Đế chế Nga dù có hơn 10 ngàn km đường biên giới giáp biển, song nước này chỉ có 2 ra duy nhất kết nối quanh năm với các tuyến đường biển đông đúc là từ Biển Đen ra Địa Trung Hải và lối ra Thái Bình Dương ở vùng Viễn Đông xa xôi. Khu vực biển Bắc nối với các nước châu Âu thì chỉ có thể sử dụng vào mùa hè, khi các khối băng dày tan bớt.
Vào năm 1895, Nga hoàng khi đó có kế hoạch táo báo: Chế tạo một con tàu có mũi làm bằng kim loại và đủ sức nặng để trườn lên lớp băng dày rồi phá vỡ nó, mở ra tuyến đường trong vài giờ giúp tàu bè đi lại, giúp tăng cường giao thương của Nga với các nước châu Âu trong mùa Đông giá rét. Và thế là con tàu phá băng thực thụ đầu tiên của nhân loại ra đời: Tàu Yermak, đặt theo tên của vị tướng tài ba nước Nga giúp nước này thôn tính toàn vùng Siberia vào thế kỉ 16.
Theo tài liệu lịch sử, tàu Yermak, hạ thuỷ năm 1898, có thể dễ dàng phá vỡ lớp băng dày tới 2m. Con tàu có lượng giãn nước khoảng 9.000 tấn, dài 97,5m, rộng gần 22m và có chiều cao bằng toà nhà 2 tầng. Về động cơ, tàu Yermak được trang bị động cơ hơi nước 9.000 mã lực, giúp khối sắt+gỗ khổng lồ di chuyển với vận tốc khoảng 12 hải lý. Con tàu có thể mang theo lượng than giúp di chuyển 6.500km mỗi lần ra khơi với thuỷ thủ đoàn 102 người.
Trong những năm đầu phục vụ, Yermak đóng vai trò không thể thiếu trong nỗ lực thiết lập liên kết liên lạc vô tuyến đầu tiên ở Nga giữa đảo Kotka và đảo Gogland và giúp Đế chế Nga mở rộng giao thương.
Trong Thế chiến I, Yermak không ít lần cứu tàu bè của phe Hiệp ước thoát khỏi vòng vây của địch. Tháng 2-1918, vào thời điểm cuộc chiến cam go nhất, chính tàu Yermak đã giúp đoàn 211 tàu chiến, tàu hậu cần của Hạm đội Baltic và tàu buôn đi qua lớp băng mùa Đông ở Vịnh Phần Lan để tránh đòn tập kích của quân đội Đức.
Tuy nhiên, vì kĩ thuật chưa cho phép, tàu Yermak và các thế hệ tàu phá băng chạy bằng động cơ điesel sau này chỉ hoạt động ở khu biển Bắc, Bạch Hải và biển Baltic, nhưng lại quá tốn nhiên liệu. Con tàu không đủ sức mở đường cho tàu bè đi lại trên tuyến đường xa hơn về phương Bắc.
Vào năm 1953, Liên Xô ra quyết định táo bạo là đóng một con tàu phá băng chạy bằng nhiên liệu hạt nhân. Năm 1959, tàu phá băng nguyên tử đầu tiên trên thế giới mang tên “Lenin” được hạ thuỷ. Khi xuất hiện, nó cũng đồng thời là tàu mặt nước đầu tiên, tàu dân sự đầu tiên trên thế giới được trang bị một động cơ hạt nhân.
Để đóng được tàu Lenin, khoảng 300 xí nghiệp công nghiệp, viện nghiên cứu khoa học Liên Xô được huy động. Do Liên Xô khi đó không có xưởng đóng tàu nào đủ sức chứa tàu Lenin (dài 134m, rộng 28m và cao tới 46m), nên mọi hoạt động với con tàu đều công khai ngoài trời. Dự án thu hút đến mức Thủ tướng Anh Harold Macmillan, phó Tổng thống Mỹ Nixon và Chủ tịch Cuba Phidel Castro đều từng ghé thăm con tàu.
Nhờ tính ưu việt, tàu Lenin mở ra một thời kì hoàn toàn mới cho cho ngành hàng hải Liên Xô, đồng thời tạo ra một cuộc chạy đua với các nước ở khu vực, bởi nó giúp khai thông những tuyến đường xa xôi nhất mà không bị giới hạn bởi thời gian đi đường và nhiên liệu. Các thuỷ thủ có thể lênh đênh trên biển hàng năm, miễn là họ có đủ thực phẩm.
