Cơn điên của những gã trọc phú

Thứ Ba, 08/09/2015, 08:12
Năm 1999, khi Christian Vieri chuyển từ Lazio đến Inter Milan với mức phí 32 triệu Bảng, Giáo hoàng Jean Paul II đã thốt lên rằng, đó là một sự phỉ báng đối với người nghèo. Nếu còn sống, không hiểu vị Giáo hoàng này sẽ nói gì về những điều điên rồ đang diễn ra trong thế giới túc cầu…

Hôm 30/8, tức là chỉ 2 ngày trước khi thị trường chuyển nhượng mùa hè năm nay đóng lại, Manchester City đã hoàn tất việc chiêu mộ Kevin De Bruyne từ Wolfsburg với mức giá 55 triệu bảng. Xin nhắc lại là 55 triệu bảng, tức là gấp hơn 1 lần rưỡi (chính xác là 1,7 lần) những gì mà Giáo hoàng gọi là sự-phỉ-báng-đối-với-người-nghèo.

Ấy vậy mà, con số ấy chỉ giúp tiền vệ người Bỉ tạm thời nắm giữ danh hiệu cầu thủ đắt giá nhất kì chuyển nhượng của mùa giải 2015/2016 này. Còn trong bảng danh vị những cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử thì Kevin De Bruyne mới chỉ xếp thứ 6. Trong khi đó, giá trị vụ chuyển nhượng của Christian Vieri - từng một thời là thương vụ đắt giá nhất hành tinh hiện đã bị đẩy ra khỏi Top 30.

Chi tiết này cho thấy giá trị cầu thủ đã tăng phi mã, chóng mặt như thế nào. Sau chưa đầy 2 thập kỷ, giá trị của cầu thủ nắm giữ kỷ lục chuyển nhượng thế giới đã tăng tới gần 3 lần (từ 32 triệu bảng của Vieri năm 1999 lên hơn 85 triệu bảng của Gareth Balte năm 2013). Bạn có thể tưởng tượng được con số 85 triệu bảng lớn đến thế nào không? Chắc chắn phần đông trong số chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới số tiền khổng lồ ấy, để mà biết nó ghê gớm như thế nào.

Kevin De Bruyne trở thành cầu thủ đắt giá nhất kì chuyển nhượng mùa hè 2015-2016.

Bởi vậy, khi Ronaldo cập bến Bernabeu năm 2009 với giá trị 80 triệu bảng, báo chí nước ngoài đã phải làm những phép so sánh rất cụ thể để giúp độc giả có thể hình dung ra con số ấy lớn ra sao.

Nào là với 80 triệu bảng bạn sẽ có thể mua được một chiếc máy bay chở khách (chứ không phải loại cá nhân như bầu Đức đang sử dụng) hay 1 CLB tầm trung ở Premier League hoặc mua được 10 hòn đảo Nafsika đẹp mê hồn (rộng khoảng 494 ha) trong lòng Địa Trung Hải… Còn nếu quy đổi ra tiền Việt thì con số 85 triệu bảng kia tương đương với hơn 2.900 tỷ đồng - một con số khủng khiếp. Nhưng tất cả chỉ để đổi lấy 1 đôi chân cầu thủ.

Điều đáng nói hơn là khi Vieri lập kỷ lục thế giới, anh đã được thừa nhận như là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới, trong thế hệ của những quái kiệt như Ronaldo (Brazil), Schevchenko, Batistuta... Thời điểm ấy, tiền đạo được mệnh danh là "bò mộng" này đã khẳng định tên tuổi, đẳng cấp và ghi dấu ấn ở cả La Liga, Serie A, Chung kết Champions League và cả World Cup.

Ngược lại, ở thời điểm hiện nay Kevin De Bruyne - người vượt trội Vieri về giá trị chuyển nhượng thì vẫn chỉ là một cái tên thuộc diện tiềm năng không hơn không kém. Nói gì thì nói Kevin De Bruyne gần như vẫn chưa có gì trong tay ngoại trừ một mùa giải năm ngoái rực sáng trong màu áo của Wolfsburg. Nên nhớ rằng, trước đó anh gia nhập CLB Đức này chỉ để chạy trốn những ngày tháng thất bại ở Chelsea.

Ấy vậy mà, chỉ cần sau đúng 1 năm rưỡi Kevin De Bruyne đã trở thành cầu thủ đắt giá thứ 2 trong lịch sử giải Ngoại hạng Anh, chỉ sau Angel Di Maria. Trước khi, tự phá kỷ lục của mình với Kevin De Bruyne thì trong kì chuyển nhượng mùa hè này, Manchester City cũng đã thực hiện 1 bản hợp đồng đắt giá khác: mua Raheem Sterling từ Liverpool với giá 49 triệu bảng. Và cũng như Kevin De Bruyne, Sterling cũng là dạng cầu thủ vẫn cần thêm thời gian để thực sự vươn đến đỉnh cao.

