Cánh diều 2020: Hy vọng ở thì… tương lai

Thứ Bảy, 11/04/2020, 18:03
Theo thông tin mới nhất từ Cục Điện ảnh, giải Cánh diều 2020 sẽ hoãn trao trực tiếp. Ban Tổ chức vẫn tiếp tục chấm điểm để lựa chọn những tác phẩm hay nhất cho mùa giải năm nay. Nhưng xem ra, nhìn vào danh mục các tác phẩm dự thi, chưa thấy sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam trong năm 2019.


Cuộc đua của những bộ phim truyền hình

Năm 2020 là dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Điện ảnh Việt Nam và 67 năm Ngày thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Đáng ra, kế hoạch tổ chức lễ trao giải thưởng Cánh Diều năm nay sẽ rất tưng bừng, với nhiều hoạt động. Nhưng dịch COVID-19 đã khiến cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật bị đình trệ, trong đó lễ trao giải Cánh diều 2020 cũng không ngoại lệ. Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải, lễ trao giải Cánh diều vàng năm nay sẽ lùi sang tháng 5 và tùy tình hình thực tế để tìm ra hình thức trao giải thích hợp.

Liệu phim “Mắt biếc” có làm nên chuyện tại Cánh diều 2020.

Mặc dù năm nay thời gian nộp tác phẩm ở các hạng mục được kéo dài do vướng dịch bệnh, nhưng số lượng tác phẩm tham dự ở các thể loại chỉ ở mức khiêm tốn. Đến thời điểm này chốt lại chỉ có 16 phim truyện điện ảnh, 13 phim truyền hình, 46 phim tài liệu khoa học, 17 phim hoạt hình, 6 công trình nghiên cứu, 17 phim ngắn tham dự Cánh diều.

Có lẽ, dấu ấn đậm nét nhất của mùa liên hoan phim năm nay là phim truyền hình với 13 phim dự thi. Áp đảo với số lượng và chất lượng là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam với những ứng viên sáng giá gây bão” trên sóng truyền hình năm qua như “Về nhà đi con” của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng, “Nàng dâu order” của đạo diễn Bùi Quốc Việt, “Những cô gái trong thành phố”, “Hoa hồng trong ngực trái” của đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa...

Ban giám khảo khá cân não khi lựa chọn giải cao nhất cho phim, khi năm nay, có rất nhiều phim truyền hình được khán giả yêu thích và tạo nên cơn sốt phim truyền hình ở Việt Nam. Trong đó, “Về nhà đi con” và “Mùa cúc Susi” là 2 phim đang so kè ở vị trí cao nhất.

Năm 2019, “Về nhà đi con” với 85 tập phim phủ sóng truyền thông, mạng xã hội. Bộ phim gia đình này được khen ngợi về câu chuyện nhân văn, diễn xuất của các diễn viên. Còn “Mùa cúc Susi” lại là hành trình vươn lên của cô gái Susi, bề ngoài mỏng manh, yếu đuối nhưng bên trong mạnh mẽ. Bên cạnh cuộc đời Susi, phim đề cập đến vấn nạn khai thác đá quý, lòng tham và sự đố kỵ giữa người với người khi liên quan đến lợi ích.

Cảnh trong phim remake “Anh trai yêu quái”.

Tất nhiên, nặng ký nhất vẫn là “Về nhà đi con” với một ê kíp làm phim chuyên nghiệp, luôn chiếm vị trí “top trending” trong các gia đình một thời gian dài. Với sự diễn xuất xuất sắc của NSND Trung Anh cùng dàn diễn viên trẻ Thu Quỳnh, Bảo Thanh… phim đã khơi dậy những tình cảm đẹp về tình gia đình, tình bạn, tình yêu, những điều gần gụi trong cuộc sống mà đôi khi vì sự quay cuồng của mưu sinh, người ta đã vô tình lãng quên. Điều đáng nói là bộ phim này đã góp phần tạo dựng tên tuổi cho nhiều diễn viên như Quốc Trường…

Đó cũng là bài toán cân não cho Ban giám khảo để lựa chọn các giải chính như “Phim truyền hình xuất sắc nhất”, “diễn viên nam/nữ phim truyền hình xuất sắc nhất”. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải cho biết: “Thể loại phim truyền hình có nhiều phim để lại dấu ấn, kể cả công tác biên kịch, đạo diễn khá hơn mọi năm. Vì thế, giải Cánh diều năm nay sẽ có giải cho tác giả kịch bản, đạo diễn. Ban giám khảo cũng khó khăn mới chọn được diễn viên nam, nữ xuất sắc. Ngoài ra năm nay còn có giải diễn viên triển vọng”.

Sau những mùa phim truyền hình Việt bị lấn sân bởi phim Hàn, phim Ấn Độ, Trung Quốc thì sự khởi sắc của phim truyền hình trong thời gian qua cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Phim truyền hình Việt đã giành được khán giả của mình. Rõ ràng, khán giả sẽ không quay lưng, làm ngơ với phim Việt. Vấn đề là phim Việt hấp dẫn sẽ cuốn hút được khán giả, bởi hơn ai hết, người Việt sẽ thích thú và quan tâm nhiều hơn đến chính những câu chuyện đời sống, văn hóa của  đất nước mình.

Đó cũng là một cú hích tạo niềm tin cho các nhà sản xuất phim truyền hình nâng cao hơn nữa chất lượng phim truyền hình trong nước. Thành công của “Về nhà đi con”, “Nàng dâu order”… cũng sẽ tạo áp lực cho mùa phim truyền hình năm tới.

