“Hoặc là thỏa thuận của tôi hoặc là chẳng có thỏa thuận nào cả”, đây là lời khẳng định, cũng như tôn chỉ đàm phán của Thủ tướng Anh Theresa May trong mọi cuộc gặp với lãnh đạo EU và cả các thành viên Hạ viện phản đối bản dự thảo thỏa thuận Brexit trong nhiều tháng qua.
Bà May được chọn làm Thủ tướng Anh thay thế ông David Cameron cách đây hai năm với nhiệm vụ đưa Anh rời khỏi EU theo ý nguyện của quá bán số phiếu trưng cầu ở nước này về Brexit, nhưng bà lại thuộc phe ủng hộ “Brexit mềm”, tức hướng nước Anh rời khỏi EU nhưng không phải cắt đứt hoàn toàn quan hệ, mà kèm theo các thỏa thuận theo hướng thỏa hiệp.
Sau khi nằm quyền, nội các của bà May miệt mài tìm kiếm một thỏa thuận với Brussels để tránh kịch bản Anh rời EU đột ngột. Tuy nhiên, khi bản dự thảo ra đời, các điều khoản trong đó lại vướng sự phản đối của Công đảng đối lập và đảng Dân tộc Scotland; cùng những người có tư tưởng chống EU trong đảng Bảo thủ của bà May và phe đồng minh thuộc đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP).
Sự phản đối với kế hoạch của bà May chủ yếu nằm ở vấn đề đường biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland. Do hai bên không thể xây dựng một đường biên giới cứng để kiểm soát hàng hóa qua lại, nên những ý kiến chỉ trích cho rằng phương án hiện tại sẽ khiến Anh bị kẹt lại mãi mãi trong một liên minh thuế quan với EU và vì vậy, Brexit là vô nghĩa. Những người này thường xuyên cảnh báo họ sẽ không ủng hộ thỏa thuận mà bà May đạt được với EU.
“Chúng ta đang thực sự hướng tới địa vị của một nước thuộc địa, và thật khó để thấy lợi ích chính trị hay kinh tế từ một thỏa thuận như vậy”, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson từng nói về kế hoạch Brexit trong lá thư gửi nước Anh, cùng lá đơn từ chức đặt lên bàn của nữ Thủ tướng Theresa May.
Ban đầu, cuộc bỏ phiếu thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh được dự kiến tiến hành ngày 11-12-2018. Tuy nhiên, khi nhận thấy thỏa thuận này khó có thể được thông qua, bà May đã hoãn việc đưa nó ra Quốc hội. Động thái này khiến Thủ tướng Anh phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong nội bộ đảng Bảo thủ, nhưng bà đã vượt qua thử thách này.
Người ta cho rằng việc bà May lùi thời hạn đến giữa tháng 1-2019, vài chục ngày trước khi Brexit diễn ra, là hành động gây áp lực lên các thành viên Hạ viện để họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ thỏa thuận của bà, bởi thời gian cho việc tìm kiếm một thỏa thuận mới với EU gần như không còn.
“Tôi biết đây không phải là một thỏa thuận hoàn hảo đối với tất cả mọi người. Đó là một thỏa hiệp. Chỉ có thể tránh được tình trạng không có thỏa thuận nếu chúng ta đạt được sự nhất trí hoặc nếu chúng ta từ bỏ hoàn toàn Brexit”, bà May từng tuyên bố sau khi thỏa thuận Brexit thành hình cuối năm ngoái.
Nếu Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit thì đây chính xác là điều mà Chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo EU mong muốn.
Trong trường hợp này, Anh dự kiến phải trả cho EU 45 tỷ Euro, song hàng triệu công dân Anh và công dân EU đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ của nhau sẽ tiếp tục được giữ nguyên quyền lợi như hiện tại, tiếp tục được hưởng trợ cấp và đoàn tụ gia đình Toà tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến công dân EU sinh sống tại Anh.
Tiếp đến, Vương quốc Anh sẽ quá độ 21 tháng trong EU, từ ngày 1-4-2019 đến hết năm 2021. Thời hạn quá độ này có thể được gia hạn thêm một lần nữa nhằm đảm bảo không có cú sốc lớn nào xảy đến với người dân và giới doanh nghiệp hai bên.
Trong trường hợp Hạ viện Anh không thông qua thỏa thuận, thì đây sẽ là “giấc mơ” của những người ủng hộ “Brexit cứng” muốn sự ra đi dứt khoát, song lại là “cơn ác mộng” với nền kinh tế của cả Anh lẫn EU.
