Euro 2016: Nghĩa vụ quốc gia và những dòng tiền thưởng
- EURO 2016: Darijo Srna và câu chuyện về tình phụ tử
- Lực lượng đặc biệt Đức chống móc túi và gây rối mùa Euro 2016
- Bi hài chuyện fan tại EURO 2016
Euro 2016 sẽ là kỳ đại hội bóng đá với doanh thu lớn nhất lịch sử của UEFA. Các chuyên gia tài chính đang dự kiến mức tăng 41% doanh thu so với giải năm 2012, từ 1,2 tỷ Euro lên khoảng 1,9 tỷ euro.
Việc mở rộng qui mô vòng chung kết từ 16 lên 24 đội có thể không hoàn toàn là vì mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, thêm 20 trận đấu (từ 31 lên 51) cũng đồng nghĩa rằng cơ hội kinh doanh gia tăng rõ ràng. Theo dự kiến, UEFA sẽ nhận được tổng cộng 1 tỷ euro từ bản quyền truyền hình (cứ mỗi phút thi đấu là trung bình 200.000 euro!).
Ngoài 1 tỷ euro bản quyền truyền hình, phần còn lại trong doanh thu dự kiến 1,9 tỷ euro sẽ đến từ tài trợ và hàng hóa lưu niệm (khoảng 400 triệu euro), bán vé và dịch vụ bên trong sân vận động (khoảng 500 triệu euro).
Euro 2016 tăng mạnh về doanh thu. |
Số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào? Điểm này chưa ai có thể nắm rõ. Chỉ biết rằng, có một nguồn chi được minh bạch, công khai. Đó là tiền thưởng cho các liên đoàn bóng đá dự vòng chung kết.
24 liên đoàn có đội tuyển dự giải sẽ nhận được 8 triệu euro tiền thưởng cho việc lọt vào vòng chung kết. Tại vòng bảng, mỗi đội sẽ nhận được 1 triệu euro cho chiến thắng, 500 triệu euro cho kết quả hòa. Bước vào vòng loại trực tiếp, sẽ không còn tiền thưởng theo kết quả trận đấu nói trên nữa. Thay vào đó, các đội lọt vào vòng 16 đội sẽ nhận 1,5 triệu euro; lọt vào tứ kết sẽ nhận 2,5 triệu euro; bán kết được 4 triệu euro. Với riêng trận chung kết tổ chức trên sân Stade de France ngày 10/7, đội giành chức vô địch sẽ nhận 8 triệu euro và đội á quân nhận 5 triệu euro.
Điều này đồng nghĩa rằng nếu giành chức vô địch, một đội tuyển sẽ mang về cho liên đoàn bóng đá của mình tổng cộng 27 triệu euro, tăng lên khá nhiều so với con số 23,5 triệu euro của năm 2012.
Tính tổng toàn bộ tiền thưởng cho tất cả các đội, UEFA sẽ chỉ chi ra tối đa 15,5% doanh thu cho các liên đoàn. Có thể đưa ra một phép so sánh nhỏ: Champions League đã thu về khoảng 1,5 tỷ euro cho mùa giải 2015-16. Tiền thưởng cho các đội lên tới tổng cộng 1,257 tỷ euro. Như vậy, khoảng 80% doanh thu của giải đấu đã được UEFA chia về cho các câu lạc bộ. Khoảng 50% trong số đó được các CLB chia về cho các cầu thủ.
Mỗi liên đoàn lại có một phương pháp thưởng cầu thủ khác nhau, nhưng hầu hết đều không xứng đáng, thậm chí là quá ít với sự cống hiến của họ.
Số tiền thưởng vốn đã ít ỏi ấy rồi sẽ đi đâu? Nếu nó được tái đầu tư vào việc phát triển bóng đá quốc gia, có lẽ chính các cầu thủ cũng sẽ cảm thấy sự cống hiến của họ là xứng đáng. Nhưng còn rất nhiều nền bóng đá đang rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí là những người đứng đầu liên đoàn tham nhũng... Khi ấy, sự cống hiến lại chẳng xứng đáng chút nào.