Có một người Anh mà Bồ Đào Nha mang ơn

Chủ Nhật, 10/07/2016, 16:54
Đó là Jimmy Hagan, một cái tên không gợi ra nhiều điều với khán giả hiện đại, nhưng lại là người mà làng túc cầu Bồ Đào Nha (BĐN) luôn ghi nhớ. Ông chính là người tạo ra nền móng tư duy cho Fernando Santos – huấn luyện viên trưởng của BĐN hiện tại.

Nghĩ tới BĐN vào thời điểm này, hẳn nhiều người sẽ nhắc tới Cristiano Ronaldo đầu tiên. Nhưng công bằng thì đây không phải một giải đấu mà Ronaldo đã thực sự chinh phục tất cả. Phong độ rất thấp của anh tại 3/5 trận đấu đã qua chính là một phần nguyên nhân khiến BĐN “mang tiếng” là đội không xứng đáng dự chung kết, như đánh giá của không ít người hâm mộ.

Dĩ nhiên đó chỉ là những phản ứng thái quá. Ronaldo quả thực đã không chơi hay trong nhiều thời điểm, nhưng sau cùng, bóng đá không phải một thể thao một người. Trừ vị trí thủ môn, Bồ Đào Nha chính là đội đã sử dụng tất cả những cầu thủ họ mang theo ở giải đấu này, và toàn bộ 21 con người ấy đã cùng nhau đi vào chung kết, chứ không chỉ là Ronaldo đá tốt hay không.

Jimmy Hagan, người gây ảnh hưởng lớn tới Fernando Santos

Và thành công ấy dĩ nhiên phải kể tới công lao của huấn luyện viên Fernando Santos. Ông luôn là tâm điểm của sự nghi ngờ tại BĐN trước giải đấu. Lên đường tới Pháp, ông nói rằng: “Khi tôi trở về đây [BĐN], người ta sẽ phải đón chào tôi”. Và giờ thì dù đội tuyển thuộc bán đảo Iberia có vô địch hay không, chắc chắn Santos cũng đã giành được sự tôn trọng mà ông muốn có.

Mới đây, tại buổi họp báo trước thềm chung kết, một phóng viên hỏi ông Santos rằng ông muốn gửi lời cám ơn tới ai nhất. Một nụ cười mỉm, và câu trả lời khiến nhiều người bất ngờ. Không phải Ronaldo, không phải bất kỳ cầu thủ nào của đội tuyển BĐN, mà là Jimmy Hagan – một cựu cầu thủ, huấn luyện viên đã qua đời năm 1998.

Sinh tại Hạt Durham (Anh), ông Hagan từng là một tiền đạo khét tiếng của bóng đá Anh trong thập niên 1940, 1950. Ông từng có 17 lần ra sân trong màu áo đội tuyển Anh, tuy nhiên 16 trong đó diễn ra trong thời gian thế chiến và không được Liên đoàn Bóng đá Anh chính thức công nhận. Ông bắt đầu hành nghề huấn luyện với những câu lạc bộ Anh như Peterborough và West Brom. Tới năm 1970, ông có bước ngoặt lớn trong cuộc đời và cũng vô tình thay đổi cuộc đời của... Fernando Santos.

Tại BĐN thời gian ấy, Benfica đang là một siêu cường. Với siêu sao Eusebio trong đội hình, họ đã lọt vào tới chung kết Cúp Châu Âu 1968. Tuy nhiên, sau khi thua Manchester United và chỉ trở thành á quân, đội bóng này bắt đầu xuống dốc. Các cầu thủ không còn khát khao, không muốn luyện tập vất vả. Ban lãnh đạo đội bóng quyết định sẽ tuyển một huấn luyện viên người Anh để xốc lại tinh thần toàn đội. Thời ấy, những nhà cầm quân Anh rất được tôn trọng trên khắp châu Âu. Jimmy Hagan nhận lời.

Gần như lập tức, Hagan soi sáng đường đi cho Benfica. Ông giúp đội này giành danh hiệu trong 3 năm liên tiếp làm việc, trong đó có mùa giải 1972-1973 bất bại. Hagan được biết tới với những buổi tập ngắn hơn nhưng vô cùng nặng nề, thậm chí mang tính “hành xác”. Benfica đã có kỹ năng, và Hagan mang tới chất “thép” cho câu lạc bộ này. Ông sau đó làm việc ở 5 đội bóng khác cũng tại BĐN, góp phần thay đổi quan niệm chơi bóng tại đất nước này.

Fernando Santos chính là người thấm nhuần tư tưởng của Jimmy Hagan. Ông đá ở đội trẻ Benfica khi Hagan mới đến. Sau này, hai người cùng nhau làm việc tại Estoril.

Santos thường được xem lại đại diện của một trường phái bóng đá cứng rắn, thiên phòng ngự và giàu kỷ luật. Đó không phải những mô tả khớp với bóng đá BĐN, nhưng lại đưa họ tới chung kết Euro 2016. Trên thiên đàng, có lẽ Jimmy Hagan cũng mỉm cười...

