Đúng 11h30 ngày 15/11, lễ ký kết trực tuyến Hiệp định RCEP đã diễn ra một cách trang trọng, bài bản và đầy cảm hứng. Sau khi Hội nghị cấp cao RCEP kết thúc, các nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến lễ ký kết. Cụ thể, Bộ trưởng phụ trách thương mại các nước đại diện đứng ra ký kết Hiệp định. Như ở Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký vào Hiệp định dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo giới thiệu của người dẫn chương trình, trong lúc Bộ trưởng các nước ký Hiệp định, các nhà lãnh đạo đứng lên để chứng kiến. Ký xong, các Bộ trưởng phải đứng lên, cầm bản Hiệp định có chữ ký hướng về phía camera và giữ nguyên trong 5 đến 10 giây để chụp hình. Lần lượt các nước sẽ ký trong đó các nước đối tác ký trước theo thứ tự bảng chữ cái. Australia là quốc gia đầu tiên và Bộ trưởng Thương mại-Du lịch và Đầu tư Australia Simon Birmingham là người đầu tiên ký Hiệp định. Đến lượt các nước thành viên ASEAN ký, đầu tiên là Brunei và kết thúc là Việt Nam. Và để có một tấm hình kỷ niệm lễ ký kết ở 15 điểm cầu, các nhà lãnh đạo và Bộ trưởng cùng đứng lên, hướng văn bản về phía camera và cùng mỉm cười theo hiệu lệnh từ người dẫn chương trình. Màn hình ở mỗi đầu cầu sẽ được chia nhỏ thành 16 hình ảnh khác nhau trong đó có 15 hình ảnh ở 15 điểm cầu các nước và 1 hình ảnh từ Ban thư ký ASEAN.
Điều đáng chú ý là sau lễ ký kết, có hình ảnh Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao Hiệp định đã ký kết cho Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi. Lúc này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở Hà Nội còn Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi thì ở trụ sở Ban thư ký ASEAN tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Vậy việc trao sẽ được thực hiện xuyên không gian như thế nào? Thực tế rất đơn giản, ở hai đầu cầu Hà Nội và Jakarta, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi cùng bước lên sân khấu và cầm theo bản Hiệp định đã ký. Đứng bên cạnh hai nhà lãnh đạo ở hai đầu cầu là nhân viên lễ tân. Máy quay ở hai nơi thì thu gọn khung hình vào hai nhà lãnh đạo. Sau đó, theo hiệu lệnh của người dẫn chương trình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa văn bản về phía nhân viên lễ tân đứng bên cạnh còn nhân viên lễ tân ở Jakarta thì đưa văn bản về phía Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi. Với những người chứng kiến trực tiếp là vậy. Còn với hình ảnh được đưa lên màn hình ở những điểm cầu khác, người ta có cảm giác như đúng là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa tận tay văn bản ký kết cho Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jack Hoi. Nguyên do là vì hai camera quay ở hai đầu cầu chỉ hướng vào hai nhà lãnh đạo nên tạo một sự chuyển tiếp rất nhịp nhàng, hợp lý và đầy thú vị.
RCEP có sự tham gia của 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định nhằm mục đích giảm thuế quan, tăng cường chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa các quy tắc về thương mại điện tử mới. Đây sẽ là khuôn khổ thương mại tự do đầu tiên của Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc - hai đối tác thương mại quan trọng của xứ sở hoa anh đào. RCEP mang ý nghĩa thúc đẩy hoạt động thương mại giữa ba nước Nhật - Trung – Hàn. Hiệp định cũng là động thái khu vực quan trọng nhất trong thời gian gần đây. Sau lễ ký kết RCEP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về sự ủng hộ hệ thông thương mại đa phương. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.
Hiệp định RCEP có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế và kỹ thuật và mua sắm của chính phủ. Để hiệp định có hiệu lực, ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định. Các nhà lãnh đạo của RCEP cho biết, hiệp định là mở và toàn diện. RCEP theo đó vẫn để mở cho Ấn Độ - quốc gia đã rút khỏi trong quá trình đàm phán - gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. Các quốc gia ký RCEP, sau khi Hiệp định RCEP được ký, sẽ tiến hành đàm phán với nước này bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định gia. Ấn Độ cũng có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia ký RCEP thực hiện.
RCEP sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các quy tắc trong khoảng 20 lĩnh vực, bao gồm các luồng hàng hóa xuyên biên giới. Đối với Nhật Bản, thỏa thuận sẽ giảm bớt thuế quan cho các các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định Đối tác kinh tế Nhật Bản - Liên minh châu Âu (EU). RCEP cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với 61% hàng hóa nhập khẩu sang Nhật Bản từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, cùng với 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc.
Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, Bộ trưởng Thương mại-Du lịch và Đầu tư Australia Simon Birmingham đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định RCEP và nhấn mạnh, đây là một thỏa thuận có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt biểu tượng vào thời điểm bất ổn thương mại toàn cầu. “Việc ký kết thỏa thuận phát đi một thông điệp thực sự mạnh mẽ và hữu hình rằng khu vực của chúng ta và các đối tác, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn cam kết theo đuổi các nguyên tắc thương mại, mở cửa và tham vọng”, ông Simon Birmingham nói. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại-Du lịch và Đầu tư Australia cho biết, RCEP cũng sẽ giúp củng cố chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và thiết lập các quy tắc thương mại điện tử mới trong toàn khu vực.
Nói rõ hơn về lợi ích của RCEP, báo chí châu Âu cho hay, hiệp định sẽ giúp cắt giảm hàng rào thuế quan, thiết lập các quy tắc thương mại chung và do đó cũng tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng. Cụ thể, như tờ Toàn cảnh Frankfurt đánh giá, một khu vực thương mại lớn nhất thế giới đang hình thành ở châu Á mà không có châu Âu và Mỹ. Nhiều nhà phân tích còn chỉ rõ, RCEP có điểm tương đồng rõ ràng về tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - vốn được kỳ vọng ký kết dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama nhằm tạo cho Washington ưu thế trong việc viết ra các quy tắc thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện nay, đang phải đối mặt với sự bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Hãng Bloomberg thì cho hay, từ sau khi Mỹ rút khỏi TPP, nhiều nước được cho là hưởng lợi từ TPP chuyển sự chú ý sang RCEP. Ngoài điểm chung là có sự cam kết mở rộng và cam kết tự do hóa sâu hơn trong thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, 2 hiệp định này có nhiều khác biệt dễ nhận thấy. Quy mô RCEP là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác. Còn TPP là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các nước thành viên TPP chiếm 32% GDP của thế giới và 26% thương mại toàn cầu trong khi các nước RCEP chiếm 29% GDP thế giới và 28% thương mại toàn cầu. Động lực chính của TPP là Mỹ nhưng Mỹ đã rút và TPP không có sự tham gia của Trung Quốc. Còn RCEP do ASEAN lãnh đạo và được Trung Quốc hỗ trợ tích cực, không bao gồm Mỹ. Mục đích TPP vượt qua giới hạn của sự tự do hóa hàng hóa và dịch vụ, nhấn mạnh vào các mảng quan trọng đối với các nước phát triển, chẳng hạn như những điều kiện kinh doanh, các tiêu chuẩn, quy định và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Hiệp định RCEP thì chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ. Điều này không có nghĩa là RCEP không chứa nhiều tham vọng. Cụ thể, RCEP bắt đầu sớm hơn trên một số phương diện, chủ yếu là về quy tắc hoạt động và không có sự phân biệt đối xử nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại trong khuyến khích hợp tác khu vực.
Trong thời điểm mà thị trường tài chính toàn cầu đang khao khát sự ổn định - cả về hệ thống chính trị và triển vọng kinh tế, RCEP mang lại tín hiệu lạc quan cho Châu Á-Thái Bình Dương. RCEP cũng được cho là có sức ảnh hưởng đến động thái của các khối thương mại quan trọng khác. Nhà kinh tế Radhika Rao thuộc Ngân hàng DBS tại Singapore còn nhận định, hiệp định mang lại cho khu vực cơ hội biến "công xưởng của thế giới" thành "thị trường của thế giới". Thậm chí, William Reinsch, một quan chức thương mại trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington còn nhận xét, việc RCEP có thể thay đổi được động lực trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc hay không còn phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ. "Nếu Mỹ tiếp tục làm ngơ, cán cân sẽ nghiêng về phía Trung Quốc", ông Reinsch nói và nhấn mạnh, dù RCEP không phủ rộng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng việc thực thi hiệp định này cũng có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với khối hợp tác kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn với tổng GDP hơn 28.000 tỷ USD.
Báo cáo về thách thức và cơ hội từ RCEP đối với doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, xét về thương mại, RCEP là cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định là rất lớn. Đây cũng là thị trường không quá khó tính (ngoại trừ Australia, Nhật, New Zealand), có nhu cầu là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản vùng nhiệt đới và thực phẩm chế biến. Đặc điểm của chuỗi sản xuất RCEP là bao trùm cả chuỗi sản xuất gần như hoàn chỉnh của nhiều loại hàng hóa như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… Tuy nhiên, VCCI cũng cảnh báo, trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…
Không chỉ là chuyện xuất khẩu hàng hóa, gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, cải cách hải quan, mà RCEP sẽ là hiệp định mang tính toàn diện, mở rộng cho tự do đầu tư trực tiếp, thương mại dịch vụ, kể cả dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics, bán hàng điện tử với các nước thành viên, trong đó có Trung Quốc. Nếu như EVFTA và CPTPP mang lại cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn, hướng đến thị trường khó tính, đưa ra các điều kiện cao giúp doanh nghiệp nội địa biết tự nâng mình lên, nâng chất lượng hàng hóa lên; thì RCEP là một thị trường mênh mông hơn, nhưng tiêu chuẩn thấp hơn, mà trong đó, Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho cạnh tranh khốc liệt hơn.