Cách thời điểm phá án hơn một tuần, Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã thông báo ngắn gọn “Cục chuẩn bị phá đường dây vận chuyển ma túy quy mô lớn, nhà báo chuẩn bị phương tiện tác nghiệp. Thời gian, địa điểm sẽ thông báo sau”. Do thấu hiểu quy trình phá án, tôi không tiện hỏi anh nhiều, vì đảm bảo tính bí mật của hoạt động điều tra.
Đến thời điểm phá án, chúng tôi nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Khi đó, các trinh sát, lính đặc nhiệm đã khống chế, khóa trói được Huang Zai Wen (SN 1967, quốc tịch Trung Quốc), Thào A Dơ (SN 1982, quê Điện Biên), Thào Nở Páo (SN 1974, quê Đắk Nông) và Lý A Vừ (SN 1987, quê Đắk Nông) và thu giữ 300kg ma túy tại Công ty Hashan trong khu dân cư phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Bên ngoài công ty, cảnh sát đặc nhiệm cũng phong tỏa nghiêm ngặt, phòng ngừa đồng bọn nhóm Wen manh động giải cứu đồng bọn.
Trinh sát N.T, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cho biết: "Từ khi xác lập chuyên án đấu tranh, tôi cùng đồng đội luôn túc trực chiến đấu chờ lệnh của lãnh đạo cấp trên. Quá trình đeo bám đối tượng gặp phải rất nhiều khó khăn, các tổ trinh sát phải theo chúng qua nhiều tỉnh thành như: TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước... Chỉ cần một chút thiếu sót thì có thể mất dấu bọn chúng. Có khi chúng vào khách sạn, nghỉ tá túc, lúc thì quán nước. Thậm chí, chúng còn chạy xe với tốc độ cao để trinh sát không kịp bám theo. Tuy nhiên, với nghề trinh sát, anh em đã tính toán, xử lý chuẩn xác mọi tình huống".
Thượng tá Khưu Thanh Triều, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an, kể lại: “Tôi vừa trở về sau khi kết thúc khóa học chuyên sâu về lý luận chính trị tại Học viện Chính trị CAND, thì nhận được lệnh của lãnh đạo cấp trên về việc, chuẩn bị phối hợp cùng các lực lượng nghiệp vụ khác để đánh án. Ngay sau đó, tôi đã quán triệt tư tưởng, nhận thức cho từng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát đặc nhiệm tham gia ban chuyên án. Bởi lẽ, đây là chuyên án lớn, các đối tượng vận chuyển mua bán ma túy số lượng lớn có thể sử dụng vũ khí nóng hòng chống trả quyết liệt lực lượng vây bắt nhằm mở đường thoát thân. Cũng giống như những người lính hình sự, ma túy khi tham gia chuyên án, lính đặc nhiệm phải tuyệt đối thận trọng, tỉ mỉ tránh để động đối tượng. Suốt hơn 6 ngày (từ ngày 14 đến 20-3-2019), anh em thường xuyên cùng tổ trinh sát đeo bám đối tượng. Tôi luôn động viên để đồng đội yên tâm tư tưởng phá án”.
“Điển hình, khoảng 9h ngày 19-3, Dơ, Pháo và Vừ sử dụng xe ô tô hiệu Toyota bán tải BKS 51D-28297 từ cửa khẩu Bờ Y lưu thông về hướng TP Hồ Chí Minh. Khoảng 0h5’ ngày 20-3, khi cả nhóm đến địa bàn thuộc huyện Bù Đăng (Bình Phước), thì bất ngờ quay trở lại Đắk Nông thuê khách sạn nghỉ để đánh lạc hướng Công an. Khi mặt trời chưa ló rạng, chúng lại tiếp tục điều khiển ô tô về hướng TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trinh sát không bắt giữ các đối tượng ngay, mà chờ thời điểm tập kết, giao hàng cho Wen. Bên cạnh đó, cũng để nhận diện, đánh giá được đối tượng, mức độ nguy hiểm của quá trình tiếp cận bắt giữ. Nếu chúng sử dụng vũ khí nóng thì lực lượng truy bắt sẽ đề ra phương án chiến đấu phù hợp, an toàn cho người dân và trinh sát”, trinh sát T. cho biết thêm.
Cũng theo đồng chí Triều, nhờ sự mưu trí, kiên quyết và khôn khéo, nên khi các đối tượng tổ chức giao nhận hàng trong công ty thì bất ngờ bị hai tổ trinh sát tạo thành gọng kìm quật ngã, bắt giữ. Nếu đối tượng có sử dụng vũ khí nóng cũng không kịp trở tay. Lực lượng vây bắt đã chủ động chuẩn bị tốt phương án tấn công, trang bị đầy đủ về áo giáp, súng đạn và các phương tiện khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được ban chuyên án phân công.