Theo RBTH, Lenin là tàu đầu tiên trên thế giới hoạt động trên biển vùng cực suốt 13 tháng liên tục... Trong 30 năm hoạt động, tổng hành trình trên băng mà con tàu đã trải qua bằng 30 vòng trái đất. Nó giúp hàng ngàn tàu bè đi lại, đồng thời cho phép Liên Xô vận chuyển hàng hoá tới những vùng cực xa xôi nhất, cũng như nghiên cứu địa chất, khai khoáng.
Năm 1975, Liên Xô tiếp tục cho ra đời tàu phá băng chạy bằng nhiên liệu hạt nhân Arktika. Con tàu trở thành phương tiện mặt nước đầu tiên đưa con người tới điểm Cực Bắc vào năm 1977....
Hôm 25-5 vừa qua, Nga hạ thuỷ tàu phá băng chạy bằng nhiên liệu hạt nhân có tên Ural. Theo RT, tàu Ural có kích thước lớn hơn tàu Lenin và mạnh gấp đôi. Con tàu sẽ được biên chế vào năm 2020 và trở thành một trong ba con tàu phá băng lớn và mạnh nhất thế giới.
Điều đáng nói là chúng toàn bộ thuộc về người Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho biết, trong thập niên tới hạm đội Bắc Cực của Nga sẽ vận hành ít nhất 13 tàu phá băng hạng nặng, 9 trong số đó sẽ chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Nga không phải nước duy nhất đang nỗ lực khẳng định quyền tài phán của mình trên các khu vực thuộc Bắc Cực. Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đang tham gia vào nỗ lực đó. Trung Quốc, một người chơi mới, cũng đã thể hiện sự quan tâm đến vùng đất màu mỡ này.
Tuy nhiên, Nga đã cho thấy hiện diện ở Bắc cực là mục tiêu hàng đầu, bởi khu vực lớn này được cho là chứa 1/4 tổng trữ lượng dầu và khí tự nhiên chưa khai thác của Trái đất. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng giá trị khoáng sản của Bắc cực ước tính khoảng 30 nghìn tỷ USD.
Dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, các khối băng ở Bắc Cực đang tan chảy, làm gia tăng khả năng tiếp cận tới trữ lương dầu khí khổng lồ cùng các nguồn khoáng sản khác ở Bắc Cực cũng như mở ra một tuyến giao thương đường biển hoàn toàn mới nối châu Âu với khu châu Á.
Với đội tàu phá băng hùng hậu, từ năm 2010, Nga đã giúp các tập đoàn dầu khí tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên dầu khí khổng lồ ở Bắc Cực, cũng như mở đường cho hàng trăm lượt tàu bè di chuyển trên tuyến đường vành đai phía Bắc. Tuy nhiên, không thuận lợi như khai thác khoáng sản, do điều kiện thời tiết, tuyến đường biển Đông Bắc chỉ hoạt động được vài tháng.
Thế nhưng theo đặc phái viên báo Le Monde chỉ trong một vài năm nữa tuyến đường Đông Bắc sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn, nhờ dự án đầu tư khổng lồ Yamal của tập đoàn Nga Gazprom. Các công ty Nga khẳng định, trong một thập niên tới, hàng năm sẽ có 20 triệu tấn hàng được chung chuyển qua ngả này, thay vì khoảng 1 triệu tấn như ngày nay.
Theo AP, ngoài đội tàu phá băng hùng hậu, tại vùng Bắc Cực, Nga cũng đang xây dựng một cơ sở hạ tầng mới và đại tu các cảng biển của mình. Năm 2007, Nga là nước đầu tiên điều 2 tàu ngầm tới cắm lá cờ của mình xuống đáy biển ở Bắc Cực - hành động có tính biểu tượng như việc Mỹ cắm lá cờ đầu tiên lên Mặt trăng.
Trong thập niên này, Kremlin đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để hiện đại hóa các cơ sở từ thời Liên Xô tại đây. Tiền đồn quân sự trên đảo Kotelny nằm ở tuyến đường biển phương Bắc cách bị lãng quên sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nhưng một căn cứ mới hiện đại được người Nga khởi công xây dựng năm 2014 nay đã hoàn thành, trở thành tiền đồn quân sự hiện đại nhất thế giới ở Bắc Cực.
