Bùng nổ phim remake: Mừng hay lo?

Thứ Hai, 03/08/2020, 08:03
Từ đầu năm 2020 đến nay, điện ảnh và truyền hình chứng kiến sự quay trở lại ồ ạt của dòng phim remake (dòng phim có kịch bản nước ngoài được Việt hóa). Làn sóng phim remake đã khắc phục được phần nào những khó khăn về thiếu kịch bản hay mà phim Việt đang gặp phải bấy lâu, đồng thời đem tới cho khán giả cơ hội được xem phim nhiều và đa dạng thể loại hơn. Tuy nhiên, sự lấn át của dòng phim này cũng đang đặt ra những vấn đề đáng lo ngại với phim Việt.


1. Thông thường phim remake sử dụng hẳn cốt truyện và nhân vật của phim cũ, chỉ có một chút sửa đổi hoặc thêm thắt ở các tình tiết, cũng như cách thể hiện. Phim remake được tạo ra với mục đích cải thiện chất lượng hoặc thay đổi cách thể hiện của phiên bản cũ cho phù hợp với văn hoá và thị hiếu của đất nước thực hiện lại bộ phim đó.

Ở thị trường phim Việt Nam, khái niệm phim remake bắt đầu được nhắc đến từ thời điểm bộ phim “Em là bà nội của anh”(có kịch bản gốc là phim “Miss Granny” của  Hàn Quốc) của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh ra rạp và thắng lớn với doanh thu lên đến 102 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, phim remake đã có mặt ở Việt Nam gần 20 năm về trước, từ năm 2006 với bộ phim “Cô gái xấu xí” (một phim có kịch bản gốc Colombia).

Sau đó, một phim truyền hình ăn khách là “Nhật ký Vàng anh” cũng là phim có kịch bản gốc Bồ Đào Nha. Từ thời điểm đó, phim remake đã trở thành khái niệm tương đối quen thuộc với khán giả, dù cho số lượng phim gây được ấn tượng mạnh với công chúng chưa nhiều.
Các diễn viên trong phim “Người phán xử” (kịch bản gốc của Isarel).

Phải đến năm 2017, phim remake mới thực sự khiến màn ảnh nhỏ Việt chấn động khi bộ phim “Người phán xử” (kịch bản gốc Israel) đã gây một cơn sốt lớn, định vị lại vị trí số một cho phim truyền hình sau rất nhiều năm lép vế bên cạnh các gameshow và truyền hình thực tế. Thừa thắng xông lên, sau đó hàng loạt bộ phim truyền hình được Việt hóa nội dung kịch bản nước ngoài tạo cơn sốt trong khán giả như “Sống chung với mẹ chồng”, “Gia đình là số 1”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Cả một đời ân oán”….

Ở lĩnh vực điện ảnh, phim remake cũng lấn át phim có kịch bản trong nước. Những phim gây chú ý với đông đảo khán giả là: “Bạn gái tôi là sếp” (kịch bản gốc Thái Lan), “Sắc đẹp ngàn cân” (bản gốc Hàn Quốc),“Yêu đi đừng sợ” (bản gốc Hàn Quốc), “Tháng Năm rực rỡ” (bản gốc Hàn Quốc)….

Năm 2019 gần như phim remake vắng bóng trên cả màn ảnh truyền hình và điện ảnh. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, làn sóng remake bất ngờ quay lại, đổ bộ ồ ạt đời sống phim ảnh trong nước với nhiều dự án mới. Đạo diễn Khải Anh vừa cho ra mắt phim truyền hình dài tập  “Nhà trọ Balanha”, được làm lại từ bộ phim ăn khách “Welcome to Waikiki” của Truyền hình Hàn Quốc JTBC.

Bộ phim “Gia đình là số 1” (phần 3) tiếp tục được dàn dựng sau phần 1 và phần 2 ăn khách. Một phim khác được Đài Truyền hình Vĩnh Long mua bản quyền kịch bản từ Hàn Quốc đang trong giai đoạn hậu kỳ là phim “Vua bánh mì”.

Một phim truyền hình nữa không thể không nhắc đến là phim “Tình yêu và tham vọng” dựa trên fomat phim “Thế giới cạnh tranh” của Trung Quốc, do đạo diễn Bùi Tiến Huy thực hiện. Về phim điện ảnh, sẽ có 2 phim remake sắp sửa ra phòng vé đều được làm lại từ các tác phẩm của Hàn Quốc gồm: “Bằng chứng vô hình” (Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), “Tiệc trăng máu” (Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng).

“Em là bà nội của anh”, một phim remake ăn khách.

Các kịch bản được làm lại đều là từ những bộ phim nổi tiếng, gây sốt ở châu Á trong nhiều năm qua. Như vậy có thể thấy, phim remake đang chiếm sóng trên khắp các “mặt trận” từ truyền hình đến điện ảnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, gần như không thấy giới truyền thông nói gì về các dự án phim kịch bản Việt.

Vì sao nhà sản xuất chuộng làm phim remake?

Trong mấy năm trở lại đây, phim remake có đất sống vì nó tạo ra doanh thu tốt. Hiệu ứng từ những phim gốc trước đó ở những nền điện ảnh gần gũi chúng ta như Hàn Quốc, Trung Quốc và các nền điện ảnh phát triển khác đã tạo sẵn một sự tò mò cho công chúng trong nước.

