Nhìn lại EURO 2016: Một kỷ nguyên “kiểm soát” khép lại

Thứ Tư, 13/07/2016, 09:23
Tứ kết EURO 2000. Pháp gặp Tây Ban Nha. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nhân loại, 4-2-3-1 xuất hiện như sơ đồ chiến thuật tân tiến, mở ra thời đại cho trường phái kiểm soát.

Nhóm trung phong cắm biến mất, nhường chỗ những tiền vệ đa năng thích “sút” hơn là “chuyền”. Giới chiến lược thay vì đãi cát tìm tiền đạo giỏi chuyển hướng đầu tư sang tuyến hai, nhào nặn các tiền vệ thành những cầu thủ toàn tài.

Cú phất dài và những đường tạt từ hai biên ngày một ít đi. Các đội đua nhau cầm bóng, cố gắng lấy mô hình của Barca làm kim chỉ nam trong cách tiếp cận trận đấu.

Từng có giai đoạn, Barca và Tây Ban Nha trở thành một “tính từ” đáng kính trong làng cầu. Khắp mọi nơi, giới quan sát cố gắng tìm ra những phiên bản mô phỏng lối chơi của nền bóng đá xứ đấu bò. Swansea là “Barca của Premier League”, Roma là “Barca của Italia”.

Đã có lúc tiqui-taca và trường phái giữ bóng, kiểm soát lên ngôi, vươn vòi bạch tuộc tới từng ngõ ngách. Cảm giác như nó sẽ chẳng bao giờ suy yếu, chứ đừng nói tới ngày diệt vọng.

Nhưng chức vô địch EURO 2016 của Bồ Đào Nha đã bẻ ngược mọi luận điểm và suy đoán tự nhiên. Trong 420 phút liên tiếp, thủ môn Rui Patricio chỉ 1 lần phải vào lưới nhặt bóng. Đó cũng là nhà vô địch duy nhất cho tới giờ lên ngôi mà không cần thắng trong thời gian thi đấu chính thức (thắng 1 lần).

Cầu thủ xuất sắc nhất trận chung kết EURO 2016 là Pepe, một trung vệ. BĐN được mệnh danh là “Brazil của châu Âu”, song tấn công đâu không thấy, chỉ thấy đấy là đội tuyển phòng ngự tốt nhất lục địa già mùa hè nước Pháp.

3/4 đội cầm bóng tốt nhất ở EURO 2016 đều dừng bước ở vòng 1/8, bao gồm chính Tây Ban Nha – đội bóng bất khả chiến bại, ĐKVĐ EURO trước thềm giải đấu năm nay.

Roy Hodgson thay đổi bản ngã của bóng đá Anh, loại bỏ 4-4-2 để chuyển về 4-3-3 hòng trấn áp khu trung tuyến. Rốt cuộc, kết cục dành cho Tam Sư ở một giải đấu lớn vẫn không thay đổi.

Ngày xưa, Jose Mourinho chủ động “nhường” Barca cầm bóng, vì ông tin rằng khi đấu pháp “dĩ độc trị độc” không thể phát huy tác dụng, người ta phải trở về thực tế: Muốn đánh bại một đội giỏi cầm bóng, phản công là con đường duy nhất.

Càng cố bắt chước đối phương, bạn càng dễ rơi vào trận đồ bát quái do chính… bạn tạo ra. Với quy mô giải đấu phình to, phòng ngự - phản công càng trở nên hiệu nghiệm và thực tiễn hơn bao giờ hết bởi số lượng “lính mới” hoặc lần đầu dự giải hoặc lâu rồi mới quay lại sân chơi đỉnh cao chiếm đa số.

Mà kể cả những ông lớn nhiều năm kinh nghiệm như BĐN cũng nếm trải đủ mùi đắng cay của trò chơi kiểm soát. EURO 1984 – 2000 - 2004 và World Cup 2006, BĐN chủ trương đá đẹp, cuối cùng lại bị chính lối chơi thực dụng hóa giải. Riêng Pháp đã thắng họ tới 3 lần, còn lại là Hy Lạp.

Trong kỷ nguyên số, khi những thay đổi diễn ra hàng giờ hàng ngày, không quy luật nào trong bóng đá là bất biến cả. Lối chơi kiểm soát không “chết”, chỉ là thời huy hoàng của nó qua và giờ là lúc bãi nhiệm, nhường ngôi vương cho một chất liệu phù hợp với thời đại hơn. 

Khải Huyền
.
.
.