"Chúng tôi không che giấu việc này. Thực tế, chúng tôi đã xây xong một căn cứ quân sự ở ở đảo Kotelny thuộc quần đảo Novosibirsk", RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói khi đó. "Đây là một căn cứ khá lớn. Ngay cả thời Liên Xô cũng không có công trình nào lớn như vậy ở Bắc Cực".
Căn cứ được đặt tên là Severny Klever (nghĩa là Cỏ ba lá phía Bắc) dựa vào hình dạng của nó, và được sơn màu cờ Nga. "Cỏ ba lá" có thể chứa 250 quân nhân vận hành các hệ thống giám sát dưới biển, trên không, và phòng thủ bờ biển như các tên lửa chống hạm trong hàng năm trời mà không cần tiếp tế.
Về vũ khí, do được thừa hưởng từ Liên Xô nên khí tài Nga cũng rất đặc biệt. Toàn bộ dàn tàu ngầm hạt nhân của Nga đều có khả năng trồi lên ở vùng cực để hoạt động khi cần thiết. Nga hiện sở hữu trên dưới 10 tàu loại này. Mỗi tàu ngầm lại được trang bị các loại vũ khí tối tân có thể tấn công mục tiêu trên mặt nước, hay dưới lòng biển, giúp Nga duy trì khả năng răn đe.
Ngoài ra, trong năm 2018, Nga cũng thành lập và trang bị xong một loạt phương tiện vũ khí thửa riêng cho hoạt động ở Bắc Cực. Các loại vũ khí này bao gồm tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-SA hay Tor-M2DT. Các phương tiện hậu cần và vận tải cũng được thiết kế lại để hoạt động thường xuyên trong điều kiện thời tiết lạnh giá.
Nhiều người cho rằng thật phi lý khi đầu tư nhiều nguồn lực đến một khu vực ẩm ướt, băng giá và lộng gió quanh năm. Tuy nhiên, chuyên gia Heather Conley, giám đốc chương trình châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận xét việc tăng cường hiện diện ở Bắc Cực thể hiện tầm nhìn xa của giới lãnh đạo ở Điện Kremlin trong bối cảnh tương lai họ phải bảo vệ những giàn khoan dầu khí của các công ty nhà nước hay canh chừng các lực lượng hải quân phương Tây. Rõ ràng, người Nga đang thực hiện một chiến lược tổng thể để chiếm ưu thế tuyệt đối tại Bắc Cực.
Mặc dù vậy, các động thái triển khai sức mạnh ra khu vực của Nga cũng đã khiến nhiều nước khó chịu ra mặt. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp của Hội đồng Bắc cực ở Roveaniemi (Phần Lan) vào đầu tháng 5-2019 đã tuyên bố rằng Bắc cực giờ đã trở thành “một đấu trường toàn cầu”.
Hội đồng có 8 nước Bắc cực và đại diện của người dân bản địa ở vùng này. Ngoại trưởng Pompeo thể hiện sự không hài lòng với việc Nga đang gia tăng hiện diện quân sự ở đây và đưa ra các yêu cầu đối với tàu bè nước ngoài phải xin phép Moscow trước khi đi qua Tuyến đường biển phương Bắc.
Theo trang tin Global Post, Na Uy cũng cảm thấy bất an trước hàng loạt động thái của Nga như cắm cờ dưới lòng biển Bắc Cực, triển khai máy bay ném bom chiến lược sát không phận Na Uy.
"Cách đây vài năm, phát ngôn của Nga về Bắc Cực thường là những thuật ngữ như phát triển hòa bình, giảm căng thẳng và giảm hoạt động quân sự nhưng hiện nay, các lãnh đạo Nga thường đề cập đến sự cần thiết phải tăng cường hoạt động quân sự ở Bắc Cực", trung tướng Kjell Grandhagen, giám đốc Cục Tình báo Na Uy, từng bình luận. "Họ muốn trở thành cường quốc có vị thế quan trọng trên phạm vi toàn cầu. Điều này khiến họ trở nên khó đoán".
Ngoài ra, các hoạt động của Nga ở Bắc Cực cũng vấp phải phản đối của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Họ cho rằng hoạt động tăng cường của Nga ở Bắc Cực làm băng tan nhanh hơn, khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng và làm các sinh vật như gấu Bắc Cực và hải cẩu hết đất sinh sống.