Sáng 9-8, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội đã công bố thông tin kết quả điều tra vụ án làm giả bệnh án tâm thần để "chạy" tội, bắt tạm giam hai cán bộ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để phục vụ điều tra.
Theo đó, từ đầu năm 2017, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, xác minh các trường hợp có biểu hiện nghi vấn, đã và đang thực hiện hành vi "chạy" bệnh án tâm thần để điều tra, làm rõ.
Trong quá trình điều tra hành vi của các đường dây "chạy" bệnh án này, vào tháng 6-2018, Công an Hà Nội đã bắt giữ đối tượng Lê Thanh Tùng (SN 1986, thường trú tại Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), là đối tượng cộm cán, cầm đầu nhóm đối tượng gây ra vụ án "Cố ý gây thương tích" có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau. Sau khi gây án, Tùng đã xuất trình bệnh án tâm thần của mình hòng thoát tội. Cảm thấy có nghi vấn trước bệnh án này, CQĐT đã xác minh điều tra và kết luận bệnh án tâm thần là giả. Đối tượng Tùng khai nhận bệnh án này do một bệnh viện tâm thần đóng trên địa bàn Hà Nội cung cấp.
Qua đấu tranh lấy lời khai, đối tượng Tùng cho biết đã phải bỏ ra 85 triệu đồng để được kết luận trong hồ sơ bệnh án, bị "tâm thần phân liệt thể hoang tưởng". Từ manh mối này, Công an Hà Nội đã lập án đấu tranh.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Văn phòng CSĐT Công an Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 2 đối tượng là cán bộ và nhân viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả. Trong số này có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.
Qua vụ án, Công an Hà Nội nhận thấy hành vi của các đối tượng phạm tội không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn góp phần bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội công khai, lộng hành nhưng vẫn trốn tránh được việc xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, gây nguy hại cho xã hội, bức xúc trong dư luận.
Công an Hà Nội đã báo cáo Bộ Công an đề xuất kiến nghị với Trung ương chỉ đạo Bộ Y tế có giải pháp kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, xem xét quy trình cung cấp bệnh án tâm thần; đề nghị các y bác sỹ, nhân viên các bệnh viện tâm thần nêu cao y đức, không tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Qua xác minh thông tin vụ việc từ phía Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, được biết hai cán bộ bị bắt tạm giam là bác sĩ Thân Thái Phong, nguyên Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Phó khoa Người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng khoa Dinh dưỡng.
Nói về vụ việc này, ông Dương Duy Đặng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, vụ việc bị phát hiện vào tháng 11-2017 và đến ngày 12-6, CQĐT thông báo đã tạm giữ hai cán bộ nói trên.
"Theo chúng tôi được biết, trong vụ việc này, ông Nguyễn Tuấn Sơn đã đưa đối tượng vừa gây án đến, giới thiệu với ông Thân Thái Phong để khám rồi cho nhập viện điều trị bệnh tâm thần và làm hồ sơ bệnh án đầy đủ cho đối tượng này", ông Đặng chia sẻ.
Khi vụ việc bị phát giác, hai cán bộ bị bắt giữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã có nhiều cuộc họp nhằm chấn chỉnh, rà soát lại quy trình khám, chữa bệnh của bệnh viện. Tuy nhiên, do ngay khi CQĐT đến thông báo lệnh bắt tạm giam là tịch thu luôn các bệnh án nên phía bệnh viện chưa được xem và kiểm tra để biết lỗ hổng ở khâu nào.
"Hiện tại, bệnh viện đang đợi kết luận của CQĐT, sau đó mới có trả lời chính thức. Ngoài ra phía cơ quan đã đưa cho chúng tôi danh sách 94 hồ sơ bệnh án nghi ngờ làm giả mạo, yêu cầu bệnh viện cung cấp các bản bệnh án photo để cơ quan Công an nghiên cứu", ông Đặng thông tin thêm.
Từng làm công tác chuyên môn nên ông Dương Duy Đặng nắm rõ quy trình làm hồ sơ, chứng nhận tâm thần. Theo đó, mọi thứ đều đã được quy định và có quy trình rõ ràng, việc cấp một chứng nhận tâm thần phải qua các khâu rất khắt khe, từ cấp phường, xã rồi qua nhiều cấp mới lên tới Bệnh viện Trung ương.
