Theo một số nhân chứng có mặt tại sự kiện âm nhạc được tổ chức bởi Công ty TNHH kết nối Á Châu, khoảng 23 giờ ngày 16-9 khi mà hàng ngàn con người đang mê cuồng trong những cơn “giật, lắc” trên nền nhạc dance sôi động, thì cũng có một số bạn trẻ chuyền tay nhau chai nước “lạ” và những quả bóng cười.
Sau đó ít phút, hàng chục nam thanh nữ tú bất ngờ có những biểu hiện ngộ độc như bất tỉnh, ngã lăn xuống đất, dù lay gọi nhiều lần cũng không có phản ứng. Qua sơ cứu phát hiện những thanh niên này thở chậm, ngừng thở, nhịp tim không đều, cơ thể lạnh toát, vã mồ hôi… Người dân cùng lực lượng bảo vệ đã đưa họ vào bệnh viện cấp cứu.
Còn theo báo cáo ban đầu của Công an TP Hà Nội, khoảng 23 giờ 10 phút ngày 16-9-2018, Công an quận Tây Hồ nhận được tin báo từ Bệnh viện Tim Hà Nội (Cơ sở 2 tại 34 Võ Chí Công, Xuân La, Tây Hồ) về việc tiếp nhận 2 trường hợp đến cấp cứu là Hoàng Nhật M. (28 tuổi, trú tại đường Hoa Phượng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) và Tống Xuân B. (29 tuổi, trú tại Chợ Con, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) trong tình trạng tim ngừng đập. Các bác sỹ đã tổ chức cứu chữa tích cực song đến khoảng 23 giờ 45 phút cùng ngày, hai thanh niên trên đã tử vong.
Cho đến chiều ngày 17-9, Cơ quan công an xác định có thêm 5 trường hợp tử vong nữa, gồm: Nguyễn Hoàng D. (27 tuổi, trú tại Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội); Nguyễn Thị T. (22 tuổi, trú tại Sơn La); Nguyễn Thu H. (22 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội); Hoàng Thanh T. (26 tuổi, trú tại Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Trường C. (21 tuổi, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng).
Tại Bệnh viện E có 3 nạn nhân cấp cứu trong tình trạng hôn mê gồm Nguyễn Cảnh V. (18 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); Bùi Văn H. (30 tuổi, trú tại Cầu Đất, Hải Phòng) và Trần Thị T. (19 tuổi, học viên một lớp điều dưỡng tại Hà Nội). Tại Bệnh viện Bạch Mai điều trị 2 nạn nhân gồm: Nguyễn Việt L. (27 tuổi, trú tại Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm) và Cát Duy A. (24 tuổi, trú tại Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội).
Qua kiểm tra, 12 thanh niên trên đều dương tính với ma túy.
Khám nghiệm hiện trường tại khu vực khuôn viên tổ chức đêm nhạc hội, Cơ quan công an phát hiện một số quả “bóng cười” (khí N2O được bơm vào bóng bay). Người sử dụng hít trực tiếp khí N2O có trong quả bóng sẽ có hiện tượng cười liên tục trong khoảng 30 giây. Tuy nhiên, nếu sử dụng nhiều hoặc quá liều sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất là trầm cảm hoặc thiệt mạng. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu được một số tinh thể màu trắng, viên nén nghi là ma túy tổng hợp.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan công an ban đầu xác định ngày 31-8-2018, Công ty TNHH kết nối Á Châu do ông Lê Thái Sơn (26 tuổi, trú tại Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép tổ chức “Đêm nhạc hội mùa thu 2018” để trình diễn nhạc điện tử và biểu diễn thời trang. Theo kế hoạch, 19 giờ ngày 16-9, đêm nhạc diễn ra và có rất đông thanh niên tham gia. Khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, tại nơi diễn ra nhạc hội phát hiện một số người có biểu hiện không bình thường về sức khỏe, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ gồm Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Phòng Kỹ thuật hình sự... phối hợp với Công an quận Tây Hồ, Viện Kiểm sát nhân dân TP... tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khẩn trương điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ. Trên cơ sở kết quả điều tra, sẽ quyết định khởi tố vụ án hình sự, điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của các nạn nhân và các vi phạm của cá nhân, tổ chức liên quan, xử lý nghiêm trước pháp luật.
Theo một bác sỹ thuộc Khoa Cấp cứu của Bệnh viện E, những nam nữ thanh niên được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong đêm 16-9 đều có những biểu hiện của người bị sốc ma túy.
