Năm 2018, sau 5 năm chuẩn bị, bên cạnh 27 lượt sĩ quan liên lạc đang làm việc cho Phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc (UNMISS), lần đầu tiên, Việt Nam cử lực lượng quân y tới Nam Sudan. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là hình ảnh thiện chí vì mục đích nhân đạo của Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tại Nam Sudan là lực lượng thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương quốc Anh, đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn trong giai đoạn từ 28-9-2018 đến 30-9-2019. Theo kế hoạch, sau Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Việt Nam sẽ triển khai thêm Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và một đại đội công binh ở Nam Sudan.
Nằm sát ngay cạnh khu bảo vệ dân thường (POC) lớn nhất ở Nam Sudan - nơi hơn 115.000 người dân Nam Sudan đang tị nạn trên chính đất nước mình, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam chịu sự điều hành trực tiếp của tổ chức “Bác sĩ không biên giới”. 63 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến được chia thành từng đội khác nhau, chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho người dân trong khu POC, đảm bảo điều kiện về thực phẩm, nước sạch và thuốc men.
Thiếu tá Bùi Thị Xoa (43 tuổi), một trong 10 nữ quân y đang có mặt tại Nam Sudan nhớ lại: "Cảnh đầu tiên tôi nhìn thấy đó là sự hoang tàn, âm u. Chiến tranh đã tàn phá đất nước này một cách kinh khủng. Khi nhận nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, được trao quyết định, bản thân tôi đã sẵn sàng cho những hiểm nguy mà mình có thể đối mặt. Nhưng nhìn cảnh người dân nơi đây, tôi vẫn không cầm nổi nước mắt. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Trưởng căn cứ Bentiu UNMISS, bà Hiroko Hirahara khi ra tận sân bay đón chúng tôi và nói: "Chúng tôi đợi các bạn từ lâu rồi. Cuối cùng các bạn cũng đã tới". Thực sự là cảm kích và thấy tự hào là quân nhân đại diện cho quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế. Mỗi lần nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay cùng với cờ LHQ, Nam Sudan, Mông Cổ, Ghana, Ấn Độ, Campuchia và Anh tại phái bộ UNMISS tại Bentiu, tôi lại tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa".
Cũng theo Thiếu tá Bùi Thị Xoa thì trước khi sang Nam Sudan, chị và đồng đội đã được học ngoại ngữ (tiếng Anh), được huấn luyện đầy đủ các kỹ năng về khả năng sinh tồn, các kỹ thuật cấp cứu chuyên sâu và đặc biệt được huấn luyện trên bộ trang thiết bị do Mỹ tài trợ. "Chúng tôi phải trải qua nhiều bài kiểm tra về chuyên môn và cả tiếng Anh để đảm bảo thực hiện tốt những gì được yêu cầu. Bản thân tôi cũng đã thực hành thuần thục những được bài học và vượt qua những bài kiểm tra của LHQ", Thiếu tá Bùi Thị Xoa cho biết.
Với diện tích hơn 10.000m², Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tiếp quản hệ thống khu điều trị và nhà ở dưới dạng container do chính lực lượng công binh Vương quốc Anh thiết kế và thi công. Theo năm tháng, hệ thống cơ sở vật chất nơi đây cũng bắt đầu xuống cấp, nhiều nhà ở của cán bộ bị dột. Song những điều này không làm chùn bước các bác sĩ, y tá và điều dưỡng quân y Việt Nam.
Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo (32 tuổi) tâm sự, chị được giao làm việc tại khoa ngoại của Bệnh viện dã chiến, ngày nào cũng phải tiếp xúc với cảnh người bị thương, máu me đầy người. "Đến một đất nước lạ, xa xôi lại bất ổn như này, tâm lý vững vàng là đòi hỏi kiên quyết đối với các binh sĩ UNMISS. Có đi mới thấy cuộc sống như địa ngục của người dân nơi đây. Trước đây tôi cũng còn nhiều trăn trở về gia đình nhưng vẫn quyết tâm vượt qua. Và niềm vui, nụ cười và ánh mắt sáng của các bệnh nhân mỗi khi được chữa lành chính là liều thuốc tinh thần lớn nhất đối với chúng tôi”, Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo nói.
