuộc đối đầu trực tiếp. Sau chiến thắng này khả năng trụ hạng của Hoàng Anh Gia Lai vì thế vẫn không dễ dàng.

Phan Đăng
.
.
.