Mỗi chuyến công du nước ngoài của các nguyên thủ hoặc những hội nghị đa phương hay hội nghị quốc tế, ngoài những vấn đề về bảo vệ an ninh, nội dung bàn thảo… thì trang phục của các đệ nhất phu nhân cũng đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Chỉ qua màu sắc và kiểu dáng của bộ trang phục đang mặc hoặc qua những phụ kiện mang nhiều thông điệp, các đệ nhất phu nhân đã biến chúng thành "sức mạnh mềm" một cách vô cùng khéo léo và linh hoạt. Thời trang đang trở thành một yếu tố quan trọng và đôi khi nó có thể khiến những màn ngoại giao kiểu cách trở nên nhẹ nhàng và thậm chí còn mang lại lợi thế khi tham dự các cuộc trò chuyện hay đối thoại.
Chẳng nói đâu xa, trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi đầu tháng 12-2018 ở Buenos Aires (Argentina), những hình ảnh gây ấn tượng nhất lại chính là vẻ đẹp muôn màu của các đệ nhất phu nhân với các hoạt động bên lề Hội nghị. Và tại đây, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đã "giúp" Tổng thống Trump thể hiện "uy lực nước Mỹ" bằng một phong cách thời trang đầy đẳng cấp.
Hãng CNN viết: "Ngay trong ngày đầu tiên tháp tùng chồng tới Argentina tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Đệ nhất phu nhân Melania đã gây chú ý, toát lên vẻ thanh lịch với chiếc váy họa tiết hoa có giá 4.900 USD của nhà mốt cao cấp Gucci. Trước đó, khi lên chuyên cơ Air Force One cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Melania mặc chiếc khoác da dáng dài của Hãng Ralph Lauren trị giá gần 6.000 USD. Còn trong buổi gặp gỡ các đệ nhất phu nhân ở một bảo tàng nghệ thuật của Buenos Aires, bà Melania duyên dáng với chiếc váy chấm bi đỏ (polka dot) trị giá 9.800 USD, cùng chiếc áo khoác màu kem trang nhã và đi đôi giày cao gót màu xám. Rồi khi tháp tùng chồng tới Nhà hát Colon tham gia một sự kiện văn hóa do nước chủ nhà tổ chức, Đệ nhất phu nhân Mỹ lại khoác trên mình bộ váy dài màu tím đậm với thắt lưng màu vàng... Phong cách sang trọng, quyến rũ từ những bộ váy áo và phụ kiện xa xỉ hàng đầu của đệ nhất phu nhân Mỹ đã dần trở thành dấu ấn riêng của bà".
Chuyên gia Pirjo Suhonen, làm việc cho thương hiệu thời trang Phần Lan Ivana Helsinki nhận xét, sự lựa chọn đa dạng trang phục và thương hiệu thời trang lớn của đệ nhất phu nhân Mỹ trong các hội nghị đa phương và hội nghị quốc tế không phải là điều ngẫu nhiên, mà nó nằm trong một quỹ đạo kiến thức sâu sắc về một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp sáng tạo. "Từng là người mẫu, lại am hiểu sâu sắc về lĩnh vực thời trang nên bà Melania đã dành khá nhiều công sức để chọn váy áo phù hợp cho những chuyến đi của mình. Có lẽ vì thế mà khi công du nước ngoài cùng chồng, đặc biệt là trong những chuyến thăm chính thức, Đệ nhất phu nhân Mỹ thường lựa chọn trang phục của thương hiệu hay nhà thiết kế của nước sở tại mà bà tới thăm, hoặc là trang phục có họa tiết là những dấu ấn đặc trưng của quốc gia đó. Chẳng hạn khi thăm Pháp, bà mặc các bộ váy của Chanel, còn trong chuyến thăm Anh, bà lại chọn sản phẩm thời trang của Victoria Beckham", chuyên gia Pirjo Suhonen nói.
Cũng theo chuyên gia Pirjo Suhonen thì "đọ tài thời trang ngoại giao" với Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania còn có Đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron. Nói về phong cách thời trang của Đệ nhất phu nhân Brigitte, tờ báo Pháp L'Express thậm chí thốt lên đầy thán phục: "Chưa bao giờ bà nói rằng: “Tôi không mặc váy ngắn được đâu". Giày cao gót, đầm cộc tay, quần da ôm sát. Bà ấy dám thử mọi thứ. Bà Brigitte là thế. Hãy nhìn vào mái tóc được đánh rối tự nhiên đầy điêu luyện ấy. Hãy nhìn vào nụ cười rạng rỡ ấy. Và bạn sẽ hiểu được bà Brigitte là một người phụ nữ rất có phẩm chất".