Còn Trung úy Tô Thị Kiều Chinh thì chia sẻ: "Đã quen với việc trực đêm ở bệnh viện nhưng tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng được cảnh trực phải ngồi trong màn chống muỗi vì bệnh sốt rét đặc biệt nguy hiểm. Vậy đó, cái gì ở đây cũng thiếu, chỉ tình người là luôn ấm áp”…
Trong khi đó, ở một nơi khác cách xa khu vực Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga đã có "thâm niên" gần một năm làm việc tại UNMISS với tư cách là sĩ quan liên lạc. Sang đây từ cuối năm 2017, với nhiệm kỳ ban đầu là 12 tháng, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ quân nhân mũ nồi xanh đầu tiên của Việt Nam tại Nam Sudan. Với chị, những năm tháng qua là những trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời binh nghiệp.
Nhóm của Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga sau khi đặt chân tới quốc gia châu Phi này, đã được cử đi làm việc tại 2 bang cách nhau 1.000km, mỗi bang có diện tích bằng 1/2 Việt Nam. Nhiệm vụ của các sĩ quan liên lạc UNMISS là luôn xuất hiện tại những điểm nóng, phải đi nhiều, gặp nhiều và là cầu nối của LHQ để liên lạc với chính quyền, đại diện các phe phái, lực lượng quân sự địa phương từ đó kịp thời nắm thông tin, cứu trợ thường dân, ngăn chặn xung đột, duy trì lệnh ngừng bắn…
Được thành lập từ tháng 7 năm 2011 sau một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập để tách khỏi CH Sudan, Nam Sudan là quốc gia non trẻ và mong manh nhất thế giới. Nằm ở giữa châu Phi, có biên giới với 6 quốc gia khác, Nam Phi có lợi thế rất giàu dầu mỏ, song qua nhiều năm nội chiến, nước này bị trở thành một trong những vùng ít phát triển nhất trên trái đất. Chiến tranh đã phá hủy gần như toàn bộ nền nông nghiệp của Nam Sudan, đẩy lạm phát của quốc gia này tăng cao, lên đến 800% một năm.
Chính trên mảnh đất chiến sự đầy chết chóc và hiểm nguy ấy, các binh sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã góp phần chung tay xoa dịu hậu quả chiến tranh cho đất nước và người dân nơi đây. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, xung đột phe phái kéo dài ở Nam Sudan buộc LHQ phải triển khai lực lượng UNMISS năm 2011 theo Nghị quyết số 1966 để ngăn thảm họa nhân đạo. Nhiệm vụ chính của UNMISS là bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. Trong thời kỳ cao điểm, lực lượng UNMISS gồm 11.350 binh sĩ quân đội và 1.173 sĩ quan cảnh sát đến từ các nước thành viên LHQ.
Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bảo vệ hòa bình, không tham gia vào xung đột quân sự mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ nhân đạo, hòa giải. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, trước đây, Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình LHQ với hình thức cá nhân, còn giờ là đơn vị. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam có thể khám và điều trị tối đa cho 40 bệnh nhân ngoại trú; có khả năng hồi sức cấp cứu, vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nhân nặng tới tuyến cao hơn; có khả năng thực hiện 3 - 4 ca phẫu thuật có gây mê, thực hiện 10 ca Xquang, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm chẩn đoán 20 ca/ngày; có khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày.
Nói về những đồng nghiệp Việt Nam mới sang tiếp quản công việc, TS Iqbal Mahd - Giám đốc Y tế của UNMISS tại Nam Sudan nhận xét: "Thái độ của các bạn Việt Nam rất nhiệt thành, luôn hoàn thành tốt công việc. Cái khó khăn nhất chính là ngoại ngữ bởi tiếng Anh không ổn thì rất vất vả trong quá trình chẩn đoán bệnh. Nhưng việc này các bạn cũng đã vượt qua được. Các bạn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và mang tới cho chúng tôi sự tin tưởng tuyệt đối".