“Quái” như Fernando Santos

Khi ông Fernando Santos trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia Hy Lạp năm 2010, ông đã áp dụng nhiều khuôn khổ kỷ luật tập luyện nghiêm khắc với các tuyển thủ mỗi lần triệu tập thi đấu. Ảnh hưởng của Jimmy Hagan là rất rõ ràng. Ông luôn đề cao sự quyết tâm và đức hi sinh từ các cầu thủ. Ông cũng không bao giờ thỏa hiệp với những tranh cãi bất hợp lý.

Nani cũng rất chăm, nhưng vì sao anh không hay như Ronaldo?

Một trong những yêu cầu đầu tiên mà ông đưa ra cho đội tuyển Hy Lạp là việc các buổi tập sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng hàng ngày. Tuy nhiên, yêu cầu này của ông Santos đã nhận phải những phản ứng không mấy tích cực từ phía cầu thủ. Họ phàn nàn rằng giờ đó là quá sớm và điều kiện giao thông phức tạp tại Hy Lạp có thể khiến họ không đảm bảo được thời gian có mặt.

“Thế là”, ông Santos trả lời phỏng vấn của một tờ báo Hy Lạp khi ấy, “tôi đổi giờ bắt đầu tập sang 7 giờ sáng. Tôi nói với họ rằng sẽ chẳng có giao thông nào cản trở vào lúc sớm như thế cả. Thế là các cầu thủ lại xin tôi chuyển về 8 giờ”.

D.L.

Vì sao Ronaldo tài giỏi?

Cristiano Ronaldo đang được công luận xây dựng thành một biểu tượng của lòng quyết tâm, khát khao chinh phục và sự cần mẫn, kiên trì. Thế nhưng, anh không phải người duy nhất đáng khen ngợi trên khía cạnh ấy.

Rất nhiều câu chuyện đã được kể lại về cách Cristiano Ronaldo rèn luyện để trở thành cầu thủ hàng đầu thế giới. Sau mỗi buổi tập kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ mỗi tại với các đồng đội, Ronaldo sẽ tự tập thêm từ 30 phút tới 1 tiếng nữa các kỹ năng chạy, bật nhảy, dứt điểm. Sau đó, anh sẽ tập thêm khoảng 5-6 tiếng mỗi ngày các bài tập aerobic, rèn luyện sự dẻo dai của cơ bắp và vắt kiệt năng lượng thừa tiêu cực trong người.

Đó là cách để Ronaldo sở hữu một giai đoạn “đỉnh cao” dài tới vậy, thậm chí, có thể coi rằng anh đang ở đỉnh cao thứ hai của sự nghiệp cá nhân. Thông thường, các cầu thủ chuyên nghiệp thường đạt giai đoạn chơi tốt nhất sự nghiệp từ 26 đến 29 tuổi. Đó là quãng thời gian mà họ đã “chín” cả về thể chất lẫn kinh nghiệm, kỹ năng chơi bóng. Nhưng 3 năm qua, Ronaldo vẫn tiếp tục ở đỉnh cao, nhờ sự thay đổi trong lối chơi, và cũng nhờ những sự kỷ luật trong rèn luyện thân thể nói trên.

Ấy vậy nhưng nếu chỉ có những chi tiết ấy thì thật khó để tin rằng Ronaldo là cầu thủ hàng đầu thế giới. Rất đơn giản bởi... nhiều người khác cũng như vậy. Ví dụ: Emre Can trong thời gian gặp chấn thương chân vẫn tiếp tục đến phòng tập thể hình 8 tiếng mỗi ngày; Arjen Robben và Douglas Costa luôn tự tập luyện trong phòng tập tại gia tới đêm khuya để xây dựng thể chất thật tốt. Chẳng đâu xa, Nani – đồng đội lâu năm của Ronaldo tại Manchester United và tuyển Bồ Đào Nha – cũng là một tấm gương.

Cũng giống như Ronaldo, Nani từng có một thời gian ngắn của tuổi trẻ vui chơi nhảy múa. Nhưng rồi anh đã lao vào tập luyện hàng ngày, để có những cuối tuần thi đấu tốt nhất. Nani bây giờ là một cầu thủ với nền tảng thể lực thượng thừa và thân hình lực lưỡng.

Nhưng vì sao Nani không thể bằng Ronaldo? Câu trả lời thực ra rất đơn giản. Ngay từ khi đưa Nani về Old Trafford, các tuyển trạch viên của Man United đã có thể khẳng định rằng trần tiềm năng của Nani không cao bằng Ronaldo. Những chấn thương nặng trong một thời gian dài cũng đã khiến sự nghiệp của anh không thể vươn hẳn thành một ngôi sao đích thực.

Rất dễ để chỉ ra một cầu thủ lười biếng, ăn chơi sa đọa. Nhưng không khó để tìm thấy những hình mẫu về sự chăm chỉ trong giới cầu thủ, nếu không muốn nói rằng hầu hết đều là những người cần mẫn một cách khó tin.

Và đây cũng là một góc nhìn để thấy rằng Ronaldo tài ra sao. Thực chất, anh vẫn luôn là một cầu thủ trẻ với tiềm năng ngút trời. Chỉ là trong ánh nhìn dễ dãi của đại chúng, họ muốn tin rằng Ronaldo đã chăm chỉ để tự vượt qua chính mình mà thôi.

Vu Chân

Dũng Lê
.
.
.