So sánh giữa cú áp phe mang tên Vieri và 2 thương vụ của Kevin De Bruyne cũng như Sterling mới thấy sự điên rồ của các vụ chuyển nhượng hiện nay. Giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ đang bị thổi lên một cách khó tin. Bất chấp việc đây là thời điểm kinh tế thế giới vẫn còn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, hàng triệu triệu người vẫn đang lay lắt qua ngày. Thậm chí, ngay trong địa hạt bóng đá thì phần lớn các đội bóng ở châu Âu đều  đang ngập trong nợ nần.

Thế nhưng, con số trong các bản hợp đồng chuyển nhượng thì vẫn cứ tịnh tiến đều đều. Ngay cả các cầu thủ chưa đạt đến đẳng cấp hàng đầu thế giới cũng có giá cao khủng khiếp, thừa sức phá vỡ những kỷ lục chuyển nhượng của 1-2 thập niên trước. Sở dĩ có sự bất bình thường như vậy là do càng ngày càng có nhiều trọc phú ném tiền vào cuộc chơi bóng banh.

Môn thể thao vua giờ giống như nơi để các đại gia (đặc biệt là những nhà tài phiệt liên quan đến dầu mỏ) chứng tỏ đẳng cấp giàu có. Nó chính là nguyên nhân dẫn đến những cuộc đua tiền chưa có điểm dừng. Cả 3 thương vụ chuyển nhượng đắt giá nhất kỳ chuyển nhượng mùa hè này đều đến từ 2 đội bóng được sở hữu bởi các ông chủ Trung Đông là Machester City (thuộc về các ông chủ UAE) và Paris Saint-Germain (được Quỹ đầu tư Qatar đứng sau) với vụ chiêu mộ Di Maria với giá 63 triệu euro.

Đáng chú ý, theo tính toán của chuyên trang về chuyển nhượng Transfermarkt thì cả cầu thủ kể trên đều được mua với giá cao hơn giá trị thực rất nhiều. Cụ thể, như De Bruyne chỉ được transfermarkt định giá vào khoảng 45 triệu euro, nhưng Man City đã phải bỏ ra đến 75 triệu euro. Còn trường hợp của Sterling cũng khiến CLB này mua đắt 22,5 triệu euro (giá mua là 62,5 triệu euro, còn giá trị được định giá chỉ là 40 triệu euro).

Trong khi đó, PSG cũng mua Di Maria cao hơn giá trị thực là 13 triệu euro (tiền vệ người Argentina được tính toán có giá 50 triệu euro). Chính việc các đội bóng với sự hậu thuẫn từ túi tiền không đáy của các ông chủ sẵn sàng phá giá, mua người bằng được để tạo ra một cuộc đua tiền trên thị trường chuyển nhượng, khiến giá của các cầu thủ bị đẩy lên một cách vô lý.

Tất nhiên, khi có đồng tiền trong túi thì họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng cứ ngẫm đến câu nói của Giáo hoàng cùng những mảnh đời khốn khó xung quanh, hẳn nhiều người có lí do để mà ngậm ngùi: "Trò chơi quần đùi áo số có cần tốn kém thế không"? Và điều quan trọng hơn là với việc tạo ra một quả bong bóng "ảo" về giá trị chuyển nhượng, trong khi nhiều đội bóng vẫn đang phải sống chủ yếu dựa trên bầu sữa, hầu bao của các ông chủ thì chẳng ai có thể đảm bảo tương lai bền vững của môn thể thao vua.

Các CLB sẽ có thể bị rút ống thở bất cứ lúc nào nếu các ông chủ gặp khó khăn về tài chính hoặc đơn giản là hết niềm vui với trò chơi bóng đá. Sự lay lắt của hàng loạt CLB Italy từng một thời làm mưa làm gió ở châu Âu, đến mức như Parma còn đã phá sản thực sự là "tấm gương" đắt giá mà những con thiêu thân trên thị trường chuyển nhượng hiện nay cần phải để ý.

Kevin De Bruyne & bóng ma đắt giá nhưng thất bại

Với thương vụ chuyển nhượng vừa được thực hiện, Kevin De Bruyne đã trở thành cầu thủ đắt giá thứ 2 trong lịch sử Premier League, chỉ sau Di Maria. Anh cũng là 1 trong 3 cầu thủ có giá chuyển nhượng trên 50 triệu bảng ở giải đấu này (ngoài ra còn có Fernando Torres).

