Xem EURO, thấy hình bóng… Premier League

Thứ Ba, 05/07/2016, 09:47
Tuyển Anh đá bóng không hay, nhưng luôn biết cách khiến người khác phải chú ý tới mình, ngay cả khi họ không chủ định làm vậy. Trong muôn vàn chủ đề “nóng” xoay quanh EURO 2016, người ta không thể ngừng nói về bóng đá Anh và Premier League.

Bóng đá Anh không phải nền bóng đá đáng học hỏi về mặt chuyên môn. Nhưng bóng đá Anh chắc chắn là một mô hình, tấm gương kiểu mẫu cho những ai xem bóng đá dưới góc độ showbiz và kinh tế.

SVĐ được tư nhân hóa, mỗi tháng mất cả triệu bảng chăm cỏ giúp mặt sân luôn xanh mượt. Giải đấu diễn ra theo khung giờ châu Á, công tác hậu cần và khâu bán hàng thì trên cả tuyệt vời.

Giới đầu tư rất “yêu” bóng đá Anh, vì bỏ tiền vào đấy muốn lỗ cũng chẳng được. Bình quân, cứ sau 1 năm tài khóa của các nhà tài phiệt lại tăng thêm 5% so với số tiền bỏ ra, “lành” quá còn gì!

Mọi lúc mọi nơi, ai nấy đều có thể nói về bóng đá Anh như phản xạ tự nhiên. Ngay trong lúc EURO 2016 chi phối dòng chảy thông tin những ngày hè qua, ở một chừng mực nào đó, NHM vẫn phải san sẻ sự quan tâm cho bóng đá Anh, giải Ngoại hạng và Premier League.

Ngày 23/06, khi dân chúng nước Anh bỏ phiếu rời liên minh châu Âu, cụm từ “Brexit Premier League” trên google cho ra 2,1 triệu kết quả trong 0,57 giây tìm kiếm. Cũng trong ngày hôm đó, EURO 2016 – từ khóa thể thao “hot” nhất một tháng qua có 23 triệu kết quả sau 0,24 giây tìm kiếm (các kết quả bằng tiếng Anh).

Rồi tới khi vòng knock-out khởi tranh, 1/3 số cầu thủ góp mặt đang chơi bóng trên các sân cỏ xứ sương mù. Hết vòng tứ kết, tỷ lệ này vẫn là 1/5. Vị thế của bóng đá Anh trên trường quốc tế là khỏi phải bàn cãi.

Đội tuyển Anh thi đấu bết bát và bị loại sớm khỏi vòng 1/8? Chẳng sao, vì đúng lúc ấy, Man United lại liên tiếp “nổ” trên TTCN. Nào là Ibra, nào là Mkhitarian. Mà bạn biết đấy, tin chuyển nhượng luôn được khán giả đặc biệt chú ý.

Khi tất cả tưởng như đã lắng xuống, với những trận cầu giàu chiến thuật và bản sắc dân tộc, âm hưởng ngoại hạng tiếp tục vang lên. Lần này thậm chí còn dữ dội hơn.

Trận Italia – Đức, có 4 người sút hỏng penalty, thì cả 4 đang chơi bóng ở Premier League. Riêng Mesut Oezil, nhạc trưởng của Arsenal và Đức tính ra đã 2 lần đá hỏng trên chấm phạt đền.

Nếu tính trên toàn giải, trên tổng số 12 cơ hội từ cú penalty bị bỏ lỡ, thì nhóm cầu thủ đang phục vụ giới nhà giàu Ăng-lê góp tới 6. Một chuyên gia sút phạt như Xhaka chỉ vừa chuyển tới Arsenal lập tức thể hiện đúng cái thần thái của bóng đá Anh, là sợ… đấu súng.

Giờ này, các tuyển thủ Tam Sư có lẽ đang thả mình trên những bãi biển mộng mơ ở Nam Âu hoặc Ấn Độ Dương. Nhưng ở Pháp, còn nhiều thứ để nói về… bóng đá Anh lắm.

Khải Huyền
.
.
.