Còn Tạp chí Vogue thì lý giải về sự quan tâm lớn từ công chúng đối với phong cách thời trang của Đệ nhất phu nhân Pháp như sau: "Với chúng tôi, bà ấy là một người phụ nữ rực rỡ và tỏa sáng, vừa mạnh mẽ vừa nhân hậu. Bà ấy giải phóng những người phụ nữ ở thế hệ mình. Thay vì các mẫu đồng phục vải tweed, bà xuất hiện nhiều hơn với quần jeans và áo phông. Thay cho những bộ suit thanh lịch, bà vận vào người các mẫu blazer đi cùng giày thể thao. Rất khó để tìm ra từ chung mô tả phong cách của bà. Đơn giản là bà có gu riêng và rất khó để hạ thấp gu thời trang ấy. Từng là một giáo viên nên phong cách đặc trưng nhất của bà là yêu thích những màu sắc nhã nhặn như trắng, hồng pastel, beige hay đen trắng. Có một điểm thú vị nữa là Đệ nhất phu nhân rất hay diện những thiết kế của Louis Vuitton. Điều này cho thấy sự ủng hộ tinh tế, khéo léo của bà dành cho nhà mốt lừng danh nước Pháp".
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Viện quản lý tài năng Vivendi Christelle Graillot tin rằng phong cách thời trang của bà Brigitte không chỉ đơn giản là những gì bà khoác lên người mà đó còn là tinh thần và năng lượng bà tỏa ra, là cách cư xử ấm áp và tự nhiên trong giao tiếp với mọi người, cả ở Pháp lẫn bên ngoài nước Pháp. "Ở kỷ nguyên mà tất cả mọi người đang điên cuồng tìm kiếm sự thay đổi, Đệ nhất phu nhân là một hình mẫu tích cực và cần thiết. Chẳng phải đó là hiện đại hay sao? Cởi mở? Một nước Pháp mới? Bà ấy là một người Pháp tự do. Chính sự tự do đó đã khiến Đệ nhân phu nhân trở thành đặc trưng của văn hóa Pháp", bà Vivendi Christelle Graillot nhấn mạnh.
Trong khi đó, được mệnh danh là "biểu tượng thời trang bước ra từ chính trường của châu Á", phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Bành Lệ Viên đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế với phong cách thời trang đậm chất Á Đông. Bà Bành Lệ Viên có thể mặc đẹp cả y phục phương Tây lẫn trang phục truyền thống của Trung Quốc. Nhưng không đi theo lối mòn của các đệ nhất phu nhân Trung Quốc trước đó, Bành Lệ Viên chọn cho mình một phong cách thời trang hiện đại, mạnh mẽ nhưng cũng rất nhẹ nhàng. Bà từng lọt vào danh sách những người mặc đẹp của Tạp chí văn hoá thời trang nổi tiếng của Mỹ Vanity Fair và được đánh giá là "giúp trang phục Trung Quốc thu hút sự chú ý trên thế giới".
Viết về Đệ nhất phu nhân Trung Quốc, Tạp chí Vanity Fair đã dùng từ "nhạy cảm, tinh tế và đúng chất nghệ sĩ". Còn tờ South China Morning Post thì cho rằng, những lựa chọn thời trang của bà Bành Lệ Viên phần nào thể hiện được niềm tự hào dân tộc trong công tác đối ngoại.
Nét riêng trong trang phục của Đệ nhất phu nhân Trung Quốc chính là việc bà trao trọn niềm tin của mình cho Ma Ke - một nhà thiết kế tài năng, lập dị, đã gây dựng thành công hai thương hiệu thời trang đình đám của Trung Quốc là Wuyong và Exception de Mixmind. Điểm mạnh mà Ma Ke thể hiện trong các trang phục cho bà Bành Lệ Viên là sự đặc sắc không giống ai, kết hợp hiện đại và cổ điển kèm những chi tiết thủ công như chiếc đầm dài tay kiểu sườn xám với điểm nhấn là những bông hoa làm cúc cài áo hay chiếc áo khoác đen với thiết kế xẻ hai tà ở phần thân áo, kết hợp với váy lụa tơ tằm bên trong và tạo thêm điểm nhấn với một chiếc trâm buộc ở cổ áo và bông tai ngọc trai thanh lịch.
Không quá cầu kỳ vào tên gọi của các thương hiệu thời trang đình đám trên thế giới, Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung-sook hay phu nhân Thủ tướng Canada Sophie Trudeau lại thường sử dụng những sản phẩm của các hãng thời trang bình dân. Tuy nhiên, cách lựa chọn trang phục theo từng sự kiện của họ thì lại cực kỳ tinh tế và mang nhiều thông điệp. Như tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triền lần thứ 3 hồi tháng 9, Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung-sook đã mặc bộ váy áo rời màu trắng để nhấn mạnh rằng Hàn - Triều cùng một dân tộc. Còn tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 ở khu Panmunjeom tại biên giới hai nước, thông điệp về hoà bình cho bán đảo Triều Tiên đã được thể hiện rõ nét qua bộ váy liền màu xanh nhạt của bà Kim Jung-sook, cùng tông với cà vạt xanh da trời của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.