Khi một người sử dụng các loại ma túy quá liều lượng, đặc biệt là được sử dụng kèm các loại chất kích thích như rượu, bia; cùng với sự vận động mạnh như nhảy múa... sẽ khiến hệ hô hấp, hệ tuần hoàn trong cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng. Hậu quả là người đó sẽ bị ngừng thở do các chất dịch tiết ra chẹn đường hô hấp. Ngoài ra, tim sẽ bị rối loạn, hoặc ngừng đập. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, chỉ sau khoảng 3-5 phút là bệnh nhân sẽ bị tử vong.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, sự kiện âm nhạc “Trip to the Moon” được đầu tư khá bài bản về cả tài chính, con người. Sự kiện này cũng được một số hãng rượu tài trợ…
Từ cuối tháng 8-2018, sự kiện này đã được quảng bá rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Theo ban tổ chức, sự kiện âm nhạc này có sự góp mặt của dàn DJ tầm cỡ quốc tế, những tên tuổi được săn đón nhiều nhất tại các lễ hội hàng đầu thế giới. Sân khấu cũng được đầu tư với 2 sân là “Lion stage” và “Moon stage”. Có lẽ do sự đầu tư “khủng” của ban tổ chức mà vé vào cửa thuộc hàng cực “chát”. Có 60 ghế SVIP giá 3,2 triệu đồng/ghế (được phục vụ nước và rượu sâm-panh miễn phí). Còn vé đồng hạng là 750 ngàn đồng/vé. Quả thật, với nhiều bạn trẻ thì mức giá này là không hề rẻ. Dù vậy, theo ban tổ chức công bố thì đã có khoảng 5.000 người tham gia sự kiện này.
Cũng theo một số người tham dự nhạc hội, bảo vệ tại cổng Công viên nước Hồ Tây chỉ có trách nhiệm soát vé. Đối với những vật phẩm mà người tham dự mang vào được “bỏ qua” một cách khá dễ dàng. Nhiều người có thể mang vào những món đồ chơi Trung Thu như lồng đèn, thú bông, thậm chí để lọt cả bóng cười vào. Và rất có thể đâu đấy bên trong những món đồ chơi họ mang vào lại chứa những “độc phẩm”, những loại ma túy có thể cướp đi sinh mạng người dùng!
Trong một diễn biến khác, chiều ngày 17-9-2018, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo để thông tin đến các cơ quan truyền thông về vụ việc này. Tham gia cuộc họp báo có Đại tá Nguyễn Văn Viện - Phó Giám đốc Công an TP, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ. Chủ trì cuộc họp báo là ông Trần Sơn Hà - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Theo ông Hà, sáng ngày 17-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tổ chức họp và giao cho các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý vụ việc; phân công thăm hỏi, động viên người nhà nạn nhân và các nạn nhân đang gặp nạn; giao Sở Y tế và Bệnh viện Bạch Mai tích cực cứu chữa nạn nhân; giao Cơ quan công an khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra.
Trả lời báo chí về trách nhiệm bảo đảm an ninh cho lễ hội âm nhạc, Đại tá Nguyễn Văn Viện cho biết, toàn bộ việc đảm bảo an ninh do Công viên nước Hồ Tây đảm nhận. Sau khi xảy ra sự cố, Công an TP đã nhanh chóng vào cuộc điều tra.
Còn theo ông Đỗ Anh Tuấn, trách nhiệm của quận Tây Hồ trong việc kiểm soát khán giả vào đại nhạc hội là cùng chỉ đạo, phối hợp với công an đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. “Chiều ngày 16-9, Công an quận, Phòng Văn hóa Thông tin đã có mặt kiểm tra giấy phép, trình tự đầy đủ, đúng theo quy định hiện hành. Phòng Văn hóa Thông tin quận cũng đã kiểm tra địa điểm cấp giấy phép biểu diễn Đêm nhạc hội mùa thu 2018. Từ khi chạy thử chương trình đến kết thúc, quận đã giám sát đầy đủ, làm đúng quy định của pháp luật” - ông Tuấn khẳng định.
Mặc dù các cơ quan chức năng cho rằng trách nhiệm bảo đảm an ninh thuộc về Công viên nước Hồ Tây, theo hợp đồng ký kết với Công ty Á Châu, song, có thể thấy rằng, việc giao phó công tác bảo đảm an ninh một sự kiện âm nhạc mà số người tham gia lên tới 5.000 người cho một đơn vị tư nhân như Công viên nước Hồ Tây liệu có “quá sức”? Sau sự kiện này, UBND TP Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng cần xem lại quy trình cấp phép cũng như vấn đề bảo đảm an ninh cho các sự kiện văn hóa có đông người tham gia như thế này, đặc biệt là phải lường trước được sự phức tạp của những đêm nhạc điện tử mà thường được giới trẻ sử dụng rượu và các chất kích thích như đêm nhạc trên.