EURO 2016 khởi tranh trong nguy cơ khủng bố: Không gì thắng được tình yêu

Thứ Năm, 09/06/2016, 19:42
Điều gì đã khiến hàng trăm, hàng triệu CĐV vẫn đến Pháp theo dõi giải đấu, dù Chính phủ Pháp đã khẳng định không thể bảo đảm cho họ tình trạng an toàn 100%?

“Đó là một đêm nhạc rock cuối tuần. Không khí rất tưng bừng, mọi người ai cũng nhảy múa và tươi cười rộn rã. Cả khi bọn khủng bố tiến vào từ cửa trước và bắt đầu bắn giết, chúng tôi vẫn nghĩ đấy là một phần của tiết mục. Nhưng đó là một vụ thảm sát. Hàng chục người đã ngã gục trước mặt tôi, máu chảy tràn cả sàn nhà…”

Những dòng chia sẻ trên là của cô gái trẻ Nam Phi, Isabel Bowdery, người đã sống sót khỏi vụ khủng bố Paris tháng 11-2015 bằng kế giả chết, khi những kẻ cuồng tín cầm súng xông vào nhà hát Baclatan.

Nửa năm sau đêm kinh hoàng đó, hơn một năm sau vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo, vòng chung kết Euro 2016 sắp khởi tranh trên đất Pháp, mảnh đất vẫn chưa vơi nỗi đau mất mát, và vẫn thường trực nguy cơ bị tấn công. “Mối đe dọa này sẽ còn kéo dài”, “100% chuẩn bị an ninh không đồng nghĩa với 0% rủi ro”,“Nếu 1000 địa điểm được bảo vệ hoàn hảo thì địa điểm thứ 1001 sẽ bị tấn công”… là những trích dẫn tiêu biểu từ phát ngôn của chính quyền Pháp trước ngày khai mạc.

Bữa tiệc bóng đá sẽ chính thức khai mạc vào rạng sáng ngày 11-6.

Điều gì đã khiến hàng trăm, hàng triệu CĐV vẫn đến Pháp theo dõi giải đấu, dù Chính phủ Pháp đã khẳng định không thể bảo đảm cho họ tình trạng an toàn 100%?

“Tôi đã nằm giả chết một tiếng đồng hồ, giữa cô độc và hoảng loạn, giữa những người sẽ không còn được thấy người thân yêu của họ cử động lần nào nữa. Tôi đã ráng nín thở, ráng không cử động và không khóc, quyết không cho lũ khốn ấy thấy nỗi sợ hãi mà chúng muốn gieo rắc”.

ISIS đã hạ sát gần hết nhân sự của tòa soạn Charlie Hebdo, nhưng không thể chấm dứt quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí của người Pháp.Chúng giết người không gớm tay trong show rock của Eagles of Death Metal tại Baclatan, cũng không thể ngăn tiếng đàn của một nhạc công lang thang trước cổng nhà hát này sáng hôm sau.

Bất chấp nguy cơ khủng bố, ngày hội bóng đá châu Âu vẫn sẽ diễn ra. Ảnh minh họa.

Ba cổ động viên bóng đá đã mất mạng cạnh chính sân Stade de France vì bom khủng bố năm ngoái, một quán cà phê phát trực tiếp Chung kết Champions League mùa này tại Baghdad đã bị xả súng và ném lựu đạn chỉ mới đây, nhưng những màn thị uy kinh tởm ấy vẫn không thể ngăn bước chân người hâm mộ tới Pháp mùa Hè này.

“Ở phút giây cận kề cái chết, tôi cam đoan những ý nghĩ sau cùng không phải về lũ súc vật đang gây ra thảm họa, mà là về những người mình thương yêu” – vẫn lời Isabel. Chủ nghĩa khủng bố tàn ác không thể đánh bại tính thiện của con người, càng không thể ngăn chúng ta tìm đến những điều mình yêu và đam mê.

Sân vận động sẽ diễn ra lễ khai mạc Euro 2016.

Ít nhất cho đến lúc này, trước giờ khai mạc Euro 2016, bóng đá và tình yêu vẫn đang chiến thắng.

Hoài Thuận
.
.
.