Khi nhà sản xuất chọn làm lại một phim hay của điện ảnh nước ngoài trước đó dù phải chịu nhiều áp lực rất lớn nhưng họ cũng có sẵn một thuận lợi, là được công chúng tò mò chờ đợi.

Cảnh trong phim “Sống chung với mẹ chồng”.
Dàn sao Việt tham gia phim remake “Gia đình là số 1”, phần 2.

Nếu phim được Việt hóa tốt, cách làm cũng như chọn lựa dàn diễn viên tốt, thì khả năng thắng về doanh thu rất lớn. Trong điều kiện điện ảnh Việt đang bị chững lại nhiều năm nay vì kịch bản hay không có, mà nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày càng đa dạng hơn, thì việc chọn làm phim remake là một bước đi an toàn của nhà sản xuất. 

Một nguyên nhân nữa là phim remake dễ thu hút kinh phí đầu tư của các nhà tài trợ hơn. Một đạo diễn cho biết, các nhà đầu tư họ muốn nhìn thấy một sự an toàn. Nếu một phim đã thành công ở bản gốc, giờ được các nhà điện ảnh trong nước làm lại, phim đã có sẵn một lượng fan ổn định. Trong khi đó, nếu đầu tư vào một kịch bản Việt, họ thấy lo lắng hơn vì không biết chuyện phim ra rạp sẽ may rủi thế nào. 

Mặc dù vậy, làm phim remake có dễ như ăn kẹo nếu nhìn vào các phân tích ở trên? Câu trả lời là không, số lượng phim remake thất bại cũng nhiều không kém số lượng phim thành công. Những phim remake từng chịu thất bại cay đắng có thể kể tên như “Hậu duệ mặt trời”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Mối tình đầu của tôi”, “Yêu đi đừng sợ”, “Ngày mai cưới”, “Ông ngoại tuổi 30”, “Yêu em bất chấp”.... Áp lực dồn lên vai nhà sản xuất và đạo diễn không hề nhỏ khi mà bản gốc của những phim đó đã được nhiều người biết đến.

Để Việt hóa thành công, đạo diễn phải xử lý một loạt các khâu, đau đầu nhất là kịch bản, sao cho phải có sự đổi mới từ các tình tiết, câu chuyện, bối cảnh so với bản gốc để phù hợp với văn hóa, tâm lý tiếp nhận của người Việt. Tiếp đó là vấn đề diễn viên.

Có những phim mà “cái bóng” của nó quá lớn từ bản gốc, như phim “Hậu duệ mặt trời”, thì những diễn viên trẻ Việt được đạo diễn chọn đã không thể đảm nhiệm vai trò vượt qua những diễn viên Hàn Quốc đã quá nổi tiếng, và phải nhận kết cục là khán giả không mấy quan tâm phim. Đấy là chưa kể kỹ thuật làm phim của ta còn lạc hậu so với phim ngoại, nhất là với những phim phải dùng nhiều kỹ xảo.

Lý giải về việc bùng nổ dòng phim remake hiện nay, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: “Không có gì là chắc chắn thành công khi remake phim nước ngoài. Chúng ta nên chọn những kịch bản có cảm xúc và phù hợp với khả năng của mình. Các phim remake thường thu hút và có đất sống, bởi vì vấn đề đặt ra của câu chuyện thường mang tính quốc tế.

Cảnh trong phim “Tháng năm rực rỡ”.

Tất nhiên không phải thị trường nào cũng đúng, cùng chấp nhận hoặc không phải ai kể lại cũng truyền tải được tinh thần cốt lõi của câu chuyện hay có góc nhìn để nó trở thành thứ người ta biết rồi mà vẫn thấy thú vị”. Nguyễn Quang Dũng cũng cho hay, thường thì đến 99% là anh từ chối các phim remake, và chỉ có 1% còn lại là anh chấp nhận làm phim nếu thấy kịch bản rất thú vị.

Theo đạo diễn, remake không phải là xu hướng như người ta đang nghĩ, mà nó giống như một sự ứng phó trong điều kiện điện ảnh đang thiếu kịch bản hay. Dòng phim này cũng chính là một sự bù đắp cần thiết cho thị trường điện ảnh đang phát triển nhanh mà nhân lực cũng như công tác đào tạo chưa đáp ứng kịp.

Rõ ràng, có nhiều phim hơn để phục vụ khán giả là điều nên mừng. Phim remake là nhân tố giúp cho thị trường phim Việt trở nên sôi động hơn, nhất là sau thời kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Nhưng cũng không thể không nhắc đến nỗi lo, rằng nếu một đất nước chỉ chủ yếu làm lại các phim có kịch bản từ các quốc gia khác thì chính là chúng ta đã bỏ quên những vấn đề, những câu chuyện liên quan đến đời sống, văn hóa của chính mình.

Phim remake có thể thỏa mãn yếu tố giải trí nhất thời cho công chúng nhưng xét về mặt giá trị thực của một nền điện ảnh, những đóng góp của nó chỉ dừng lại ở một chừng mực nhất định. Để có một nền điện ảnh phát triển đúng nghĩa, làm giàu cho văn hóa đất nước, không thể thiếu những bộ phim mà kịch bản được viết từ chính những vấn đề liên quan đến văn hóa, con người Việt.

Bảo Bình
.
.
.