Không cần chiến thuật, vẫn vô địch EURO 2016

Thứ Tư, 06/07/2016, 08:36
Chiến thuật là nền tảng cơ bản dẫn tới thắng lợi của mọi đội bóng. Nhưng với xu hướng phát triển chung, chiến thuật bóng đá chỉ còn là khái niệm hết sức mơ hồ.



Ngày xưa, khi con người đến với bóng đá như trò giải trí đơn thuần thì thuật ngữ “đấu pháp” chưa xuất hiện. Vả lại thời ấy, máy móc công nghệ cũng chỉ ở dạng thô sơ, chưa thể giúp ích nhiều cho bóng đá.

Vì lẽ này mà các đội bóng thường tấn công ào ào, ghi bàn ầm ầm mà không quá chú trọng tới khâu phòng thủ hay cách bày binh bố trận. Sau này, khi bóng đá được xem như một bộ môn khoa học thì những chiến thuật kinh điển như phòng ngự Catenaccio của Italia, tấn công tổng lực của Hà Lan hay gần đây là Tiqui-Taca của Tây Ban Nha mới lần lượt ra đời.

EURO là nơi tôn vinh, ghi danh những ngôi sao, cá nhân xuất sắc.

Nhưng song hành với sự phát triển vượt bậc về mọi mặt của nhân loại thì những chiến thuật trên không còn kinh đển nữa. Nó chỉ “kinh điển” trên sách vở, còn thực tiễn thì chỉ ra điều ngược lại. Thời nay, không đội nào hoặc chỉ biết phòng thủ, hoặc chỉ biết tấn công.

Chưa đầy nửa thập kỷ, đế chế tiqui-taca thiết lập đã đi vào dĩ vàng. Tuyển Anh sau nhiều chơi 4-4-2 đã chuyển hẳn sang mô hình 4-3-3 ưu việt hơn. Nói chung thì không cứ phải là đội mạnh, một đội với thực lực vừa phải cũng biết khắc chế cách tổ chức của các ông lớn.

Tại EURO 2016, xu thế chơi bóng của các đội bóng sẽ đi theo hướng này. Ở một giải đấu diễn ra ngắn ngày theo thể thức “cuốn chiếu, các đội lại có ít thời gian ăn tập với nhau thì yếu tố chiến thuật lại càng lu mờ.

Tây Ban Nha vô địch EURO 2008 nhờ khoảnh khắc xuất thần của Fernando Torres. Hy Lạp vô địch EURO 2004 bằng chiến thuật mang hơi hướm “tinh thần” hơn là những điều chỉnh trên sa bàn.

Italia là đội tuyển hiếm hoi tham chiến ở giải đấu trên đất Pháp với bản sắc chiến thuật được định hình cụ thể và rõ ràng. Nhưng cũng chính vì họ thiếu đi những ngôi sao, cá nhân mà không thể đánh bại ĐT Đức lì lợm với dàn chiến binh thiện chiến đang chơi bóng ở những môi trường đỉnh cao

Tất nhiên, chiến thuật vẫn có chỗ đứng nhất định. Nhưng cần khẳng định lại chiến thuật không hẳn là yếu tố tiên quyết quyết định tới thành/bại của các đội tuyển tham dự EURO 2016. Các HLV sẽ chú trọng vào những nhân tố mang tính đột phá.

Không tự dưng

Didier Deschamps kiên quyết trao cơ hội cho Pogba, hay Thomas Mueller vô duyên là thế vẫn góp mặt trong đội hình đá chính của Đức từ đầu giải. Bởi giới chiến lược tin rằng, một ngôi sao luôn mang trong mình ADN của anh hùng, người luôn biết giải quyết một thế trận bế tắc chỉ nhờ tình huống xuất thần.

Từ hàng chục năm qua, EURO là nơi tôn vinh, ghi danh những ngôi sao, cá nhân xuất sắc. Sẽ mãi mãi là như vậy.

Khải Huyền

.
.
.