Nếu không có thỏa thuận nào đạt được, London lập tức mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác sau ngày 29-3. Ngân hàng Anh ước tính trong trường hợp này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm 8%.
Bên cạnh đó, tương lai chờ đợi nước Anh và EU sẽ là quan hệ chính trị giữa hai bên trở nên mờ nhạt, quan hệ thương mại hoàn toàn chỉ còn dựa trên những điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Anh cũng sẽ phải chịu thuế của EU như các nước ngoài khối, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn định đời sống và việc làm của người dân Anh.
Tác động với EU ít hơn so với Anh, song cũng không hề nhỏ, đầu tiên là EU sẽ không có được khoản tiền 13 tỷ bảng mỗi năm do Anh đóng góp. Vấn đề quyền sống và làm việc của 3,7 triệu công dân EU tại Anh cũng sẽ sớm trở thành vấn đề quan trọng cần sớm giải quyết.
Ngoài hai trường hợp trên, Guardian cho biết, còn một tình huống nữa có thể xảy ra, đó là những người ủng hộ EU kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân mới để đảo ngược quá trình Brexit. Không có luật nào ngăn cản Anh làm lại từ đầu, nhưng nhiều người đặt câu hỏi liệu điều này có nên làm hay không.
Những tháng gần đây chứng kiến việc Thị trưởng London Sadiq Khan cùng một loạt nhân vật có ảnh hưởng ở Anh kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu để ở lại khối EU. Những người này thậm chí đã đặt tên cho nó là “Cuộc bỏ phiếu của nhân dân”.
Tuy nhiên, nữ Thủ tướng Theresa May nhiều lần nói rằng cuộc trưng cầu tiếp theo về Brexit là không thể. “Chúng ta sẽ đánh mất niềm tin với người dân Anh bằng việc tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác. Một cuộc bỏ phiếu khác sẽ gây hậu quả không thể sửa chữa được đối với sự toàn vẹn chính trị của chúng ta”, bà May nói.
Dù thỏa thuận Brexit có qua được kỳ bỏ phiếu lần này hay không thì hạn chót để Điều 50 Hiệp ước Lisbon có hiệu lực vẫn sẽ là ngày 29-3-2019. Tức là sau ngày này, Anh không còn là thành viên của EU. Về mặt lý thuyết, EU có thể lùi thời hạn này thêm vài tháng cho London có thời gian tìm kiếm giải pháp, song điều này khó xảy ra bởi các nước châu Âu nhiều lần bày tỏ sốt ruột với các quyết định của Anh.
Hôm 12-1, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean Claude Juncker nhấn mạnh EU sẵn sàng thảo luận với Chính phủ Anh để làm rõ thêm một số vấn đề của thỏa thuận, nhưng nhất quyết không có chuyện đàm phán lại.
Trong bối cảnh việc thỏa thuận Brexit khó có thể được thông qua, Chính phủ Anh gần đây đang tất bật chuẩn bị cho một “Brexit cứng”. Reuters cho biết những kế hoạch này bao gồm việc dành không gian nhất định trên những chuyến phà qua lại giữa Anh và đất liền châu Âu để đảm bảo nguồn cung thuốc men và đồ dùng y tế không bị gián đoạn.
Chính phủ Anh cũng đã chuẩn bị ngân sách 4,2 tỷ bảng (5,31 tỷ USD) cho Brexit, trong đó có 480 triệu bảng dành cho Bộ Nội vụ để tăng cường kiểm soát biên giới, 375 triệu bảng cho cơ quan thuế để gia tăng 3.000 nhân viên hải quan và 410 triệu bảng cho các cơ quan quản lý môi trường, đánh bắt cá và thực phẩm.
Bên cạnh đó, 3.500 quân nhân cũng được điều động để sẵn sàng hỗ trợ chính phủ trong tình huống khẩn cấp.
Trong thông điệp gửi tới các chính trị gia hôm 14-1, Thủ tướng May đã mô tả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện dự kiến diễn ra vào ngày 15-1 rõ ràng quyết định “lớn và quan trọng nhất”. “Việc từ chối thỏa thuận Brexit sẽ là một thảm họa, phá vỡ niềm tin nghiêm trọng và không thể tha thứ được”, bà May nói. “Nếu Quốc hội không đồng lòng và quay trở lại thỏa thuận này vì lợi ích quốc gia, chúng tôi có nguy cơ rời khỏi ngôi nhà chung mà không có thỏa thuận. Khi đó mọi sự bất trắc đều có thể xảy ra với an ninh và việc làm”.