Chỉ sau 1 mùa bay cao ở Wolfsburg, De Bruyne đã được Man City mua về với giá kỷ lục của CLB.

Thế nhưng, điều kì lạ là đắt không có nghĩa là sẽ xắt ra miếng. Trước Kevin De Bruyne thì cả 2 cầu thủ có giá chuyển nhượng trên 50 triệu bảng tại giải Ngoại hạng đều đã thất bại, cho dù được kì vọng rất nhiều, đồng thời cũng có vị thế cao hơn tiền vệ người Bỉ hiện nay. Fernando Torres gia nhập Chelsea sau khi đã trở thành một biểu tượng chiến thắng ở Liverpool.

Thế nhưng, trong màu áo mới, El Nino lại hoàn toàn đánh mất mình, từ chỗ là 1 sát thủ hàng đầu, anh trở thành một tiền đạo tầm thường và đã sớm phải bật bãi trở lại Tây Ban Nha. Tương tự như thế, Di Maria cũng gây thất vọng ở Manchester United, dù đã chứng minh đẳng cấp ở Real Madrid và ĐT Argentina. Chỉ sau 1 mùa chơi bóng ở sân Old Trafford, ngôi sao người Argentina đã phải tìm đường đào tẩu sang PSG. Vì thế, phía trước Kevin De Bruyne sẽ là một thử thách không hề đơn giản.

Kevin De Bruyne & bóng ma đắt giá nhưng thất bại

Với thương vụ chuyển nhượng vừa được thực hiện, Kevin De Bruyne đã trở thành cầu thủ đắt giá thứ 2 trong lịch sử Premier League, chỉ sau Di Maria. Anh cũng là 1 trong 3 cầu thủ có giá chuyển nhượng trên 50 triệu bảng ở giải đấu này (ngoài ra còn có Fernando Torres).

Thế nhưng, điều kì lạ là đắt không có nghĩa là sẽ xắt ra miếng. Trước Kevin De Bruyne thì cả 2 cầu thủ có giá chuyển nhượng trên 50 triệu bảng tại giải Ngoại hạng đều đã thất bại, cho dù được kì vọng rất nhiều, đồng thời cũng có vị thế cao hơn tiền vệ người Bỉ hiện nay. Fernando Torres gia nhập Chelsea sau khi đã trở thành một biểu tượng chiến thắng ở Liverpool.

Thế nhưng, trong màu áo mới, El Nino lại hoàn toàn đánh mất mình, từ chỗ là 1 sát thủ hàng đầu, anh trở thành một tiền đạo tầm thường và đã sớm phải bật bãi trở lại Tây Ban Nha. Tương tự như thế, Di Maria cũng gây thất vọng ở Manchester United, dù đã chứng minh đẳng cấp ở Real Madrid và ĐT Argentina. Chỉ sau 1 mùa chơi bóng ở sân Old Trafford, ngôi sao người Argentina đã phải tìm đường đào tẩu sang PSG. Vì thế, phía trước Kevin De Bruyne sẽ là một thử thách không hề đơn giản.

Kevin De Bruyne thất bại ở Chelsea vì bị đồng đội cướp bồ?

Đây là lần thứ 2 Kevin De Bruyne chuyển đến thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh. Cách đây 3 năm, tiền vệ 24 tuổi này từng đến đầu quân tại Chelsea. Nhưng anh này sau đó đã lập tức bị đẩy đi cho mượn trong và chỉ chính thức chơi bóng tại Stamford Bridge ở mùa 2013-2014. Và ở mùa giải ấy, Kevin De Bruyne cũng không thể hiện được nhiều, bất chấp việc trước đó anh này đã chơi đầy ấn tượng trong màu áo Werder Bremen (giành danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhát Bundesliga mùa 2012-2013).

Một lí do ít người biết về chuyện Kevin De Bruyne không chơi tốt ở Chelsea là do anh này không có được tâm lý tốt. Khi mà bị người đồng hương, đồng thời là đồng đội ở Chelsea Thibaut Courtois giật người yêu. Anh chàng thủ môn này đã bí mật qua lại với Caroline Lijnen bạn gái của Kevin De Bruyne. Điều này khiến Kevin De Bruyne chấm dứt quan hệ với Courtois và ít nhiều cũng bị ảnh hưởng về tâm lý, không thể toàn tâm toàn ý chơi cho Chelsea.(T.Đ.)

Tất Đức
.
.
.