Có hay không Brexit, tuyển Anh vẫn “vô đối” ở EURO

Chủ Nhật, 26/06/2016, 08:18
Cả thế giới đang sôi sục vì kết quả bỏ phiếu của cử tri Anh về quyết định rời khỏi liên minh châu Âu (EU). Nhưng trong tương lai gần, dù Brexit có xảy ra hay không, Premier League và bóng đá vẫn thống trị sân chơi lớn nhất châu lục, dưới một góc độ nào đó.

Có 368 cầu thủ sẽ tranh tài ở vòng 1/8 EURO 2016. Trong số này, chiếm 1/3 là những cái tên đang thi đấu trên lãnh thổ liên hợp Anh.

138 con người này đã gắn bó với Premier League và các giải đấu khác thuộc hệ thống liên đoàn thể thao khối thịnh vượng. Một con số đủ nói lên sự bành trướng của nền bóng đá khai sinh ra môn thể thao vua.

Nhưng chưa hết. Theo UEFA, trong 69 cầu thủ đã chơi đủ 3 trận vòng bảng EURO 2016, chỉ 2 người đang chơi bóng ngoài lãnh thổ quốc đảo Anh.

Ở vòng loại đầu tiên của giải đấu trên đất Pháp, duy nhất 2/16 đội tuyển không dùng nguồn hàng cung cấp từ xứ sương mù là Croatia và Hungary – những nền bóng đá hiếm hoi coi Bundesliga là mô hình phát triển kiểu mẫu.

Thậm chí, có những đội lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ đảo quốc mặt trời không bao giờ lặn, tiêu biểu phải kể tới Ireland và xứ Wales (22), Pháp và Bỉ (11).

Tức là, dù có tìm mọi cách chê bai Premier League là giải đấu giàu tính giải trí thì chẳng thể phủ nhận tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa của nó và các cấp cơ sở lên nền bóng đá phổ quát lục địa già.

Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, khi kết quả thăm dò cử tri ở Anh cho thấy quá nửa dân số nước này muốn Anh rời khỏi EU, những nghi ngại đã manh nha xuất hiện.

Họ sợ rằng nếu Anh tách khỏi liên minh châu Âu, Premier League và những giải đấu cấp CLB sẽ mất đi đặc quyền về giấy phép lao động, vì thế cơ hội tiếp cận những cầu thủ giỏi bị hạn chế, mà nếu mua được thì cũng phải mất một số tiền khổng lồ.

Nhưng hãy nhớ rằng, Brexit mới là ý tưởng ở dạng thô sơ chưa qua chế biến. Cần tối thiểu 2 năm để quyết định này được viết thành văn tự và trình cho quốc hội thông qua.

Từ đó đến nay, vẫn còn thời gian cho những cá nhân muốn “cứu” người Anh khỏi làn sóng Brexit, và khả năng đảo ngược tình thế không phải không có khả năng, đặc biệt nếu nhìn lại đặc điểm “coup de tat” – “khởi nghĩa, lật đổ” của chính trường phương Tây trong quá khứ.

Hơn nữa, cứ cho Brexit có hiệu lực thì nước Anh nói chung và Premier League nói riêng còn nguyên “cửa” nới lỏng luật giấy phép lao động cho những cầu thủ không có quốc tịch Anh.

Trả lời hãng thông tấn lớn nhất thế giới sử dụng tiếng Tây Ban Nha EFE, hai luật sư  Manuel Mateo and Angel Olmedo, Anh có thể đảm bảo một phần quyền lợi bằng cách giữ nguyên vị trí trong khu vực kinh tế châu Âu (EEA), nơi họ chắc chắn không gặp khó khăn trong việc thu mua sản phẩm chất lượng cao từ La Liga.

Trong 2 năm tới, ít nhất là tới World Cup 2018, hãy cứ tin rằng mùi hương Premier League sẽ phảng phất khắp các sân cỏ nước Nga.

Và tới EURO 2020, khi giải đấu chuyển sang thể thức vòng tròn (đá league), diễn ra ở 13 địa điểm khác nhau quanh năm, thời gian để nhóm ngôi sao ngoại quốc đảm bảo cái tiêu chí “Cầu thủ từ một quốc gia thuộc top 10 BXH FIFA (thông qua quy định của FA) cần chơi tối thiểu 30% số trận của ĐTQG nước này trong 2 năm trước khi đăng ký xin giấy phép lao động” cũng sẽ được rút ngắn, thay vì cảnh mỗi năm tập trung đôi ba tháng, việc lựa chọn cầu thủ cho ĐT đôi khi phụ thuộc vào “phong độ nhất thời” chứ không phải “đẳng cấp mãi mãi”.

Nhưng rốt cuộc, hiện tại mới là thứ đáng bàn, còn tương lai là chuyện vô địch, hãy cứ để… tương lai phán xét. Brexit có đi vào văn bản hay không, chờ hồi sau sẽ rõ.

Còn bây giờ, EURO 2016, mang đậm “chất Anh”. 

Khải Huyền
.
.
.