"Về nhà đi con” - ứng cử viên nặng ký của hạng mục Phim truyền hình.

“Suy cho cùng, khán giả Việt vẫn thích những câu chuyện văn hóa Việt, vì thế, thay vì xu hướng remake, các nhà biên kịch, nhà sản xuất nên đầu tư kỹ lưỡng vào khâu kịch bản để tìm kiếm những kịch bản thuần Việt tốt, đó là cơ hội để cho phim truyền hình Việt Nam phát triển vì chúng ta có một số lượng khán giả rất tiềm năng.

Ngoài ra, phim truyền hình phải có tính định hướng cho khán giả, bởi độ phủ sóng rộng của nó. Điều đáng nói hiện nay là chất lượng của các bộ phim phát sóng vẫn chưa đồng đều. Nhiều phim vẫn còn sạn, thậm chí sa đà vào những câu chuyện không đáng có như bạo lực, yêu đương nhạt nhẽo…”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.

Một dấu ấn của mùa Cánh diều vàng 2020, theo NSND Đặng Xuân Hải đó là sự nổi trội hơn thể loại các công trình nghiên cứu và công tác lý luận phê bình có số lượng tác phẩm tăng. Chỉ riêng ở hạng mục này, có sự cạnh tranh của 5 ứng viên, cao hơn mọi năm.

Đáng chú ý nhất là tác phẩm “Một thập kỷ phim truyện điện ảnh Việt Nam” (2007-2017) của PGS-TS Vũ Ngọc Thanh; “Chuyện đời, chuyện nghề” của NSND Lương Đức và “Thiết kế mỹ thuật phim truyện điện ảnh” của Trần Quang Minh… Tuy chất lượng chưa thật xuất sắc nhưng việc xuất hiện của 5 tác phẩm cho thấy nhiều người quan tâm đến công tác phê bình điện ảnh hơn các năm qua. Đây là một khoảng trống rất lớn của điện ảnh Việt Nam.

Ngoài ra, năm nay mặt bằng phim hoạt hình cũng tốt hơn, đề tài phong phú hơn, các bộ phim hoạt hình 2D, 3D được thực hiện công phu với đội ngũ làm phim trẻ, học từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, phim hoạt hình Việt vẫn đang còn mò mẫm trên con đường ra rạp để chinh phục các khán giả nhỏ tuổi Việt Nam, hay nói cách khác, hoạt hình Việt Nam vẫn lép vế trước sự tấn công của phim hoạt hình nước ngoài.

Phim điện ảnh thiếu khởi sắc

Hạng mục được quan tâm nhất trong mỗi kỳ liên hoan vẫn là phim điện ảnh. Năm nay, sau khi lùi thời gian trao giải, đã có 16 phim điện ảnh tham gia dự thi. Nếu theo kế hoạch trao giải ban đầu, thì đến ngày 28-2, chỉ có 6 phim dự thi gồm “Bắc kim thang” của đạo diễn Trần Hữu Tấn, “Truyền thuyết về Quán tiên” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, “Hợp đồng bán mình” của đạo diễn Trần Ngọc Phong, “Anh trai yêu quái” của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng, “Anh thầy ngôi sao” của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh.

“Giã từ cô đơn” của đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc. Sau khi gia hạn đến 28-3, đã có thêm 10 phim tham dự, gồm “Tiền nhiều để làm gì”, “Hai Phượng”, “Gái già lắm chiêu 3”, “Mắt biếc”, “Ước hẹn mùa thu”, “Hạnh phúc của mẹ”, “Nắng 3”, “Đôi mắt âm dương”, “Chị Mười Ba”, “Lính chiến”. Tuy nhiên, điều Ban tổ chức và khán giả quan tâm không phải là số lượng mà chất lượng của phim Việt trong năm qua.

Cảnh trong phim “Mùa cúc Susi”.

Năm 2019, có 44 phim Việt ra rạp, trong đó có những bộ phim đã làm nên kỷ lục phòng vé như “Hai Phượng”, “Mắt biếc”...

Nhưng để đáp ứng tiêu chí của một bộ phim nghệ thuật, vừa đảm bảo doanh thu, vừa tạo được những dấu ấn sáng tạo mới mẻ thì “Hai Phượng” và “Mắt biếc” cũng chưa có gì vượt trội. Bên cạnh đó, nhiều phim chất lượng làng nhàng, thiếu dấu ấn và sáng tạo. Trong số 16 phim tham dự liên hoan, có hai phim do nhà nước đặt hàng, “Truyền thuyết về Quán tiên” chưa ra rạp, còn “Hợp đồng bán mình” thì rời  rạc, nhạt nhẽo.

Đạo diễn, NSND Thanh Vân chia sẻ: “Tôi chưa đánh giá hết chất lượng của các bộ phim tham gia liên hoan năm nay vì chưa xem hết, nhưng nhìn chung chưa có gì khởi sắc. Chúng ta đang thiếu những bộ phim góp phần làm nên gương mặt của điện ảnh Việt hôm nay. Chắc lại phải chờ thêm một mùa hay nhiều mùa Cánh diều nữa”.

Với chất lượng các phim điện ảnh sàn sàn hiện nay, Ban giám khảo lại thêm một năm nữa “so bó đũa chọn cột cờ”. Và hy vọng về một tác phẩm điện ảnh chất lượng cao, giàu bản sắc dân tộc để có thể mang ra khoe với thế giới có lẽ vẫn nằm ở thì… tương lai.

Linh Nguyễn
.
.
.