Tại thời điểm bị bắt quả tang, chúng còn ráo hoảnh, biện minh rằng, đây là hoạt động giao nhận hàng thường xuyên của doanh nghiệp. Chỉ khi Công an thu giữ 300kg ma túy thì cả nhóm mới khai nhận nhỏ giọt. Mở rộng điều tra, Công an bắt 7 đối tượng khác; phối hợp cùng Cảnh sát Philippines thu giữ thêm 276kg ma túy.
Qua vụ án trên, Thượng tá Ngô Thanh Bình khuyến cáo: Tệ nạn ma túy là vấn đề xã hội nhức nhối, luôn để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, kinh tế, nhân cách cho người sử dụng, gia đình và sự bất ổn cho toàn xã hội. Khi đã lệ thuộc vào ma túy, sự phát triển thể chất, tâm, sinh lý, trí tuệ, nhân cách của cá nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày nay, sự nguy hại còn nghiêm trọng hơn khi việc lạm dụng các loại ma túy tổng hợp như “Ma túy đá”, “Cỏ Mỹ”, Ketamin… là những chất tấn công trực tiếp, hủy hoại hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác và hoang tưởng mạnh.
Gần đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, đấu tranh khám phá nhiều vụ án ma túy lớn. Có những vụ phát hiện hàng trăm bánh heroin và hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong vụ án trên, đối tượng “núp bóng” doanh nghiệp và lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để vận chuyển ma túy đến nước thứ 3 tiêu thụ. Do vậy, mọi phương án tấn công, truy bắt phải luôn đảm bảo chủ động, bí mật, bất ngờ để đối tượng không kịp trở tay…
Trước đây, nguồn ma túy từ nước ngoài (chủ yếu từ vùng “Tam giác vàng”) vận chuyển vào Việt Nam qua biên giới các tỉnh phía Bắc. Sau đó ma túy được vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác để tiêu thụ hoặc đưa sang nước thứ 3.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sau khi hàng loạt các trùm ma túy lấy hàng từ các tỉnh phía Bắc đưa vào Nam như Đỗ Thái Dũng (tư Toàn, SN 1991; quê quán Ngô Quyền, Hải Phòng), Vũ Ngọc Thắng (SN 1975; quê quán phường Bà Triệu, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), Lê Văn Phương (SN 1971; ngụ phường 14, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), Trần Kim Yến (SN 1987, ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh), Văn Kính Dương (tự Hoàng “béo”, SN 1980; quê quán Hà Nội)… bị bắt giữ thì nguồn ma túy tuồn vào Việt Nam bằng đường bộ có sự thay đổi rõ rệt.
Về đường hàng không, ma túy vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, nguồn ma túy từ 3 khu vực phức tạp nhất trên thế giới là Nam Mỹ, Trăng lưỡi liềm vàng và Tam giác vàng. Qua hai vụ bắt giữ lượng ma túy “khủng” gần đây ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, những tay “trùm” ma túy ở nước ngoài đã chuyển hướng vận chuyển ma túy vào Việt Nam qua biên giới các tỉnh phía Nam, tiếp giáp với Lào và Campuchia.
Thủ đoạn của chúng là cất giấu ma túy trong lớp lót của va-li hai đáy; trong các thiết bị âm thanh, điện tử; trong thùng trái cây, hộp thực phẩm, mỹ phẩm… Kẻ đứng sau các đường dây vận chuyển hầu hết là người châu Phi, thông qua điện thoại, internet để điều hành toàn bộ đường dây tội phạm chứ không bao giờ xuất đầu lộ diện.
Chúng thuê người nước ngoài vận chuyển ma túy vào Việt Nam và thuê người Việt Nam vận chuyển ma túy đến nước thứ 3. Người vận chuyển hoàn toàn không biết ai thuê mình, lộ trình ra sao mà hoàn toàn thụ động thực hiện theo chỉ đạo của kẻ cầm đầu.
Vì vậy mà các đường dây ma túy bị triệt phá chỉ bắt được người làm thuê, còn kẻ chủ mưu vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, lượng ma túy bị phát hiện qua đường hàng không cao nhất chỉ vài ki-lô-gam ma túy chứ không nhiều như hai vụ vừa qua.
Xuất phát từ thực tế đó, tháng 9-2012, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã ban hành quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm vận chuyển ma túy qua đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và đã đạt hiệu quả khá cao.
Lực lượng phối hợp này khi cần thiết có thể sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra một số tuyến bay trọng điểm phức tạp về ma túy. Đồng thời mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm ma túy qua tuyến hàng không với các nước Australia, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Ấn Độ…
Từ đó, ma túy vận chuyển qua đường hàng không đã giảm khá nhiều trong thời gian gần đây. Thi thoảng cơ quan chức năng cũng phát hiện một vài trường hợp nhưng không phải vận chuyển ma túy qua đường hành khách xuất nhập cảnh mà chuyển sang phương thức cất giấu trong hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy. Và khi chuyển ma túy từ Việt Nam sang nước thứ 3 chúng cũng áp dụng theo chiêu thức này.