Bệnh nhân có giấy tờ giới thiệu từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh rồi mới qua Bệnh viện Trung ương. Sau đó bệnh nhân qua phòng khám bệnh, chụp ảnh và dán lên giấy tờ liên quan, trước khi đưa vào khoa/phòng điều trị, làm hồ sơ bệnh án. Việc điều trị phải tiến hành trong vòng 30 ngày mới có chẩn đoán. Đa số bệnh nhân vào bệnh viện đều được chụp ảnh nhận dạng. Đây không phải là quy định bắt buộc của Bộ Y tế mà do bệnh viện tự đặt ra để bảo vệ trước nguy cơ lợi dụng giấy tờ của bệnh viện để làm việc phi pháp.
"Tuy nhiên, với một số bệnh nhân "diễn" giỏi, các bác sĩ sẽ khó phát hiện ngay liệu họ có tâm thần hay không", ông Đặng nói.
Trao đổi với ông Thân Văn Quang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, bố của bác sĩ Thân Thái Phong, ông này cũng cho biết: "Những ngày tôi còn công tác, có lần bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân đã gây ra một vụ án ở Chùa Hương rồi giả vờ bị tâm thần, điên loạn. Để xác định được một bệnh nhân tâm thần là rất khó, không máy móc nào có thể chẩn đoán được. Người này lại đóng giả rất là thật nên chúng tôi đã phải lắp camera và theo dõi trong 2 tháng mới xác định được người này giả bệnh".
Tuy nhiên, ông Quang cũng cho rằng, hành vi của con trai mình đã sai quy trình khám chữa bệnh của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Cũng như ông Dương Duy Đặng đã nói ở trên, ông Quang cho biết, lẽ ra bệnh nhân phải đi theo tuyến từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh rồi mới đến Bệnh viện Trung ương I, như vậy sẽ ít xảy ra sai sót do qua nhiều khâu khám chữa bệnh.
Nói về vụ việc của con trai, ông Quang cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng cuối năm 2017, bác sĩ Thân Thái Phong cũng không kể gì cho gia đình nên không ai biết, đến lúc Công an vào khám nhà và đọc lệnh tạm giam, gia đình ông Quang mới ngỡ ngàng.
Được biết, bác sĩ Thân Thái Phong mới nhận chức Phó khoa điều trị cho bệnh nhân cao tuổi được khoảng 1 năm, trước đó bác sĩ Phong làm Phó phòng chỉ đạo tuyến và cũng mới bảo vệ xong bằng thạc sĩ.
Sau khi vụ việc nói trên bị phát giác, nhiều người đã đặt dấu hỏi về những vụ án mà kẻ phạm tội có hồ sơ tâm thần. Cụ thể như vụ việc nữ giám đốc thuê người tiêm máu nhiễm HIV vào người cháu bé 2 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong phiên tòa ngày 25-7-2017, TAND Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên án hai đối tượng đồng phạm là Lê Trung Linh (33 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) và Huỳnh Văn Thế (32 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) phải chịu lần lượt là 11 và 13 năm tù. Riêng nữ giám đốc chủ mưu thuê người tiêm máu có HIV vào người con của tình địch là bà Đào Thị Thu Thảo thì thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần.
Trước khi phiên tòa sơ thẩm lần 1 diễn ra vào đầu tháng 4-2017, bà Thảo có giấy chứng nhận đang đi chữa bệnh nên không tham gia phiên tòa. Tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ việc Đào Thị Thu Thảo có bị tâm thần như kết luận giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa hay không. Tuy nhiên trước đó, hai bị cáo được Thảo thuê một mực khẳng định, nữ giám đốc này hoàn toàn bình thường và tỉnh táo lúc giao việc cho hai người.
Kết luận từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cho biết: "Về y học: Trước, trong và sau khi gây án, đương sự bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Hiện nay đương sự bị bệnh giai đoạn trầm cảm vừa. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi: Tại thời điểm gây án và hiện nay, đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi". Do vậy, bà Thảo phải đi chữa bệnh bắt buộc và thoát án tù.
Một trường hợp khác thường xuyên dùng hồ sơ tâm thần làm "kim bài miễn tội" phải kể đến đó là đối tượng Nguyễn Ngọc Bình (tức Ngọc "chập", SN 1970, trú tại Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội). Được biết, đối tượng này có tới 3 bản án về tội mua bán trái phép ma túy, nhưng nhờ giấy chứng nhận tâm thần nên chưa từng phải thi hành một bản án nào.
Mô típ quen thuộc của đối tượng này sau nhiều vụ án vẫn là buôn bán trái phép chất ma túy, bị bắt thì lại phát bệnh tâm thần rồi đi điều trị bắt buộc, sau thời gian điều trị lại tiếp tục bán ma túy.