Lý giải về việc tội phạm ma túy chọn TP Hồ Chí Minh làm nơi trung chuyển mà không phải ở các tỉnh phía Bắc, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân là do thời gian gần đây, Bộ Công an chỉ đạo đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy ở các tỉnh biên giới phía Bắc nên chúng bị động, thay đổi địa bàn hoạt động.
Mặt khác, kết nối giao thông từ trung tâm sản xuất ma túy (vùng “Tam giác vàng”) đến TP Hồ Chí Minh và từ TP Hồ Chí Minh đến nước thứ 3 thuận lợi hơn ở các tỉnh phía Bắc vì có cả cảng hàng không và cảng biển...
Trở lại vụ phát hiện 895 bánh heroin (tương đương khoảng 315kg) đêm 27-3, có thể nói khởi đầu từ sự phát hiện của cán bộ chiến sĩ Đội CSGT An Sương (Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh) khi phát hiện ra chiếc xe tải BKS 20C-163.22 chạy quá tốc độ gần khu vực ở ngã tư An Sương, giáp ranh giữa quận 12 và huyện Hóc Môn.
Khi dừng xe, mặc dù tài xế Trần Vỹ (33 tuổi, người Đài Loan, Trung Quốc) nói tiếng nước ngoài, hai bên bất đồng ngôn ngữ nhưng các cán bộ làm nhiệm vụ hết sức nhẫn nại bằng mọi cách yêu cầu người tài xế xuất trình giấy tờ xe.
Chính sự kiên quyết đó khiến cho những kẻ vận chuyển ma túy không còn con đường nào khác là phải tháo chạy thoát thân. Cùng lúc đó, Tổ 363 Công an TP Hồ Chí Minh đang trên đường tuần tra đã hỗ trợ CSGT bắt gọn hai đối tượng.Đến khi có tài xế taxi (Nguyễn Đình Hồng; SN 1989, quê Thanh Hóa; tạm trú Bình Dương), là người dẫn đường cho Vỹ xuất hiện và đưa tiền “bồi dưỡng” để được bỏ qua nhưng CSGT cương quyết từ chối. Đồng thời đề nghị người đưa hối lộ cần dừng ngay hành động vi phạm pháp luật này và chấp hành nghiêm theo yêu cầu của người thi hành công vụ.
Ngay nhưng khi nhận được thông tin, lãnh đạo Đội CSGT An Sương, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an huyện Hóc Môn đã huy động lực lượng lên đến hơn 100 cán bộ chiến sĩ kịp thời có mặt để bảo vệ hiện trường và xử lý vụ việc.
Bên cạnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng nghiệp vụ, Công an các quận huyện của TP Hồ Chí Minh và Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã nhanh chóng xác định hành tung của 4 người Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu đường dây vận chuyển 895 bánh heroin.
“Công an thành phố đang mở rộng điều tra vụ án và truy bắt các đối tượng còn lại. Đồng thời sẽ phối hợp với phía Đài Loan (Trung Quốc) điều tra làm rõ các lô hàng mà Trần Vỹ và đồng bọn vận chuyển trước đây đến cảng Cao Hùng, Đài Loan. Bởi cách đây khoảng 1 tháng, nhóm này từng chuyển hàng đến một kho ở quận 10 rồi đưa về xưởng mà chúng thuê ở Hóc Môn, sau đó xuất đi Đài Loan bằng đường biển trong đó có 5 thùng hàng có mẫu mã giống như số ma túy đã thu được” - Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết.
Lô hàng 895 bánh heroin mà công an TP thu giữ giống với lô ma túy 300kg mà Cục CSĐT tội phạm về ma túy bắt giữ hôm 20-3. Tuy nhiên, có khả năng hai đường dây này hoạt động độc lập nhưng cùng lấy hàng ở vùng “Tam giác vàng”.
Với diễn biến đó, cho thấy rằng, có khả năng, 2 vụ án ma túy lớn vừa bị triệt phá chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi cội rễ của vấn nạn ma túy không chỉ ở nguồn cung mà còn ở nhu cầu thực tế của xã hội.
Khi mà hơn 223 ngàn con nghiện ở Việt Nam nằm trong diện quản lý (riêng TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 10%) vẫn chưa thoát nghiện và hàng ngày vẫn sử dụng ma túy thì chắc chắn sẽ có nguồn cung để đáp ứng nhu cầu. Theo các trinh sát của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, nếu như mỗi bánh heroin được bán bên Lào với giá 2.000USD thì sang Việt Nam bán được 10.000USD và khi xuất sang nước thứ 3 có thể bán cao gấp 2-3 lần giá bán ở Việt Nam.
Chính lợi nhuận này đã làm kẻ buôn ma túy mờ mắt dù họ biết rằng khi bị phát hiện khó có thể thoát án tử hình. Cũng chính yếu tố này mà hầu hết các tay trùm buôn ma túy luôn kè theo “hàng nóng” bên mình và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.
Cho nên, từ trước đến nay, “cuộc chiến” chống ma túy bao giờ cũng hết sức cam go mà địa bàn “nóng bỏng” như TP Hồ Chí Minh thì gian nan còn nhân lên gấp bội.